Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sapa thổ cẩm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sapa thổ cẩm

Người dân tộc Mông bán hàng thổ cẩm trên vỉa hè ở Sapa. Ảnh: Công Thắng.

(TBKTSG) – Chia tay Sapa, có một điều khiến tôi suy nghĩ nhiều và tiếc: liệu đến một ngày nào đó những người dân tộc Mông, Dao sẽ thôi không dệt thêu thổ cẩm nữa, mà chỉ đơn giản nhận bán những thứ hàng thổ cẩm nhái dệt bằng máy và đưa từ bên kia biên giới sang?

Sương mù dâng đầy thung lũng khi chúng tôi qua đèo, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại theo hình thế các sườn núi, dãy Hoàng Liên Sơn cao vút nhấp nhô phía xa với dải mây trắng đục vắt qua đỉnh Fansipan, những cây đào, mơ, mận trụi lá dồn sức cho mùa khai hoa sắp đến, những gánh hàng rong bán trứng nướng, bắp nướng với bếp lửa đỏ rực dọc đường và những con phố thân thiện mà khách Tây nhiều hơn ta…

Sapa có rất nhiều thứ để ngắm nhìn với một người lần đầu đến đây như tôi. Chỉ tiếc là thời điểm chúng tôi đến – một tuần trước Giáng sinh – trời không rét lắm, ban ngày khoảng 15 độ C đêm đến khoảng 10 độ C. Thậm chí buổi sáng còn có nắng nhẹ, thứ nắng trong trẻo, thoảng chút hơi lạnh và mùi thơm cỏ cây mà Sài Gòn ngột ngạt khói bụi chẳng thể nào có được. Anh hướng dẫn viên bảo chúng tôi “gặp may” vì mùa này Sapa rất ít khi có nắng. Chúng tôi chỉ cười khi nhớ đến những cái va ly to đùng, nặng trĩu, đầy quần áo ấm mà nhiều người ì ạch kéo đi qua các ga hàng Cỏ, ga Lào Cai.

Đúng là Sapa có nhiều thứ để ngắm nhìn, để thụ cảm. Nhưng thu hút sự chú ý của tôi hơn cả vẫn là những người dân tộc Mông và Dao đỏ bán thổ cẩm dọc các phố đông người. Đôi mắt sắc nhỏ hơi xếch, gò má cao ửng hồng vì cái lạnh và những đôi tay nhuốm màu chàm vì thường xuyên khâu thêu thổ cẩm. Nhìn bề ngoài, người Mông và người Dao đỏ khác nhau chỉ ở màu sắc y phục: người Mông mặc áo váy, quấn xà cạp màu đen với những dải hoa văn xanh, đỏ trang trí; còn người Dao đỏ nổi bật với chiếc khăn màu đỏ tươi quấn trên đầu. Họ chào bán đủ món đồ làm bằng thổ cẩm, từ mũ, áo, khăn, túi xách, tấm vải trang trí treo tường, bao gối… cho đến những dây bùa, sáo Mèo và kèn môi. “Mua đi, bán rẻ cho”. Có những em bé cầm những vòng dây nhỏ quàng vào cổ tay khách: “tặng đấy” (tất nhiên khách cũng vui vẻ “tặng” lại các em năm, mười ngàn đồng).

Quả thật, với những ai mê loại sản phẩm thủ công lạ mắt thì đây là một nơi lý tưởng. Thoạt đầu, tôi cũng nghĩ vậy, nhưng khi anh hướng dẫn viên dân Lào Cai nhắc khẽ: “Cẩn thận đấy, không khéo lại thổ cẩm may từ Trung Quốc!”, tôi có hơi dè dặt. Vậy sao? Ngay cả hàng thổ cẩm tại đây cũng có hàng nhái? “Cứ nghĩ xem, để có một chiếc váy hay áo mới, người Mông, người Dao phải tốn cả tháng trời hoặc hơn nữa để tước sợi, xe sợi, nhuộm, dệt tay, khâu, thêu… Không lẽ tất cả chỉ đáng giá một, hai trăm ngàn như nhiều người đang bán? Trong khi thổ cẩm dệt may bằng máy rẻ hơn nhiều!” – anh hướng dẫn viên giải thích.

Nhìn lại, dọc phố, các cửa tiệm tạp hóa tràn ngập hàng Tàu: giày dép, vải vóc, áo quần, đồ chơi, dầu gió, dược thảo…; ngay trong phòng khách sạn chúng tôi ở, ti vi và cả cái máy sưởi ấm bằng điện trở có dạng máy quạt đứng cũng là hàng Tàu. (Sực nhớ Sapa chỉ cách thành phố Lào Cai chừng ba chục cây số mà Lào Cai lại có cửa khẩu Hà Khẩu giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Cứ như lời anh bạn hướng dẫn viên thì tốt nhất khi vào những tiệm bán hàng đặc sản và thổ cẩm, nên cẩn thận xem đường chỉ khâu và sợi dệt. Nếu sợi vải thô xảm, đường khâu không sắc sảo, hoa văn đặc trưng, vải nối nhiều mảnh thì hy vọng đó không phải là hàng công nghiệp. Mất công đấy. Nhưng biết sao được: bạn lặn lội lên đến đây để chỉ mang về những thứ mà chỉ cần ra chợ Bến Thành cũng có đầy thì hơi bị uổng phí…

Nói vậy chứ tôi cũng mua vội dọc đường mấy món thổ cẩm: một cái khăn, hai bao gối và hai chiếc áo thổ cẩm làm kỷ niệm chuyến đi. Mua vội vì không có thời gian để lựa lọc và chỉ vì thấy thích. Cũng chẳng biết mắc rẻ thế nào. Có mấy người trong đoàn chọn mua những tấm vải trang trí treo tường, túi xách, những chiếc bao điện thoại; giờ chót sắp lên xe rời Sapa, một cô bạn còn tranh thủ ra chợ mua mấy cái mũ thổ cẩm.

Về lại Sài Gòn, đem những món đồ thổ cẩm ra giặt, chỉ có vài món xả mấy nước vẫn còn xanh đen màu chàm. Nhà tôi nhìn màu nước xả để “thẩm định”: “Thổ cẩm nửa này, nửa nọ”. Thôi cũng được, chớ nên đòi hỏi nhiều ở thời buổi thật – giả lẫn lộn. Chỉ có một điều khiến tôi suy nghĩ nhiều, và tiếc: liệu đến một ngày nào đó những người dân tộc Mông, Dao sẽ thôi không dệt thêu thổ cẩm nữa, mà chỉ đơn giản nhận bán những thứ hàng thổ cẩm nhái dệt bằng máy và đưa từ bên kia biên giới sang? Một nghề truyền thống hàng nghìn năm bị thui chột, một nét đẹp văn hóa sẽ bị xóa sổ?

Chợt nhớ lời anh bạn đồng nghiệp lúc ngồi trên tàu trở về Hà Nội: Phải chi những người dân tộc có tay nghề cao được hỗ trợ vốn, được tổ chức lại để làm ra những món hàng thổ cẩm độc đáo, có “bảo chứng” hẳn hòi để bán ra với giá tương xứng thì hay biết mấy. Thay vì những người dân tộc vốn rất thật thà kia phải lang thang khắp phố để năn nỉ chào bán những thứ thổ cẩm mà phần lớn bị mạo nhận là của mình…

CÔNG THẮNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới