Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sao lại không biết?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sao lại không biết?

Đức Hoàng

Hơn một tháng sau ngày bế mạc đại lễ mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, con số chi phí tổ chức vẫn chưa được công bố khiến người dân có nhiều băn khoăn, thắc mắc.

(TBKTSG) – Đọc bài “Quá chậm!” của tác giả Biên Hà trên TBKTSG số ra ngày 18-11-2010, tôi thấy cả Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và các lãnh đạo thành phố Hà Nội đều bác bỏ tin đồn về mức chi 94.000 tỉ đồng cho dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đúng là con số này không chính xác. Tuy nhiên, tất cả lại không đưa ra được một con số nào khác, cho dù chỉ là ước lượng. Đó là điều rất phi lý.

>>>> Đọc thêm bài “Quá chậm”

Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã được chuẩn bị từ cách nay 10 năm. Chắc chắn, vấn đề đầu tư, chi tiêu cho sự kiện này phải được lên kế hoạch từ trước và trong đó không thể không có phần dự toán kinh phí. Bên cạnh đó, nếu là chi từ nguồn ngân sách của thành phố, thì mọi kế hoạch chi tiêu cũng phải thông qua HĐND phê chuẩn trước.

Như vậy, khi xuất hiện thông tin về chi phí cho đại lễ đến 94.000 tỉ đồng, ít ra lãnh đạo thành phố Hà Nội phải công bố ngay cho dân chúng biết mức dự chi từ ngân sách là bao nhiêu. Những câu trả lời như “chúng tôi đang tổng hợp” hoặc “hiện tại vẫn chưa tính toán xong chi phí dịp đại lễ”… của lãnh đạo Hà Nội khiến cho người dân càng cảm thấy khó hiểu và không khỏi nghi ngờ về khả năng có lãng phí trong hoạt động kỷ niệm này.

Ở đây cũng cần phải nói thêm, điều người dân quan tâm lo lắng không chỉ ở số tiền đã bỏ ra, mà còn ở việc sử dụng những đồng tiền đó có đúng chỗ và đúng lúc hay không?

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói rằng, những công trình xây dựng dịp đại lễ là để lại cho mai sau và không thể tính vào chi phí cho đại lễ. Nhưng vấn đề đặt ra là việc đầu tư xây dựng, ngoài mục tiêu “để lại cho mai sau” còn phải tính đến hiệu quả kinh tế – xã hội của chính công trình đó.

Qua báo chí, truyền hình, chúng ta đã chứng kiến cảnh không ít trẻ em ở vùng sâu, vùng xa hàng ngày vẫn phải ngồi học trong những lớp học dột nát, áo quần không đủ mặc, cơm không đủ ăn. Nhiều nơi trạm xá thiếu thốn thuốc men, không có bác sĩ nên người dân không được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản nhất. Trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn như vậy, người dân có quyền đặt câu hỏi có nên bỏ ra hơn 2.000 tỉ đồng để xây một bảo tàng lớn, hoặc chi hàng trăm tỉ đồng để xây cung trí thức, rạp chiếu phim, nhà hát… cho thế hệ mai sau, hay là để những công trình đó cho thế hệ mai sau làm và dành số tiền lớn đó đầu tư cho những nơi cần thiết hơn?

Để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, chúng ta đã đúc 1.000 con rồng, làm 1.000 cái trống… Ai cũng hiểu, đây là những vật phẩm biểu trưng, mang tính hình thức. Sẽ ý nghĩa biết bao, nếu Hà Nội phát động phong trào xây 1.000 ngôi trường, hỗ trợ bác sĩ và thuốc men cho 1.000 trạm y tế ở vùng sâu vùng xa… để mừng đại lễ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới