Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sắp có “hình hài” chính phủ điện tử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sắp có “hình hài” chính phủ điện tử

Trang chủ cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai.

(TBVTSG) – Cuối năm rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị yêu cầu cơ quan nhà nước các cấp tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử (e-mail) trong hoạt động kể từ ngày 1-1-2009 như là một bước đi cơ bản để thực thi chính phủ điện tử…

“Chính phủ điện tử” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong vài năm gần đây. Song, gần đây người dân mới thực sự nhận thấy Chính phủ đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT-TT trong hoạt động điều hành của mình (họp từ xa qua hội nghị truyền hình…) hay sự hiện diện của một vài mô hình chính phủ điện tử.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, chính phủ điện tử tại Việt Nam được cho là đang khởi động những bước đi đầu tiên.  

Một số mô hình mẫu  

UBND tỉnh Lào Cai vừa khai trương cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://egov.laocai.gov.vn vào ngày 12-12 trên cơ sở nâng cấp cổng giao tiếp điện tử đã hình thành từ năm 2005. Giai đoạn đầu, sẽ có hai dịch vụ công trực tuyến là hỏi – đáp (để đối thoại với công dân) và cấp giấy phép kinh doanh qua mạng được Lào Cai cung cấp trên cổng thông tin này.

Bên cạnh đó, cổng thông tin cũng cung cấp các biểu mẫu và hướng dẫn thủ tục hành chính nhằm giúp công dân, doanh nghiệp và tổ chức dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ công. Trong thời gian tới, nhiều dịch vụ trực tuyến khác dự kiến sẽ được Lào Cai dần triển khai trên cổng thông tin điện tử này.  

Ông Tô Trọng Tôn, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Lào Cai, cho rằng việc xây dựng thành công cổng thông tin điện tử tạo ra bước ngoặt mới trong lộ trình xây dựng chính phủ điện tử của địa phương này, bởi đã hệ thống hóa được nhiều công cụ giao tiếp liên quan tới các hoạt động của tỉnh, tạo cơ sở cho việc tổng hợp, đánh giá và đưa ra các quyết định đúng đắn trong công tác quản lý, điều hành; kích cầu về ứng dụng CNTT trong giao tiếp của các cơ quan hành chính nhà nước, giúp cho người dân và doanh nghiệp làm việc với các cơ quan nhà nước được nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm và có hiệu quả hơn. Lào Cai hy vọng sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2010.  

xx

Cổng thông tin này là giai đoạn một của dự án xây dựng chính phủ điện tử của tỉnh Lào Cai diễn ra từ năm 2008 đến 2010 với tổng mức đầu tư là hơn 8 tỷ đồng.  

Cùng với việc thiết kế chi tiết cho cổng thông tin điện tử, tỉnh Lào Cai dự kiến sẽ tiếp tục xây dựng sáu mô hình cổng thông tin thành viên bao gồm : Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Thông tin-Truyền thông, Sở Công an, Cục Thuế và UBND thành phố Lào Cai.  

Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, cho biết Lào Cai là một trong sáu tỉnh được Chính phủ lựa chọn để hỗ trợ triển khai mô hình ứng dụng CNTT, hình thành mô hình mẫu cho toàn quốc, tiến tới xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là việc triển khai chính phủ điện tử chỉ được thực hiện ở sáu tỉnh này: việc triển khai vẫn diễn ra trên toàn quốc, và sáu tỉnh này sẽ là mô hình mẫu cho các tỉnh khác học tập.  

Một mô hình chính phủ điện tử hoàn hảo là mô hình sẽ được triển khai ở các cấp khác nhau: trung ương – địa phương, thành phố – tỉnh, quận – huyện, phường – xã… Quận Ngô Quyền thành phố Hải Phòng là một trong những ví dụ hiếm hoi của việc triển khai chính phủ điện tử thành công ở cấp quận. Hiện tại, quận Ngô Quyền đã đưa vào áp dụng chính quyền điện tử và bước đầu đã đem lại những thành công trong công tác cải cách hành chính.  

Tương tự như quận Ngô Quyền, Công an Thanh Hóa là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành công an ở cấp tỉnh xây dựng trang thông tin điện tử (www.conganthanhhoa.gov.vn). Thời gian tới, Công an Thanh Hóa còn định nâng cấp trang tin này thành cổng thông tin điện tử nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính công có hiệu quả và tiện ích hơn cho nhân dân. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào mọi lĩnh vực công tác như: xây dựng văn phòng điện tử, các trung tâm tích hợp dữ liệu của các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ; kết nối máy tính của tất cả các đơn vị để khai thác dữ liệu ; từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo công an.  

Không phải là ngoại lệ  

Chia sẻ ý kiến tại cuộc Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 16 và 17-12, ông Wei-Choong Lam, Giám đốc quản lý của Công ty Tư vấn về dịch vụ chính phủ điện tử Veros Consulting, cho biết phần lớn các dự án triển khai chính phủ điện tử trên thế giới đều thất bại, chỉ có 15% thành công.

Ngay như tại Mỹ hay Canada, những quốc gia được cho là khá thành công về triển khai chính phủ điện tử, cũng có những dự án gặp khó khăn về kỹ thuật, hoặc cũng có những dự án dở dang chưa hoàn thiện. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, khoản kinh phí đầu tư cho chính phủ điện tử càng lớn thì tỷ lệ thành công càng cao. Ví dụ, những dự án đầu tư khoảng 100 triệu đô-la Mỹ thì tỷ lệ thành công khoảng 40%. Còn những dự án khoảng 10 triệu đô-la Mỹ, tỷ lệ thành công chỉ khoảng 2%.  

Theo ông Wei-Choong Lam, trước tiên chính phủ cần có tầm nhìn về đầu tư cho chính phủ điện tử, sau đó đưa ra chiến lược để thực hiện. Và quan trọng là cần có sự tham gia quyết liệt của cấp lãnh đạo cao nhất của các cơ quan chính phủ. Hiện nay, theo bảng xếp hạng về chính phủ điện tử năm 2008 của Liên hiệp quốc, Việt Nam đang ở vị trí 91 trong 182 nước và đạt điểm 4,5 (trong thang điểm 10) về mức độ triển khai. “Việt Nam đang đi sau một số nước nên cần nghiên cứu kỹ những thất bại và khó khăn trong việc triển khai của họ để tránh xảy ra những sai lầm đáng tiếc,” ông Wei-Choong Lam cảnh báo.  

Đọc tham luận tại cuộc hội thảo, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ Thông tin-Truyền thông, cho rằng có thể chính phủ điện tử tại Việt Nam bắt đầu bằng đề án tin học hóa quản lý hành chính (đề án 112), từ năm 2000. Nếu đề án 112 được cho rằng đã thất bại thì coi như lần đầu tiên Việt Nam triển khai một dự án chính phủ điện tử đã không thành công.

Ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, cho rằng, đề án 112 không thành công là do chúng ta tổ chức chưa tốt, mặc dù có mục đích tốt. “Đây là bài học cho những dự án sau này. Cần phải tạo được hành lang pháp lý và triển khai dự án tốt hơn,” ông Lai nói. Ông cũng nhận xét việc triển khai chính phủ điện tử ở Việt Nam đúng là có chậm so với các nước, nhưng không phải là quá chậm.  

Còn khó khăn và thách thức  

Một trong những mục tiêu của việc xây dựng chính phủ điện tử là cung cấp mô hình dịch vụ công trực tuyến một cửa cho người dân với bốn cấp độ: thông tin về quy trình và các thủ tục giấy tờ cần thiết (mức 1); cung cấp các loại mẫu đơn, hồ sơ và thủ tục (mức 2); điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ, xử lý và giao dịch hồ sơ qua mạng (mức 3); thực hiện dịch vụ và trả kết quả trực tuyến (mức 4).  

Hiện hầu hết các tỉnh, thành phố, bộ, cơ quan ngang bộ đều có trang web cung cấp các thông tin và dịch vụ hành chính công. Song, đa số cung cấp dịch vụ ở cấp độ một. Chỉ có một vài tỉnh hoặc cơ quan đang chuyển sang cấp độ hai và ba.  

Ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, nhận xét việc xây dựng và phát triển chính phủ điện tử ở Việt nam còn có khoảng cách so với yêu cầu chung và với quốc tế, chưa tương xứng với sự quan tâm của Chính phủ. Bởi vậy, xây dựng chính phủ điện tử đang là một thách thức thực sự đòi hỏi sự suy nghĩ nghiêm túc để tìm cách đi nhanh, bền vững và phù hợp.  

Ông Lai cho rằng, việc triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp phải rất nhiều thách thức. “Việc xây dựng chính phủ điện tử đang gắn với việc cải cách thủ tục hành chính nhà nước. Do đó, cần thay đổi mạnh tư duy của người làm việc tại các cơ quan hành chính. Cần phải đổi mới cách thức làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, cải cách dịch vụ công. Cái khó thể hiện ở chỗ phải chuyển dần thói quen làm việc trên văn bản giấy sang phong cách làm việc dựa trên văn bản điện tử,” ông Lai nói.  

Đa số các chuyên gia đều cho rằng, triển khai chính phủ điện tử là một quá trình lâu dài vì nó gắn với cải cách thủ tục hành chính. Nên việc triển khai chính phủ điện tử sẽ khó nhận được sự đồng tình của những người làm công việc hành chính. Đây chính là rào cản quan trọng cần phải vượt qua.   Ông Lai hy vọng rằng mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đến năm 2010, hình hài của chính phủ điện tử tại Việt Nam sẽ hoàn thiện và có thể cung cấp dịch vụ công ở mức độ ba.  

VÂN OANH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới