Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sau 4 ngày, đã bán ra 10 tấn vàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sau 4 ngày, đã bán ra 10 tấn vàng

Thanh Thương

Sau 4 ngày, đã bán ra 10 tấn vàng
Giá vàng trong nước và thế gới đã về gần nhau. Ảnh: TL.

TBKTSG Online) – Sau khi nới rộng khoảng cách đến hơn 4 triệu đồng/lượng trong 2 tuần trước, giảm dần về 1 triệu đồng/lượng vào cuối tuần qua, đến hôm nay (10-10), giá vàng trong nước chỉ còn cao hơn giá thế giới hơn 200.000 đồng/lượng

Giá vàng niêm yết tại SJC lúc 16 giờ chiều nay là 42,89 triệu đồng/lượng, bán ra là 43,29 triệu đồng/lượng. Mức giá này giảm 110.000 đồng/lượng so với chiều qua. Trong khi đó, xu hướng tăng vẫn chiếm chủ đạo trên thị trường châu Âu hôm nay. Đến thời điểm này, giá vàng giao ngay được niêm yết với giá 1.659,1 đô la/ounce, tăng 20,7 đô la so với chốt phiên New York cuối tuần qua.

Xu hướng ngược chiều của giá vàng trong nước và thế giới đã xuất hiện từ thứ Năm tuần trước, kéo dài đến sáng nay, sau thông tin Ngân hàng nhà nước cho phép 5 ngân hàng thương mại và SJC bán vàng để bình ổn thị trường. Xu hướng này cũng là nguyên nhân chính kéo giá vàng trong nước và thế giới lại gần nhau.

Theo các công ty kinh doanh vàng, xu hướng mua vàng của người dân đã bắt đầu chững lại từ cuối tuần qua. Lượng vàng bán ra của SJC đã giảm mạnh so với ngày thứ Năm, từ con số hơn 20.000 lượng, đến hôm nay chỉ còn khoảng 8.000 lượng. Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh Công ty SJC, lực mua giảm dần khiến giá vàng trong nước không tăng so với giá thế giới.

Theo thông tin riêng của TBKTSG Online, trong 4 ngày qua lượng vàng cung ứng ra thị trường của các đơn vị được bán vàng huy động đã vượt qua con số 10 tấn vàng.

Từ cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để ổn định thị trường vàng. Bên cạnh việc cho một số ngân hàng được mở lại tài khoản kinh doanh ở nước ngoài, cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành thông tư 33/TT-NHNN về việc các tổ chức tín dụng không được phép cung cấp vốn cho tổ chức, cá nhân để đầu tư, kinh doanh vàng.

Thông tư cũng nêu rõ chỉ trường hợp được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất vàng miếng, sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ và cho vay để nhập khẩu vàng nguyên liệu theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước mới được cho vay.

Ngoài ra, đối với các khoản cho vay được bảo đảm bằng vàng cũng được quy định hệ số rủi ro là 250%, tức hệ số rủi ro cao nhất. Như vậy, thông tư này bổ sung khoản cho vay được bảo đảm bằng vàng vào cùng nhóm với các khoản cho vay để đầu tư chứng khoán, các khoản cho vay nhằm mục đích kinh doanh bất động sản đã quy định trong thông tư 13/2010/TT-NHNN.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng phải báo cáo gấp Ngân hàng Nhà nước tình hình cho vay thế chấp, cầm cố bằng vàng đối với tổ chức, cá nhân phát sinh từ ngày 1-1-2011 đến ngày 7-10-2011. Cụ thể như doanh số cho vay, dư nợ cho vay, số lượng khách hàng vay, mục đích sử dụng vốn vay, công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, và gửi về Ngân hàng Nhà nước ngày 12-10-2011.

Công văn cũng nhấn mạnh, các tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nếu cho tổ chức, cá nhân vay vốn để thực hiện các hoạt động đầu cơ vàng, gây rối loạn thị trường vàng, ngoại hối.

Nhận định về các động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý thị trường vàng, ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa tài chính chứng khoán, trường Đại học Ngân hàng, cho rằng đó là các bước đi đúng, giúp kéo gần giá trong nước và thế giới, giảm nhập lậu, giảm căng thẳng lên thị trường ngoại tệ. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng nên chú ý đến các “tác dụng phụ” của chính sách này.

Cụ thể như việc cho phép 5 ngân hàng bán vàng để bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng nên giải thích lý do, để tránh các ngân hàng khác thắc mắc về chủ trương này. Đồng thời cũng phải có hướng ra cho các ngân hàng có huy động vàng khác. Ông Dương cũng cho rằng nên áp dụng trần lãi suất huy động vàng, vì đây là một biện pháp làm giảm tình trạng vàng cho nền kinh tế. Khi lãi suất huy động vàng chỉ còn 0,5%, trong khi tiền đồng là 14% thì người dân sẽ tính chuyện bán vàng gửi tiền đồng, làm tăng sức mạnh của tiền đồng so với vàng.

Trong khi đó, theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vàng tài khoản là một kênh liên thông cần thiết để bình ổn thị trường, vì vậy vẫn nên áp dụng. Tuy vậy, chính Ngân hàng Nhà nước phải trực tiếp đứng ra quản lý thị trường này một cách chặt chẽ để không xảy ra các sự cố đáng tiếc như thời của các sàn vàng chui 2 năm trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới