Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sau IPO, Uber khi nào có lợi nhuận?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sau IPO, Uber khi nào có lợi nhuận?

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Cuối tuần sau, hãng gọi xe Uber sẽ tiến hành một trong những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ với mức định giá có thể lên tới 100 tỉ đô la Mỹ. Song câu hỏi lớn đang đặt ra cho giới đầu tư lẫn các lãnh đạo Uber là khi nào Uber mới có lợi nhuận?

Sau IPO, Uber khi nào có lợi nhuận?
Sau khi hất cẳng Uber ra khỏi thị trường Trung Quốc vào năm 2016, Didi Chuxing đang phát động cuộc chiến với Uber tại thị trường Mỹ Latin.  Ảnh: The Beijinger

Tầm nhìn về một tương lai khi hầu hết mọi người sẽ từ bỏ sở hữu xe cá nhân đã thôi thúc Uber đầu tư mạnh mẽ cho các mảng kinh doanh gọi xe, cho thuê xe đạp điện, xe scooter điện, thậm chí phát triển xe tự lái và taxi bay. Không dừng lại ở đó, Uber còn mở rộng sang dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến.

Song khi Uber hướng đến tầm nhìn trở thành một thế lực thống lĩnh mọi loại hình vận chuyển và chuẩn bị tiến hành IPO vào thứ sáu tuần sau, câu hỏi quan trọng đối với Uber và giới đầu tư lúc này là liệu bao giờ hãng này mới kiếm được lợi nhuận?

Tầm nhìn của Uber đang bị đe dọa trước sự cạnh tranh gia tăng từ mọi hướng trong những tháng gần đây, khiến mức lỗ của Uber phình lên mức 3,7 tỉ đô la Mỹ trong 12 tháng tính đến tháng 3-2019. Đây là khoản lỗ kỷ lục đối với một công ty khởi nghiệp của Mỹ trong năm trước khi tiến hành IPO.

Các nguồn vốn không chỉ chảy vào đầu tư mà còn chảy vào nhiều đối thủ của Uber, đôi lúc cùng từ một cái tên: SoftBank, cổ đông lớn của Uber.

Quỹ tầm nhìn trị giá 100 tỉ đô la của SoftBank đang quyết tâm giành được miếng bánh lớn từ các thị trường giao đồ ăn và gọi xe toàn cầu, dù nỗ lực này khiến một số công ty, được SoftBank đầu tư, chống lại nhau.

Thị trường Mỹ Latin, nơi ít đối thủ cạnh tranh, vốn là khu vực mang lại biên lợi nhuận cao cho mảng gọi xe của Uber. Tuy nhiên, năm ngoái, hãng gọi xe Didi Chuxing, đối thủ một thời của Uber tại Trung Quốc, đột nhiên trỗi dậy ở khu vực này sau khi nhận được hơn bốn tỉ đô la đầu tư từ SoftBank và các nhà đầu tư khác. Didi Chuxing đã rót tiền vào Brazil để giành thị phần, rồi sau đó, mở một mặt trận cạnh tranh mới với Uber ở Mexico.

Ở nhiều thành phố của Mexico, chẳng hạn Guadalajara, Didi Chuxing ráo riết tuyển dụng tài xế, cam kết mức thu nhập gấp hai đến ba lần mà họ thường kiếm được.

Uber đáp trả bằng cách giảm giá cho khách gọi xe nhằm lấy lại thị phần nhưng điều này có nghĩa là Uber chấp nhận giảm doanh thu và chịu mức thua lỗ lớn hơn.

Thị trường Mỹ Latin từ chỗ là khu vực mang lại mức tăng trưởng doanh thu nhanh nhất trở thành thị trường có mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất của Uber. Tăng trưởng doanh thu hàng năm của Uber ở khu vực này rơi về mức 22% trong năm 2018 so với mức 215% trong năm trước đó.

Cuộc chiến gọi xe tại Mỹ cũng nóng lên vào cuối năm ngoài khi Lyft và Uber cùng nộp hồ sơ đăng ký IPO trong cùng một ngày. Lyft đã giảm giá cước ồ ạt cho khách gọi xe, khiến Uber cũng làm điều tương tự.

Uber Eats, công ty giao đồ ăn trực tuyến của Uber, đang phát triển nhanh chóng và trở thành ngôi sao sáng trong các mảng kinh doanh của Uber, đến mức nhiều lãnh đạo Uber bắt đầu nghĩ rằng cuối cùng, Uber Eats sẽ vượt mảng gọi xe để trở thành mảng kinh doanh chủ lực của Uber.

Trên thị trường gọi đồ ăn trực tuyến ở Mỹ, công ty khởi nghiệp DoorDash, từng đứng bên bờ vực sụp đổ, đã huy động được nguồn vốn 800 triệu đô la trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8 năm ngoái, trong đó, phần lớn là từ SoftBank.

DoorDash bắt đầu rầm rộ triển khai đội ngũ nhân viên kinh doanh và tài xế giao đồ ăn ở các khu vực ngoại ô nước Mỹ, đồng thời thu hút nhiều nhà hàng gia nhập ứng dụng DoorDash. Trước đây, Uber Eats đứng thứ hai về thị phần gọi đồ ăn trực tuyến ở Mỹ, chỉ sau đối thủ GrubHub thì nay đã lùi về vị trí thứ ba khi DoorDash vươn lên dẫn đầu vào đầu năm 2019.

Các lãnh đạo Uber có thể nuối tiếc trước sự trỗi dậy của DoorDash. Khosrowshahi từng cân nhắc thâu tóm DoorDash khi công ty này có mức định giá chưa đến 1,5 tỉ đô la nhưng lại không hành động. Giờ đây, DoorDash có mức định giá khoảng 7 tỉ đô la.

Tại Ấn Độ, Uber Eats đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hai đối thủ Swiggy và Zomato. Ảnh: Financial Express

Uber cũng đối mặt với áp lực cạnh tranh tương tự ở Ấn Độ. Các công ty khởi nghiệp giao đồ ăn trực tuyến như Swiggy và Zomato đã huy động được tổng cộng 1,7 tỉ đô la vốn đầu tư. Cả hai đối thủ này đang phát động chương trình giảm giá và “phủ sóng” đội ngũ tài xế giao đồ ăn bằng xe máy trên khắp Ấn Độ.

Zomato tiến hành chương trình khuyến mãi có tên gọi “Tháng 12 không nấu ăn” vào cuối năm ngoái, với mức giảm giá 50% cho khách đặt đồ ăn trực tuyến. Công ty này tiếp tục chương trình khuyến mãi này trong tháng 1-2019.

Trước sức nóng cạnh tranh ở Ấn Độ, Uber Eats chấp nhận giảm mức hoa hồng từ các giao dịch đặt và giao đồ ăn trực tuyến từ mức 30% xuống đến mức 15%, khiến triển vọng lợi nhuận của Uber ở Ấn Độ ngày càng mờ mịt.

Với hàng tỉ đô la dự kiến thu được từ đợt IPO vào tuần sau, Uber sẽ đẩy mạnh cuộc chiến bảo vệ thị phần và ngăn chặn các đối thủ. Thế nhưng tương lai yên bình cho Uber có thể vẫn xa vời. Hôm 30-4, công ty giao đồ ăn trực tuyến Rappi, đối thủ chính của Uber Eats tại thị trường Mỹ Latin, thông báo vừa huy động được 1 tỉ đô la đầu tư từ SoftBank.

Cuộc chiến giảm giá với các đối thủ đã khiến tăng trưởng doanh thu của Uber giậm chân tại chỗ, trong khi đó, mức lỗ từ hoạt động kinh doanh tăng vọt.

Đến cuối năm ngoái, các tổn thất tài chính của Uber bắt đầu lộ rõ. Doanh thu từ mảng gọi xe, sau khi đã trừ chi phí trả thưởng cho các tài xế và các chi phí khác, chỉ ở mức 2,28 tỉ đô la trong quí 4-2018, gần như không tăng trưởng so với sáu tháng trước đó.

Trong quí cuối năm 2018, doanh thu điều chỉnh của Uber Eats giảm 14% so với quí trước đó, xuống còn 165 triệu đô la. Tình hình kinh doanh tệ hại tiếp tục kéo dài qua quí 1-2019. Lỗ của Uber trong quí này là hơn một tỉ đô la, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, tổng doanh thu điều chỉnh của Uber gần như đi ngang trong ba quí liên tục.

Aswath Damodaran, giáo sư chuyên ngành tài chính doanh nghiệp ở Đại học New York, nói: “Vấn đề đối với Uber là công ty này không thể kiếm được lợi nhuận. Không có công ty nào có lợi nhuận trong lĩnh vực gọi xe, vậy nên, đó không phải là vấn đề của riêng một công ty. Đó là một mô hình kinh doanh không có hiệu quả”.

Theo Wall Street Journal
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới