Thứ Bảy, 3/06/2023, 08:58
30 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Sao đổi ngôi?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sao đổi ngôi?

Huỳnh Hoa

(TBKTSG) – Hàng loạt tin xấu từ Mỹ và châu Âu đã thổi bùng lên “tâm trạng chiến thắng” ở các quốc gia đang phát triển châu Á, nhất là ở Trung Quốc. Nhiều người nghĩ rằng, lời tiên đoán về “cuộc chuyển dịch quyền lực toàn cầu không thể nào cưỡng lại sang phương Đông” (nhan đề một cuốn sách của Kishore Mahbubani, hiện là Hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore) dường như đã xảy ra nhanh hơn dự kiến.

Và người ta đã bắt đầu nói tới hiện tượng “sao đổi ngôi” giữa phương Tây và phương Đông, giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu: Mỹ và Trung Quốc.

Thật ra, ý tưởng về sự thắng thế của mô hình tư bản nhà nước kiểu Trung Quốc so với nền kinh tế tự do thị trường kiểu Mỹ đã xuất hiện vài năm trước và được củng cố nhờ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Còn nhớ tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2009, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo lần đầu tiên đã cực lực phê phán mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa “tham lam quá độ” như là cội nguồn gây ra cuộc khủng hoảng đó mà không thừa nhận nguyên nhân sâu xa của tình hình là sự mất cân bằng trên quy mô toàn cầu một phần do những chính sách trọng thương của chính Trung Quốc.

Gần đây, sự bế tắc kéo dài của châu Âu trong việc tìm biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp dẫn tới sự lây lan của khủng hoảng sang các nền kinh tế mạnh như Tây Ban Nha và Ý, sự giằng co giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong việc thỏa thuận mức trần nợ công của Mỹ dẫn tới việc tín nhiệm tín dụng của Mỹ bị hạ bậc, rối ren trong việc chọn người lãnh đạo đất nước ở Nhật Bản… càng cho thấy những khuyết điểm trong cơ chế điều hành các nền dân chủ và thúc đẩy quan niệm về tính ưu việt của mô hình Bắc Kinh mà theo Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, có đặc điểm là “ban hành quyết định nhanh chóng, tổ chức thực hiện hiệu quả”.

Biểu hiện mới nhất của “tâm lý chiến thắng” của người Trung Quốc là các cuộc gặp gỡ giữa Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trong tuần qua. Theo báo New York Times, ông Tập đã nhấn mạnh để người Mỹ hiểu rằng, vị thế của đôi bên đã thay đổi.

Theo ông Tập, Mỹ không còn là nguồn duy nhất về vốn liếng và công nghệ, Trung Quốc cũng không còn là nguồn lao động công nghiệp giá rẻ. “Càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Mỹ đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ và tạo ra công ăn việc làm”, ông Tập nói.

Và trong nỗi lo ngại trước cái gọi là cuộc suy thoái kép của kinh tế Mỹ tác động tiêu cực đến Trung Quốc, các nhà lãnh đạo nước này đã đưa vấn đề nợ công đang gia tăng và mối quan tâm đến sức mạnh kinh tế Mỹ thành chủ đề trung tâm trong các cuộc thảo luận với ông Biden. “Hoa Kỳ phải giữ lời và tuân thủ các nghĩa vụ của mình liên quan tới nợ chính phủ, bảo đảm sự an toàn, tính thanh khoản và giá trị các trái phiếu kho bạc Mỹ”, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói với ông Biden.

Báo chí chính thống Trung Quốc thì không ngớt đưa ra những bài bình luận phê phán Mỹ “bị mắc bệnh nghiện nợ”, đòi Mỹ phải “chi tiêu trong khả năng thanh toán”, thậm chí yêu cầu Chính phủ Mỹ phải giảm ngân sách quân sự để giảm nợ…

Trong bối cảnh đó những khuyến nghị của ông Biden như Trung Quốc cần xây dựng nền kinh tế bền vững hơn, phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng nội địa hơn là xuất khẩu và sự tái cân bằng như vậy không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng ở Mỹ và các quốc gia khác và mà còn xử lý những khiếm khuyết mang tính cơ cấu của chính nền kinh tế Trung Quốc… đã bị các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh tiếp nhận một cách lạnh nhạt và hờ hững.

Nhưng có thật là sao đã đổi ngôi hay không? Không ai phủ nhận rằng, so với thời kỳ Chiến tranh lạnh, vị thế và sức mạnh kinh tế của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã tăng lên một cấp độ mới và có thể nói trọng tâm quyền lực thế giới đang chuyển dần về phương Đông. Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để nói tới sự thoái trào của phương Tây, cũng như đối lập Tây-Đông là không có cơ sở.

Thực tế cho thấy, do tác động của toàn cầu hóa, kinh tế và xã hội phương Tây và phương Đông đã gắn kết vào nhau chặt chẽ đến mức cả hai cùng thắng hoặc cùng thua, chỉ cần một bên hắt hơi thì bên kia cũng sổ mũi. Nói cách khác, phương Đông sẽ không thể tăng trưởng khi phương Tây suy thoái và ngược lại.

Những nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ rằng nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của họ chỉ có thể tăng trưởng khi nhu cầu tiêu thụ của Mỹ và phương Tây vẫn mạnh, các đồng tiền phương Tây giữ được giá trị, ngược lại thì châu Á và Trung Quốc sẽ là những người bị thiệt hại đầu tiên. Những biện pháp thắt lưng buộc bụng đang được thực hiện ở châu Âu và chính sách cắt giảm chi tiêu của Mỹ đã bắt đầu làm cho guồng máy sản xuất của Trung Quốc bị chậm lại, số nhà máy phải đóng cửa tăng lên. Ngay trong lĩnh vực tiền tệ, quỹ ngoại hối 3.200 tỉ đô la đang là cơn đau đầu của Bắc Kinh khi đồng đô la Mỹ và đồng euro châu Âu liên tục bị mất giá so với vàng và các ngoại tệ khác.

Báo Straits Times của Singapore cho rằng, quan niệm “tách rời” (decoupling) giữa phương Tây và phương Đông chỉ là một “ảo tưởng” (pipe dream). Sự gắn bó giữa các nền kinh tế đã sâu đậm đến mức tất cả các bên đều phải hành động một cách có trách nhiệm. Nếu phương Tây tiếp tục chi tiêu bằng tiền của người khác và Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “làm nghèo hàng xóm” để thủ lợi cho riêng mình thì thảm họa suy thoái kinh tế toàn cầu là khó tránh khỏi.

Và khi ấy sẽ không còn ngôi sao nào nữa!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới