Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sáp nhập các sàn chứng khoán Singapore và Úc: Sức nóng cạnh tranh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sáp nhập các sàn chứng khoán Singapore và Úc: Sức nóng cạnh tranh

Thái Bình

Sàn giao dịch chứng khoán ASX tại Sydney, Úc sẽ được sáp nhập với thị trường chứng khoán Singapore SGX trong một thương vụ trị giá 8,3 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: WIKIPEDIA

(TBKTSG) – Công ty Quản lý thị trường chứng khoán Singapore, mã cổ phiếu SGX, hôm thứ Hai (25-10) đã cùng Công ty Quản lý thị trường chứng khoán Úc ASX, công bố một vụ sáp nhập lớn, theo đó SGX sẽ mua lại ASX với giá 8,4 tỉ đô la Úc, tương đương 8,3 tỉ đô la Mỹ. Nếu thành công, đây sẽ là vụ sáp nhập quan trọng nhất trong lĩnh vực chứng khoán ở châu Á-Thái Bình Dương, mở đầu cho một xu thế mới trên thị trường tài chính khu vực.

Theo các hãng tin Reuters và AP, mục tiêu của sự sáp nhập này là nhằm giúp cả hai sàn gia tăng sức cạnh tranh, tiết kiệm chi phí điều hành và góp phần đưa Singapore nhảy vọt từ một thị trường chứng khoán hạng hai thành trung tâm tài chính hàng đầu khu vực. Tại buổi công bố vụ sáp nhập, Tổng giám đốc điều hành SGX, ông Magnus Bocker, nói với báo chí: “Dòng vốn mà chúng ta thấy ngày hôm nay đang đổi hướng từ Đông sang Tây. Và [Singapore] sẽ là cánh cửa mở vào các thị trường tài chính châu Á”.

Sau khi sáp nhập dự kiến vào quí 2-2011, công ty mới, có tên tắt là ASX-SGX Ltd. sẽ đặt trụ sở tại Singapore và niêm yết cổ phiếu ở Singapore và Úc. ASX-SGX Ltd. có giá trị thị trường vào khoảng 12,3 tỉ đô la Mỹ, điều hành việc giao dịch chứng khoán của 2.700 công ty niêm yết thuộc 20 quốc gia, với tổng giá trị vào khoảng 1.900 tỉ đô la Mỹ. Sàn giao dịch của ASX-SGX sẽ lớn thứ tư ở châu Á sau các thị trường chứng khoán Tokyo, Hồng Kông và Thượng Hải và lớn thứ hai châu Á về số doanh nghiệp niêm yết. Theo dữ liệu tháng 9-2010 của Liên đoàn các thị trường chứng khoán thế giới, tổng giá trị giao dịch của cả hai thị trường chứng khoán Singapore và Úc trong chín tháng đầu năm nay vào khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ, xếp thứ sáu ở châu Á nhưng kém xa so với thị trường chứng khoán New York, nơi có 13.800 tỉ đô la Mỹ giao dịch trong chín tháng qua. Tuy vậy, sàn giao dịch ASX-SGX có thể là cơ sở hoạt động lớn thứ hai thế giới của các tổ chức đầu tư tài chính, đang quản lý khối tài sản lên tới 2.300 tỉ đô la Mỹ.

Theo nhận định của báo Wall Street Journal, nhờ quy mô tăng lên, sàn giao dịch mới sẽ có sức hấp dẫn các khách hàng lớn, trả phí nhiều như các thương nhân có tần suất giao dịch cao và các doanh nghiệp đang tìm cách huy động vốn ở một thị trường năng động, và như vậy ASX-SGX sẽ đặt ra thách thức không nhỏ cho các thị trường chứng khoán Tokyo và Hồng Kông.

Trong ngắn hạn, vụ sáp nhập giúp cả hai công ty ASX và SGX có lợi thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp. Tại Úc, sự độc quyền của ASX trong lĩnh vực điều hành thị trường chứng khoán sẽ kết thúc vào năm tới, và hiện đã có những tập đoàn quốc tế như Chi-X Global Inc. có giấy phép mở sàn chứng khoán mới, cạnh tranh với ASX. Tại Singapore, SGX không thành công trong việc biến đảo quốc này thành thị trường tài chính khu vực vì luôn bị Hồng Kông lấn lướt. Sàn SGX chỉ có 2 mã cổ phiếu có khối lượng giao dịch trên 50 triệu đô la Mỹ mỗi phiên, trong khi con số này ở Hồng Kông là 18 đơn vị, ở Úc là 21 đơn vị và ở New York là 699 đơn vị. Singapore cũng không qua nổi Hồng Kông trong việc thu hút các doanh nghiệp chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO); trong năm ngoái, số vốn mà các doanh nghiệp huy động được qua IPO tại Hồng Kông cao gấp 16 lần tại Singpore. “Họ [ASX và SGX] phải sáp nhập hoặc có nguy cơ thu hẹp hoạt động trước sức ép từ Trung Quốc, vì cả Úc và Singapore đều không có sự nâng đỡ của cộng đồng doanh nghiệp trong nước”, ông Lorraine Tan của Công ty Nghiên cứu chứng khoán Standard & Poor’s ở Singapore nhận định.

Trong lĩnh vực chứng khoán, sàn giao dịch quy mô càng lớn thì sức hấp dẫn càng cao, cho nên vụ sáp nhập SGX-ASX là điều đã được giới phân tích dự báo trước, vào thời điểm mà quan niệm thị trường chứng khoán là “thị trường quốc gia” (national exchange) đang bị xóa bỏ dần sau những vụ sáp nhập xuyên lục địa ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, trước tiên vụ sáp nhập này phải được sự đồng ý của cổ đông. Thông tin công bố đầu tuần cho biết, mỗi cổ phiếu của Công ty Úc ASX được SGX chào giá 48 đô la Úc, cao hơn 37% so với giá khớp lệnh 34,96 đô la Mỹ mà cổ phiếu này đạt được tại phiên giao dịch thứ Năm tuần trước. Số tiền này được thanh toán bằng 22 đô la Úc tiền mặt, cộng với 3,473 cổ phiếu của công ty Singapore SGX. Ngay sau khi thỏa thuận sáp nhập được công bố, giá cổ phiếu của ASX đã tăng thêm 20%, lên 43,49 đô la Úc/cổ phiếu trong khi giá cổ phiếu của SGX giảm 5,8%, còn 8,99 đô la Singapore/cổ phiếu. Sở dĩ giá cổ phiếu chuyển biến ngược chiều như vậy vì theo các nhà phân tích, cổ đông SGX không hài lòng với vụ sáp nhập; họ cho rằng SGX đã chào giá quá cao cho một thương vụ chưa chắc đã vượt qua được những trở ngại về pháp lý.

Mặc dù lãnh đạo của cả ASX và SGX đều tin tưởng rằng, vụ sáp nhập sẽ được Chính phủ Úc phê duyệt, song giới phân tích vẫn cảnh báo nguy cơ nó sẽ gặp phải sự phản đối của công chúng Úc, nơi việc nhà đầu tư nước ngoài mua lại các doanh nghiệp trong nước vẫn là một vấn đề nhạy cảm. Theo luật Úc, mọi thương vụ cho phép doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ hơn 15% cổ phần của một công ty Úc đều phải được Bộ Tài chính và Ủy ban Giám sát Đầu tư nước ngoài (FIRB) của nước này phê chuẩn. Công ty SGX có tới 23% cổ phần thuộc quyền sở hữu của Quỹ Phát triển lĩnh vực tài chính thuộc Ngân hàng Trung ương Singapore, là dữ kiện có thể khiến FIRB đưa ra những phán quyết không thuận lợi. Chính vì thế, tại thời điểm này, chưa ai bảo đảm rằng vụ sáp nhập SGX-ASX sẽ được Chính quyền Canberra phê chuẩn.

Giới đầu tư chứng khoán tại Úc cũng không mặn mà với vụ sáp nhập. Theo giới phân tích, Công ty Úc ASX có số vốn nhỏ hơn, chỉ 6 tỉ đô la Mỹ so với 7,9 tỉ đô la Mỹ của SGX Singapore nhưng quản lý một sàn chứng khoán lớn hơn, với khoảng 2.000 doanh nghiệp niêm yết, so với 700 doanh nghiệp tại Singapore. Nhiều người cho rằng SGX đang lợi dụng sự kiện cổ phiếu tại Singapore đang được giao dịch với giá cao, chỉ số P/E bình quân lên tới 26, để thâu tóm sàn ASX, nơi chỉ số P/E bình quân mới chỉ là 17, nghĩa là có tiềm năng phát triển mạnh hơn.

Cho tới nay, việc sáp nhập doanh nghiệp giữa các quốc gia châu Á mang lại rất ít hiệu quả kinh tế do những trở ngại về ngôn ngữ, văn hóa và cơ chế tiền tệ thanh toán. Thương vụ SGX-ASX có khả năng sẽ trở thành một bước đột phá cho xu thế sáp nhập này, nhưng cũng có thể là một thất bại nếu không lưu tâm đầy đủ đến những khác biệt ấy.

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới