Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sắt thép, xi măng, phân bón xuất khẩu sang EU sắp bị đánh thuế carbon

Minh Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết các quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon từ tháng 10-2023, do đó, những mặt hàng xuất khẩu sang EU có thể sẽ chịu ảnh hưởng như sắp thép, nhôm, xi măng, phân bón…

CBAM ban đầu sẽ áp dụng với 6 loại hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Cổng thông tin Bộ Công Thương cho biết theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến từ 10-2023, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Nhà nhập khẩu sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và không chịu phí CBAM.

Đến tháng 1-2026, CBAM dần dần đưa vào song song với việc loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí của EU ETS (thị trường mua bán khí phát thải của EU).

Đến năm 2027, Ủy ban Châu Âu thực hiện rà soát toàn diện về CBAM. Và đến năm 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ.

Ngày 18-4 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nhiều biện pháp nhằm giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có việc áp dụng thuế carbon đối với hàng nhập khẩu phát thải nhiều.

Với đa số phiếu nhất trí, EP đã thông qua thỏa thuận đạt được với các nhà đàm phán của các thành viên EU vào năm ngoái, nhằm cải cách thị trường carbon để lượng khí thải vào năm 2030 giảm 62% so với mức của năm 2005.

Nghị viện châu Âu cũng ủng hộ kế hoạch triển khai CBAM từ năm 2026, từng bước áp thuế nhập khẩu các loại hàng hóa thải nhiều khí carbon gồm sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và hydro.

Loại thuế này, lần đầu tiên được áp đặt trên thế giới, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp của EU trước sự cạnh tranh của những công ty nước ngoài gây ô nhiễm hơn, cũng như hạn chế các công ty EU chuyển đến những khu vực có quy định môi trường lỏng lẻo.

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho rằng khi CBAM có hiệu lực, các sản phẩm sắp thép, nhôm, xi măng, phân bón của Việt Nam xuất khẩu sang EU có thể bị ảnh hưởng.

Bởi các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện nay tại EU.

Số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, năm 2022 tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam đạt 8,4 triệu tấn, trong đó xuất khẩu sang EU chiếm 16% (khoảng 1,3 triệu tấn); xuất khẩu nhôm khoảng 2,1 triệu USD, trong đó xuất sang EU hơn 307 triệu USD, chiếm tỷ trọng 14,5%; xuất khẩu phân bón và xi măng  sang EU chiếm tỷ trọng 1% tổng lượng xuất khẩu hai mặt hàng này.

Theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu  sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. CBAM ban đầu sẽ áp dụng với 6 loại hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng thải công nghiệp của EU.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới