Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sao chưa về, nước nổi ơi!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sao chưa về, nước nổi ơi!

Phước Thái

(TBKTSG) – Người dân vùng lũ Đồng Tháp Mười cứ thấp thỏm vì đến thời điểm này “vẫn chưa thấy nước bò lên ruộng”. Nhiều cánh đồng đã thả cửa đê bao cho nước tràn đồng, sẵn sàng đón mùa nước nổi, nhưng nước vẫn ở đâu đâu…

Mưu sinh lao đao

Từ quốc lộ 30 (ngã ba huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), chúng tôi theo tỉnh lộ 843 đến các huyện Tam Nông, Tân Hồng. Hàng năm vào thời điểm này, những cánh đồng nước đã phủ trắng xóa. Mùa nước nổi thường về và ở lại trên đồng ruộng khoảng ba tháng, đất được nghỉ ngơi, tích lũy phù sa, còn chở theo nó rất nhiều sản vật ban tặng cho con người.

Nhưng nay, “vẫn chưa thấy nước bò lên ruộng” – anh Hai Lèo, ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, đứng trên bờ ranh… khô queo, nói – “Mọi năm giờ này nước đã ngập tới ngực, người người ra ruộng giăng lưới, đặt dớn… đủ kiểu làm ăn”. Dọc đường 843, nhiều cánh đồng lúa vừa được gieo sạ xanh mướt, người dân phải tìm cách khác mưu sinh như trồng thêm rau màu.

“Mọi năm nước nhiều mần ăn gì cũng dễ, thời gian này đã lên tới nửa lộ rồi đó. Năm nay nước ít, khó kiếm ăn quá!”, chú Hai Ton (ấp 1, xã Tân Mỹ, Thanh Bình) vừa xúc mô lươn vừa nói. Ủ mô là nghề mưu sinh của gia đình chú vào mùa nước nổi, hai ngày xúc mô một lần “lươn đầy cả nửa bao lúa 2 giạ”. Nhưng đó là chuyện của năm ngoái, “giờ hẻo lắm, ngày chỉ hơn 2 ký lươn”, chú Hai Ton bảo vậy.

Vẫn chưa tìm thấy nước nổi cả khi đã vào huyện Tam Nông. Ông Võ Văn Đạt, Phó chủ tịch UBND xã Phú Đức, cho biết: “Những năm trước mùa này nước đã chan đồng ít nhất 1 mét. Năm nay nước chỉ mới lên đồng được 4-5 ngày nay thôi. Đã mở tất cả các cửa đê bao nhưng nước sông quá thấp khó bò vô đồng”.

Anh bạn đồng nghiệp reo lên khi nhìn thấy cánh đồng nước mênh mông giáp ranh giữa huyện Tam Nông và Tân Hồng. Nhịp sống sôi động mùa nước nổi như chỉ cần có thế để “bày biện” sự đa dạng của mình. Lưới, dớn giăng giăng khắp nơi và bao nhiêu cách để đón lấy những sản vật mùa nước nổi đều được người dân tận dụng.

Dù bắt cá bằng lưới rùng, nhưng chú Ba Ha (xã An Phước, Tân Hồng) vẫn than “nước thấp hơn mọi năm nên cá ít quá”. Gia đình chú nuôi 7.000 con cá lóc vây quầng, lợi dụng mùa nước bắt các loại cá trắng về cho cá ăn. Nuôi cá lóc vây quầng rất phổ biến ở vùng Đồng Tháp Mười, người dân chủ yếu lấy công làm lời. Nước lũ thấp không chỉ thiếu nguồn thức ăn cho cá, mà theo chú Ba Ha, cũng làm cá “bị hốc” và chậm lớn.

Dù vậy, đó cũng là “cảm giác nước nổi” hiếm hoi mà chúng tôi có được. Bởi khi trở về vùng Đồng Tháp Mười giáp ranh giữa ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, sự mong mỏi nhìn thấy nước nổi nhấn chìm những cánh đồng trong biển nước đã không có được. Dọc theo các tuyến kênh, những chiếc vó đã được cất lên, người dân than “nước thấp, ít cá, kiếm bữa ăn cũng khó”.

Ngóng chờ nước nổi

Cậu Mười, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh (Long An), gọi mùa nước nổi là “thằng” một cách thân thương và gần gũi như cách gọi “thằng nhỏ” con trai của cậu: “Tới giờ nó vẫn chưa chịu dìa (về), mọi năm giờ đã tràn đồng, không còn nhìn thấy bờ ranh”.

Cậu Mười nói tiếp: “Cái thằng nước nổi nó dìa mới có cá, có cua cho bầy cá lóc. Cái thằng nước nổi dìa, chuột, rắn mới nhiều, đám điên điển được thúc ra bông đồng loạt. Cái thằng nước nổi dìa, ruộng đồng mới được tăng lực bằng phù sa, tắm rửa cho đất, đẩy thằng phèn đi xa…”. Ngoài ra, theo cậu Mười, nước nổi càng cao càng ít tốn phân thuốc, lại trúng mùa.

Ông Võ Văn Đạt cho biết ba phần tư diện tích của xã Phú Đức là đất nông nghiệp chuyên canh lúa, đến nay hệ thống đê bao đã hoàn chỉnh khép kín. Theo ông Đạt, đê bao khép kín là để chủ động tưới tiêu cho đồng ruộng chớ không phải để ngăn lũ.

Chính vì vậy, năm nay khi đã mở cửa đê bao đón lũ về mà không có nước lên đồng là một hiện tượng bất thường, khiến một bộ phận người dân sống nhờ vào mùa nước nổi gặp khó. Ông cho rằng, địa phương không chủ trương khuyến khích sản xuất lúa vụ 3, hàng năm đều mở cửa cho nước tràn đồng để rửa phèn, tăng phù sa cho đất.

Sống nhờ vào con nước lớn nước ròng dọc kênh Long An (nối Hồng Ngự – Đồng Tháp đến Vĩnh Hưng – Long An) với nghề đặt lọp tôm, anh Ba Nhớ than thở “ít tôm quá”. Dòng nước ngầu đục nhưng sâu hoẳm giữa lòng kênh như hiện nay, theo anh Ba Nhớ là “nước quá nhỏ” so với mọi năm. Nên “đi cả ngày trời dỡ được chỉ vài trăm gam tôm, hổng có ăn còn lỗ tiền mồi”.

Trong khi đó, anh Hai Lèo cho biết nhà có 5 công đất, trong đê bao khép kín nhưng anh khoái nước vô đồng hơn làm lúa vụ 3. Anh tính toán, 5 công đất làm lúa vụ 3 lời nhiều cũng 4-5 triệu đồng, trong khi anh có thể thu nhập gấp đôi từ mùa nước nổi nhờ đánh bắt cá tôm.

Thật vậy, “thằng” nước nổi đã trở nên quen thuộc và trở thành thành viên không thể thiếu của ruộng đồng, của đời sống người nông dân. Dù mùa nước nổi lên chậm, nhưng người dân vẫn ngóng trông nước về. “Nghe cô Xuân Lan (ThS. Lê Thị Xuân Lan – Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ) nói nước lũ đang bắt đầu đổ về và giữa tháng 10 nước lũ mới đạt đỉnh” – cậu Mười bảo. Điều này đã cho người nông dân thêm hy vọng và tiếp tục… ngóng mùa nước nổi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới