Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sắp có quy chế đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sắp có quy chế đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài

Quang Chung

Sắp có quy chế đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài

Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh do Phòng Tác chiến Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam cùng các cán bộ tác chiến Bộ Tổng tham mưu vẽ trên bản đồ miền Nam Việt Nam, được hoàn thành 4 ngày trước khi bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là bảo vật quốc gia được công nhận đầu năm 2015 –

Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

(TBKTSG Online) – Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân muốn đưa ra nước ngoài trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản phải phối hợp với bảo tàng công lập và do bảo tàng công lập làm đại diện.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa trình dự thảo “Quy chế đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản” lên Thủ tướng để ban hành.

Theo dự thảo, chỉ khi nào phục vụ hoạt động đối ngoại cấp nhà nước; thực hiện chương trình hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam có quy mô và ý nghĩa đặc biệt đối với bộ, ngành, địa phương; và thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế về nghiên cứu hoặc bảo quản bảo vật thì mới được phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài.

Việc đưa bảo vật quốc gia thuộc sở hữu nhà nước ra nước ngoài phải do các bảo tàng công lập đủ điều kiện thực hiện. Đối với bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân cũng như của các bảo tàng ngoài công lập, muốn đưa ra nước ngoài phải phối hợp với bảo tàng công lập [làm đại diện] – do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là các bảo tàng tư nhân “còn ít kinh nghiệm hợp tác với các đối tác quốc tế lớn”.

Về nguyên tắc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài, dự thảo quy chế yêu cầu phải được bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình vận chuyển, lưu giữ tạm thời bảo vật tại nước ngoài; bảo đảm đưa về Việt Nam ngay sau khi kết thúc trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản. Do đó, dự thảo quy định phải định giá cho việc mua bảo hiểm trong các trường hợp có rủi ro khi đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài.

Và để việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài phục vụ các mục đính kể trên được thuận lợi, dự thảo đã quy định rất chi tiết về thủ tục, hồ sơ, quy trình và trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc tham mưu cho Thủ tướng quyết định đưa bảo vật ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.

Được biết, từ năm 2012 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận 79 hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia. Nhiều bảo tàng có uy tín trên thế giới đề xuất mượn bảo vật quốc gia của Việt Nam để trưng bày có thời hạn. Mặc dù Luật di sản văn hóa có quy định về việc cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu, hoặc bảo quản (Điều 44) nhưng chưa thể thực hiện được vì thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể.

Vì vậy, Quyết định sắp tới của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản sẽ là văn bản pháp lý quan trọng hỗ trợ tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu bảo vật quốc gia thực hiện tốt nhiệm vụ phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, đồng thời phục vụ hiệu quả các hoạt động văn hóa đối ngoại quan trọng của đất nước, góp phần khẳng định hình ảnh Việt Nam trên bình diện quốc tế.

Xem thêm:

Trưng bày chuyên đề “Đèn cổ Việt Nam”
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới