Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sau Tết, giá cả vẫn đứng ở mức cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sau Tết, giá cả vẫn đứng ở mức cao

Sau Tết, trái cây vẫn là mặt hàng đứng giá ở mức cao. Trong ảnh là quang cảnh mua bán trái cây tại chợ Bến Thành – Ảnh: KHẢ MINH

(TBKTSG Online) – Mặc dù đã qua tuần nghỉ Tết và sinh hoạt xã hội đã trở lại bình thường nhưng giá cả một số mặt hàng thiết yếu và dịch vụ tại TPHCM vẫn đứng ở mức cao, ngang bằng thời điểm áp Tết.

Việc giá cả hàng hóa và dịch vụ vẫn cao và chưa có dấu hiệu giảm không chỉ gây khó khăn cho các bà nội trợ khi đi chợ mà cũng làm cho người lao động, giới công nhân viên chức lao đao với bảng giá mới của các hàng quán, dịch vụ mà mình phải sử dụng hằng ngày.

Giá thực phẩm chưa “hạ nhiệt”

Tại TPHCM, các chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn như Bình Điền (quận 8), Hóc Môn và Thủ Đức hầu như không nghỉ Tết vì các tiểu thương đã khai trương bán lại ngay từ sáng ngày 7-2 (mùng 1 Tết) nhưng lượng hàng ít hơn bình thường. Theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, mặc dù lượng hàng về các chợ từ ngày 10-2 đã trở lại như ngày thường, khoảng 1.000 tấn rau, củ, quả/ngày, nhưng giá cả hiện tại vẫn còn cao hơn giá cả ngày thường thời điểm trước Tết là 5-10%. 

Tuy vậy, tại các chợ bán lẻ trên địa bàn thì rau, củ, quả vẫn là những mặt hàng mà giá đang đứng ở mức cao, ngang bằng với những ngày cao điểm cận Tết, gấp đôi những ngày thường. Cụ thể, giá rau xanh cao gấp đôi so với ngày thường, như cà rốt 15.000 đồng/kg, bắp cải, cải ngọt 8.000đ/kg, bắp cải trắng 10.000đ/kg, cà chua 16.000đ/kg… Các lọai hoa quả giá cũng đã tăng từ 5.000 – 10.000đ/kg.

Không chỉ có hàng nông sản, giá cả các thực phẩm tươi sống như thịt heo, bò, gà, thủy hải sản… cũng đang khiến người tiêu dùng đau đầu.

Tại các chợ đầu mối, giá thịt heo nạc sau Tết vẫn 70.000đ/kg, thịt đùi 65.000đ/kg, ba rọi 60.000đ/kg, thịt bò phi lê 110.000đ/kg, thịt đùi 100.000đ/kg, gà thả vườn 55.000đ/kg, gà ta 95.000đ/kg…  

Một tiểu thương tại chợ đầu mối thủy hải sản Chánh Hưng (quận 8) cho hay, do ngư dân mới bắt đầu đi biển trở lại sau những ngày nghỉ Tết nên lượng thủy hải sản về chợ trong những ngày qua chỉ bằng khoảng 50% so với ngày thường. Do có tình trạng khan hàng nên các tiểu thương đã đẩy giá mặt hàng này lên cao. Hiện cá thu khoảng 90.000đ/kg, cá ngừ 35.000đ/kg, cá nục 23.000đ/kg, cá lóc đồng 85.000đ/kg, cá lóc nuôi nuôi 35.000đ/kg, tôm càng xanh 230.000đ/kg, tôm sú 130.000đ/kg, tăng 30-50% so với ngày thường… 

Theo một số tiểu thương ở chợ bán lẻ Tân Định (quận 1), giá cả hàng hóa tăng một phần cũng do cước vận chuyển trong những ngày Tết đắt đỏ hơn bình thường. Hơn nữa, trong tháng Giêng Âm lịch này lượng người mua thực phẩm để cúng kiếng, đi lễ chùa tăng cao nên các mặt hàng chọn làm lễ chủ yếu là heo quay, gà ta, trái cây… sẽ còn đứng ở mức giá cao. Nhiều tiểu thương cũng cho rằng giá thực phẩm tươi sống và rau quả khó có thể “hạ nhiệt” trước dịp rằm tháng Giêng Âm lịch này (ngày 21-2).

Quán ăn và dịch vụ vẫn “ăn theo” Tết

Sau Tết, quay trở lại với sinh họat hàng ngày, người lao động và công nhân viên chức đã “giật mình” vì mức giá mới ở một số quán ăn bình dân. Nhiều quán phở bò ngay trung tâm quận 1, quận 3 bỗng dưng tăng từ 25.000đ lên 30.000đ/tô với lý do thịt bò tăng giá cao. Tương tự, các quán cơm bình dân tại khu trung tâm cũng đã tăng lên 20.000đ/đĩa cơm từ mức 15.000đ/đĩa.

Bên cạnh đó, một số dịch vụ cũng rủ nhau “ăn theo” dịp lễ Tết như các dịch vụ làm đẹp cho phụ nữ, dịch vụ giặt ủi, giữ xe, rửa xe, đánh giày… Theo khảo sát của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, các dịch vụ này đã tăng gần gấp đôi so với ngày thường.

Trong những ngày qua, giá dịch vụ tại một số bãi giữ xe ở trung tâm đã tăng lên 5.000-10.000đ/xe máy (thay vì 2.000-5.000đ/xe trước đây.

Một mặt bằng giá mới đã được hình thành tại các quán ăn, dịch vụ và chưa có dấu hiệu suy giảm, gây khó khăn cho đại bộ phận người dân trong những ngày sau Tết này.

KHẢ MINH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới