Sắp xóa thêm một số trạm thu phí
Lê Anh
Mặc dù đã thu quỹ bảo trì đường bộ nhưng nhiều trạm thu phí BOT vẫn được thu cho đến khi hết hợp đồng - Ảnh minh họa: Anh Quân |
(TBKTSG Online) - Chính phủ đã đồng ý mua lại 2 trạm thu phí đã bán quyền thu phí cho nhà đầu tư và chuyển 2 trạm còn lại cho nhà đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
>>> Chuyên gia: TPHCM nên bỏ một số trạm thu phí
>>> Sẽ dẹp bỏ nhiều trạm thu phí
Theo công văn phát đi chiều 3-4 của Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đã đồng ý mua lại 2 trạm thu phí là trạm số 2 (trạm Phù Đổng) nằm trên quốc lộ 1 và trạm thu phí Bãi Cháy nằm trên quốc lộ 18.
Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đàm phán thống nhất với nhà đầu tư về phương án tài chính, nguồn vốn mua lại và thời điểm dừng thu để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Còn đối với trạm Hoàng Mai và trạm Bàn Thạch cũng nằm trên quốc lộ 1, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc chuyển giao cho 2 nhà đầu tư BOT. Bộ Giao thông vận tải được giao đàm phán, thống nhất với nhà đầu tư việc mua lại, thời gian chuyển giao để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Hiện nay 4 trạm thu phí nói trên đang thực hiện thu phí và thời hạn kết thúc hợp đồng thu là ngày 31-12-2014. Theo tính toán của Bộ GTVT để mua lại 4 trạm nói trên trong thời hạn còn lại, cần số tiền vào khoảng 800 - 900 tỉ đồng.
Ngoài 4 trạm thu phí ở phía Bắc, tại TPHCM trạm thu phí đường hầm sông Sài Gòn và trạm ở đường Nguyễn Văn Linh chưa có phương án xử lý cụ thể. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phương án xử lý để chấm dứt tình trạng phí chồng phí.
Trạm thu phí đường hầm sông Sài Gòn nằm trên đại lộ Đông Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ) được xây dựng bằng vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản. Khi quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, trạm thu phí này thuộc danh sách các trạm thu phí bị xóa bỏ, cho dù trạm đã được xây dựng. Vấn đề khó khăn nhất đối với chính quyền thành phố là việc bố trí nguồn vốn để duy tu, bảo trì đường hầm sông Sài Gòn. Trước đây, khi xây dựng dự án trạm thu phí này sẽ thu để bảo trì đường hầm.
Còn đối với trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh, tiền thu được từ trạm này để duy tu bảo dưỡng tuyến đường. Theo hợp đồng Công ty TNHH liên doanh Phú Mỹ Hưng được thu phí với thời gian 30 năm (từ 1998 đến 2028). Nếu xóa bỏ trạm thu phí này chính quyền thành phố sẽ phải trả cho nhà đầu tư số tiền trong khoảng thời gian còn lại.
Khi thu quỹ bảo trì đường bộ từ đầu năm 2013, Bộ GTVT đã xóa 17 trạm thu phí đường bộ. Sau khi rà soát lại ngày 1-2, trạm thu phí cầu Cần Thơ và trạm Tiên Cựu được xóa bỏ. Đến ngày 4-2, trạm thu phí phụ Vĩnh Thanh thuộc trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài cũng được xóa bỏ. |