Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sắp có máy tính biết nhận thức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sắp có máy tính biết nhận thức

H. Minh

(TBVTSG) – Máy tính, cũng như con người, có thể học hỏi. Chẳng hạn như những máy chủ của Google được lập trình để dự đoán những hành vi nhất định dựa trên những sự kiện trong quá khứ. Tuy nhiên, khả năng này chỉ là một phần rất nhỏ của những gì mà não người có thể làm.

Các nhà khoa học tại hãng IBM vừa thông báo họ đã có một bước tiến quan trọng đến việc phát triển loại máy tính có khả năng nhận thức như não người. Bước tiến này chính là nguyên mẫu loại “chip máy tính điện toán nhận thức” (Cognitive Computing Chip) có thể mô phỏng những phương thức hoạt động của não người.

Ông Dharmendra Modha, người lãnh đạo dự án tại bộ phận IBM Research, cho biết: “Loại chip này là một bước đi quan trọng khác trong quá trình tiến hóa của máy tính từ một thiết bị tính toán thành một hệ thống biết học hỏi, báo hiệu sự khởi đầu của một thế hệ máy tính mới”.

Chip xử lý tín hiệu trong thế giới thật

Sắp có máy tính biết nhận thức
Mẫu chip điện toán nhận thức của IBM.

Sự quan tâm của IBM đối với chip điện toán nhận thức nằm ở khả năng nó giúp xử lý những tín hiệu trong thế giới thật, như nhiệt độ, âm thanh, sự chuyển động và làm cho máy tính hiểu được những tín hiệu này.

Theo IBM, loại chip này cuối cùng có thể dẫn đến việc phát triển những máy tính có thể mô phỏng những khả năng nhận thức và hành động của não người. Do biết nhận thức nên loại máy tính này sẽ không được lập trình sẵn như hiện nay. Thay vào đó, nó “có thể học hỏi thông qua các kinh nghiệm, tìm kiếm sự liên quan, đưa ra các giả thuyết, ghi nhớ và học hỏi từ các kết quả”, tương tự như não người.

Ngoài ra, máy tính nhận thức có thể phản ứng với mùi vị, xúc giác, âm thanh… trong khi tiêu thụ ít điện năng và có kích thước nhỏ gọn hơn các hệ thống máy tính hiện nay. Chẳng hạn như một hệ thống máy tính nhận thức chịu trách nhiệm quản lý nguồn cung cấp nước cho thế giới có thể đưa ra những cảnh báo về sóng thần thông qua hệ thống cảm biến giám sát những thông số như nhiệt độ, áp suất, độ cao của sóng và tần số âm thanh. 

Chip điện toán nhận thức cung cấp thêm bằng chứng về tầm quan trọng của việc xử lý nhiều tác vụ cùng một lúc trên máy tính.

Giulio Tonini, một giáo sư về tâm thần học tại trường Đại học Wisconsin (Mỹ) có tham gia dự án, nhận định rằng điều quan trọng không phải là loại chip này có thể làm được những gì mà là làm như thế nào.

Khả năng thích ứng của chip với những loại thông tin mà nó không được lập trình để tiếp nhận và xử lý là một tính năng quan trọng. Ông nhận định: “Vẫn còn nhiều việc để làm nhưng bước đầu tiên thường là quan trọng nhất”.

Cột mốc quan trọng

Thành tựu nói trên đánh dấu cột mốc quan trọng trong dự án kéo dài sáu năm qua với sự tham gia của 100 nhà nghiên cứu. Dự án này nhận được khoản tiền tài trợ 41 triệu đô la từ Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu tiên tiến về phòng thủ (DARPA) của Lầu Năm Góc và một số tiền đầu tư không được tiết lộ từ IBM.

Dự án cũng là một phần của cuộc nghiên cứu đã dẫn đến việc IBM thông báo vào năm 2009 rằng họ đã dùng một siêu máy tính lớn để mô phỏng được vỏ não – nơi điều khiển việc suy nghĩ – của mèo. Cũng trong năm đó, IBM còn mô phỏng được 1% vỏ não người.

Trong giai đoạn đầu của dự án, chip nhận thức của IBM chỉ mới thực hiện những tác vụ đơn giản như dẫn đường, nhận dạng mô hình và phân loại. IBM đã bắt tay với nhóm nghiên cứu của các trường đại học Columbia, Cornell, California và Wisconsin để bước vào giai đoạn hai – có tên gọi SyNAPSE.

Có thể sẽ mất thêm một thập kỷ hoặc lâu hơn để loại chip này ra khỏi phòng thí nghiệm để được ứng dụng trong các sản phẩm ngoài đời.

Dù viễn cảnh về loại máy tính có sức mạnh của não người vẫn còn khá xa vời, ông Modha cho biết IBM đang quyết tâm theo đuổi mục tiêu này. Ông cho biết: “Đã có và sẽ có nhiều người hoài nghi về viễn cảnh nói trên.

Chúng tôi đã chứng tỏ rằng đây là điều có thể”. Lòng tin của IBM không phải là không có cơ sở nếu ta biết rằng tập đoàn công nghệ này đã bắt đầu nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo từ năm 1956.

Thành tựu gần đây nhất của IBM trong lĩnh vực này là Watson, hệ thống điện toán phân tích được thiết kế để hiểu ngôn ngữ tự nhiên của con người và nhanh chóng đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi phức tạp. Watson được xem là bước đột phá lớn trong việc phát triển máy tính hiểu được ngôn ngữ tự nhiên mà con người sử dụng để thu nhận và trao đổi kiến thức, không phải thứ ngôn ngữ được thiết kế hoặc mã hóa cho máy tính.

Các nhà nghiên cứu tin rằng bằng cách tích hợp tính năng này vào máy tính nhận thức, nó cuối cùng có thể được sử dụng để hiểu hành vi con người và giám sát môi trường xung quanh.

(Theo AP, Bloomberg)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới