Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sập cầu Ghềnh: chưa xác định có người chết hay không

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sập cầu Ghềnh: chưa xác định có người chết hay không

Văn Nam – Anh Quân

Sập cầu Ghềnh: chưa xác định có người chết hay không
Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh. Ảnh: Anh Quân

(TBKTSG Online) – Tại cuộc họp với  UBND tỉnh Đồng Nai chiều nay, 20-13, ngành đường sắt cho biết khi cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập hai nhịp, ngành đường sắt đã kịp thời chặn được một tàu hàng trên đường từ TPHCM ra phía Bắc, nếu không thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Đến 18g chiều nay cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được có người nào thiệt mạng trong tai nạn này hay không.

Đoàn tàu hàng khi đó đã tới phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa, cách cầu Ghềnh không xa, thì được chặn lại.

Tính đến 18 giờ chiều nay, tức hơn 6 giờ kể từ khi vụ tai nạn, sà lan đã trôi 70 mét hướng về phía cầu Đồng Nai, và đang có dấu hiệu tràn dầu; thợ lặn vẫn chưa tìm thấy người nào dưới sông.

Theo thông tin cập nhật của TBKTSG Online tại hiện trường, có hai người trên sà lan được cho là tài công tàu kéo sà lan đã nhảy xuống sông sau đó được người dân cứu nhưng đã bỏ trốn.

Có ba người đi trên xe máy khi đến cầu Ghềnh lúc cầu sập bị rơi xuống sông nhưng cũng được cứu thoát ngay sau đó. Đến chiều tối nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định chính xác có người chết trong vụ sập cầu Ghềnh hay không. Hiện hàng chục thợ lặn đang ráo riết tìm kiếm khu vực sập cầu nhưng chưa tìm được người nào dưới sông.

Đại diện ngành đường sắt cho biết, hai nhịp cầu bị sập rơi xuống sông nếu vớt lên cũng không sử dụng được vì dầm cầu đã sử dụng 50 năm. Việc sửa chữa thay thế ra sao phải khảo sát mới lên được phương án cụ thể.

Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, từ tối nay đến sáng mai có 6 đoàn tàu khách và 2 đoàn tàu hàng và hàng ngàn hành khách đi các chuyến tàu Bắc – Nam và ngược lại bị ảnh hưởng. Đến chiều nay, các hành khách xuống tại ga Biên Hòa đều được ô tô của ngành đường sắt chở về TPHCM, và ngược lại hành khách đi từ TPHCM được vận chuyển ra ga Biên Hòa để lên tàu tiếp tục hành trình ra Bắc. Các tàu hàng về được xử lý tại ga Long Khánh.

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với ngành đường sắt sử dụng ô tô để chở hành khách trên các chuyến tàu bằng ô tô về TPHCM và ngược lại, không để ách tắc.

Ông Vĩnh cũng cho biết đã yêu cầu các lực lượng địa phương rào chắn hai bên đường khu vực cầu Ghềnh để tránh người dân vào khu vực này vào ban đêm, đồng thời dùng neo để cố định sà lan không để sà lan tiếp tục trôi dạt gây nguy hiểm giao thông thủy khu vực. Ga Sài Gòn sẽ cử thêm người từ Ga Hòa Hưng (TPHCM) xuống Ga Biên Hòa để hỗ trợ vì nhân lực tại Ga Biên Hòa rất mỏng.

Cũng theo ông Trần Văn Vĩnh, cơ quan chức năng sẽ khảo sát thêm kỹ lưỡng mới có thể đưa ra phương án trục vớt sà lan, đồng thời kiểm định các trụ cầu còn lại, sau đó mới có phương án xây dựng lại cầu.

Tại cuộc họp với chính quyền tỉnh Đồng Nai chiều nay, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu trong vòng một tuần ngành đường sắt phải lên phương án khôi phục tuyến đường sắt khu vực này. Song song đó, ngành giao thông địa phương cần điều tiết giao thông thủy hợp lý, phân loại từng loại tàu nào, giờ nào mới được đi qua khu vực này.

Trao đổi với TBKTSG Online lúc 18 giờ 30 tối nay, ông Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM, cho biết với 36 cán bộ chiến sĩ (đa phần là thợ lặn), cùng với 2 ca nô, 3 xe cứu hộ và nhiều thiết bị, lực lượng hỗ trợ từ TPHCM đang tiếp cận tàu kéo sà lan để tìm người xem có người nào còn kẹt bên trong hay không.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của sự cố này hành khách có thể chuyển sang đi máy bay hoặc đường bộ nên cũng phải lên phương án vận chuyển bằng những hình thức này để tránh để ùn tắc hành khách.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định sự cố này ảnh hưởng rất lớn đến vận tải đường sắt Bắc – Nam. Từ ngày mai, sẽ công bố cho toàn bộ người dân và doanh nghiệp nắm được lịch vận chuyển thay đổi, trong đó ga cuối các tàu chở khách là ga Biên Hòa và ga cuối hàng hóa là ga Hố Nai, Biên Hòa, Long Khánh.

Đến gần 19 giờ tối nay, tại cuộc họp, Công an tỉnh Đồng Nai thông tin qua lấy lời khai 3 người bị rơi xuống sông thì khi họ đi trên cầu ngoài 3 người thì không còn ai. Như vậy là chưa ghi nhận có thiệt hại về người.

Kết luận cuộc họp Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã giao cho các cục vụ của Bộ GTVT trong 2 ngày tới phải giải phóng sà lan, 4 ngày sau kể từ ngày cầu sập phải báo cáo phương án khắc phục. Kinh phí khắc phục ban đầu sẽ do Tổng công ty Đường sắt VIệt Nam bỏ ra, sau đó Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ bố trí vốn.

Ông Trường cũng cho biết do nhịp cầu đã rơi xuống sông, trụ cầu đã bị gãy nên không thể khắc phục ngày một ngày hai. Và phải mất ít nhất từ 3-5 tháng thì mới khắc phục xong đoạn cầu bị sập.

Xem thêm:

>> Sập cầu Ghềnh, huy động thợ lặn tìm người mất tích

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới