Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sau Mỹ, thương hiệu ST24 và ST25 của Việt Nam đã được đăng ký tại Úc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sau Mỹ, thương hiệu ST24 và ST25 của Việt Nam đã được đăng ký tại Úc

Ngân Trần (*)

(KTSG Online) – Sau ồn ào về việc tại Mỹ có sáu hồ sơ nhãn hiệu (số hồ sơ đăng ký gồm: 90009521, 90085988, 90103840, 90069357, 90270383, 90151727) liên quan đến dấu hiệu ST25 được nộp đơn đăng ký, thì đến thời điểm hiện tại ở Úc cũng đã có hai hồ sơ được nộp. Câu hỏi đặt ra là liệu dấu hiệu ST25 và ST24 chỉ là tên loại gạo được trồng bởi giống lúa ST24 và ST25 có khả năng được bảo hộ ở Việt Nam và các nước trên thế giới hay không?

Vấn đề ở chỗ họ xin bảo hộ dấu hiệu ST25

'Bất kỳ ai cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu 'ST25' cho sản phẩm gạo'

Gạo ST25 bị 4 doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ thương hiệu ở Mỹ

Theo cơ sở dữ liệu của Văn phòng Sở hữu trí tuệ Úc (IP Úc), ngày 22-4-2021, doanh nghiệp T&L Global Foods Supply Pty Ltd (có trụ sở ở 420 Victoria Rd Malaga, WA, 6090 Australia) đã tiến hành nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu ST24 và ST25 với Nhóm 30 cụ thể là gạo (Rice; Best Rice Of The World).

Vậy là đến nay, có tám hồ sơ nhãn hiệu có liên quan đến dấu hiệu ST25 được nộp đơn đăng ký bảo hộ bên ngoài Việt Nam. Liệu dấu hiệu ST25 và ST24 chỉ là tên loại gạo được trồng bởi giống lúa ST24 và ST25 có khả năng được bảo hộ ở Việt Nam và các nước trên thế giới hay không?

Sau Mỹ, thương hiệu ST24 và ST25 của Việt Nam đã được đăng ký tại Úc
Sau Mỹ, tại Úc đã có hai đơn nộp bảo hộ dấu hiệu ST25 của Việt Nam. Ảnh: Nam Bình.

Quy định của pháp luật nhãn hiệu Việt Nam tương đồng với các nguyên tắc chung của pháp luật nhãn hiệu các nước trên thế giới. Bởi liên quan đến những dấu hiệu như tên gọi thông thường của hàng hóa hay bất kỳ dấu hiệu nào không có tính phân biệt hàng hóa hay dịch vụ, hay những dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ(1) quy định tại khoản c, điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hay Section 41 Luật Nhãn hiệu của Úc 1995 (2) thì không được bảo hộ dưới danh nghĩa là nhãn hiệu, mặc dù ST25 là tên giống lúa đã được bảo hộ ở Việt Nam.

Do đó, bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào trồng hay kinh doanh lúa hay gạo từ giống ST24 hay ST25 đều có quyền sử dụng những tên gọi này ghi trên nhãn hiệu hay bao bì đối với sản phẩm hay dịch vụ mà mình kinh doanh.

Điều này có nghĩa nhãn hiệu ST25 và ST24 không được bảo hộ ở nước ngoài?

Thực tế quá trình xét duyệt đơn đăng ký nhãn hiệu phụ thuộc rất lớn vào hai điểm. Một là bản chất dấu hiệu dự định làm nhãn hiệu, như dùng ngôn ngữ, ký tự, hình ảnh nào, dấu hiệu đó có dễ dàng được nhận biết trong ngôn ngữ và văn hóa, hay có tồn tại trong cơ sở dữ liệu của nước sở tại hay không. Hai là trình độ chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm của Thẩm định viên, ví dụ người này có tra cứu kỹ càng, có sử dụng đa dạng các nguồn dữ liệu hay không… Trong khi, ST25 và ST24 là giống lúa chỉ được bảo hộ trong lãnh thổ Việt Nam và đặc biệt là chưa có nhiều thông tin về giống lúa này bằng tiếng Anh.

Thông tin có liên quan đến hai đơn nộp xin bảo hộ dấu hiệu ST25 của một doanh nghiệp tại Úc. Việc tiến hành Phản đối đơn không tốn quá nhiều chi phí, trung bình khoảng 1.000 đô la Úc, so với chi cho việc xin hủy nhãn hiệu. Ảnh chụp màn hình: Tr. Ngân.

Do đó, vấn đề “sơ suất” của các Thẩm định viên là có thể xảy ra. Điều này thể hiện rất rõ thông qua việc thẩm định các Hồ sơ nhãn hiệu chứa dấu hiệu ST25 ở Mỹ.

Đối với nhãn hiệu số 90009521 với dấu hiệu ST25 được nộp vào ngày 18-6-2020 của công ty I&T Enterprise, INC. đã được Văn phòng Nhãn hiệu và Sáng chế Hoa Kỳ (USPTO) chấp nhận đăng công báo vào ngày 4-5-2021 (Notice of Publication) để các bên có nhu cầu phản đối trong vòng 30 ngày (trừ trường hợp có đơn xin gia hạn thời gian phản đối được nộp, nếu không thì nhãn hiệu sẽ được bảo hộ). Tức theo Thẩm định viên của USPTO dấu hiệu ST25 đã đáp ứng được các yêu cầu bảo hộ. Điều này là có thể hiểu bởi giống lúa ST25 chỉ được bảo hộ ở lãnh thổ ở Việt Nam, do đó có thể không tìm thấy ở các cơ sở dữ liệu “chính thống” của Mỹ, như dữ liệu của Bộ Nông nghiệp, dữ liệu các bằng độc quyền sáng chế liên quan đến giống cây trồng của USPTO…

Tuy nhiên, hồ sơ nhãn hiệu “Vietnam’s ST25 Rice, The World’s Best Rice” và logo với số đơn 90085988 lại nhận được Thông báo dự định từ chối và yêu cầu giải trình với lý do ST25 chỉ là từ mô tả hàng hóa, do đó người tiêu dùng cần dùng dấu hiệu này để gọi tên sản phẩm.(3) Ví dụ nói trên có thể cho thấy các dấu hiệu này vẫn có khả năng được bảo hộ ở nước ngoài nếu không có sự can thiệp cần thiết và kịp thời.

Tình hình việc đăng ký nhãn hiệu ST24 và ST25 ở Úc

Theo quy định của pháp luật nhãn hiệu Úc, sau khi nộp đơn Hồ sơ nhãn hiệu sẽ được Văn phòng Sở hữu trí tuệ Úc (IP Úc) kiểm tra cả về hình thức lẫn nội dung trong vòng ba đến bốn tháng. Sau thời gian này, nếu dấu hiệu đã đăng ký đáp đứng được các yêu cầu bảo hộ, IP Úc sẽ ra thông báo chấp nhận nhãn hiệu và chuyển sang giai đoạn tiếp theo là phản đối đơn (Publication for Opposition) trong vòng hai tháng. Nếu sau thời gian hai tháng này không có bên nào Phản đối thì nhãn hiệu sẽ chính thức được bảo hộ.

Hiện tại hai hồ sơ nhãn hiệu ST24 và ST25 đang trong giai đoạn được IP Úc kiểm tra về mặt hình thức và nội dung, và trong khoảng 3 đến 4 tháng tới chúng ta sẽ biết liệu hai hồ nhãn hiệu này có được IP Úc chấp nhận để được chuyển giai đoạn tiếp theo của quy trình đăng ký nhãn hiệu là giai đoạn Phản đối đơn hay không?

Cách thức đối phó với các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu ST24 và ST25 ở Úc

Chờ đợi và chuẩn bị là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam nên làm ở thời điểm hiện tại. Bởi, có hai tình huống cơ bản có thể xảy ra:

Thứ nhất, nếu Thẩm định viên xác nhận được ST24 và ST25 chỉ là tên giống lúa, là dấu hiệu không nên được bảo hộ thì sẽ ra thông báo Dự định từ chối đơn. Lúc này về cơ bản chủ đơn có 15 tháng để tiến hành trả lời các vấn đề mà IP Úc yêu cầu. Căn cứ vào những giải trình của chủ đơn, IP Úc sẽ quyết định liệu nhãn hiệu có đáp ứng các yêu cầu để được bảo hộ hay không. Nếu IP Úc vẫn không chấp nhận sau phản hồi, khả năng cao là các hồ sơ nhãn hiệu sẽ không được bảo hộ. Do đó, không cần tiến hành bất cứ động thái nào. 

Thứ hai, nếu Thẩm định viên chấp nhận dấu hiệu ST24 và ST25 đáp ứng các yêu cầu được bảo hộ theo luật nhãn hiệu Úc. Lúc này, nhãn hiệu sẽ được đăng công báo và các bên có nhu cầu có hai tháng để phản đối đơn. Trường hợp này, bất cứ cá nhân hay tổ chức nào cho rằng các dấu hiệu trên không nên được bảo hộ sẽ phải tiến hành Phản đối đơn.

Ở Úc, để phản đối đơn, đầu tiên sẽ phải tiến hành nộp Thông báo Dự định phản đối đơn (Notice of Intention to Oppose), phí Hành chính cho thủ tục này là 250 đô la Úc và Phí dịch vụ của công ty đại diện nếu bên Phản đối không thể tự mình nộp đơn. Tiếp theo, bên Phản đối phải nộp các Căn cứ phản đối (Statement of Grounds and Particulars) trong vòng một tháng tính từ ngày nộp Thông báo Dự định phản đối đơn. Bước này chỉ tốn Phí cho công ty đại diện. Lưu ý là bên Phản đối ở bước này chỉ cần nêu các Căn cứ mà mình nghĩ đó là lý do mà hồ sơ nhãn hiệu không nên được bảo hộ, không cần cung cấp các bằng chứng chi tiết trong bước này.

Như vậy, tại Úc tùy vào tình hình xử lý của IP Úc đối với các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu nói trên, các doanh nghiệp Việt Nam có thể lựa chọn các phương án đối phó phù hợp nhất. Bởi việc tiến hành Phản đối đơn không tốn quá nhiều chi phí (trung bình khoảng 1.000 đô la Úc tức chỉ khoảng 18 triệu đồng) so với việc xin hủy nhãn hiệu sau khi đã được cấp bằng.

(*) Th.S Ngân Trần, Công ty Maygust Trademark Attorneys, Úc

(1) Khoản c, điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

(2)Trade marks that are not inherently adapted to distinguish goods or services are mostly trade marks that consist wholly of a sign that is ordinarily used to indicate: a) the kind, quality, quantity, intended purpose, value, geographical origin, or some other characteristic, of goods or services; or b) the time of production of goods or of the rendering of services.

(3)“The goods are listed as rice, so the wording “RICE” in the mark merely denotes the nature of the goods”, Nonfinal Office Action from USPTO ngày 11/20/2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới