Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sau Tết Nguyên đán, số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt tại nhiều nước châu Á

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhiều nước châu Á đang đối mặt với sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm Covid-19 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Giới chức y tế ở các nước này cảnh báo số ca nhiễm sẽ sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới khi họ phải chật vật ứng phó với biến thể omicron có khả năng lây lan cao.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại một trạm xét nghiệm di động ở Hồng Kông hôm 7-2. Ảnh: SCMP

Hồng Kông triển khai các hạn chế nghiêm ngặt nhất

Tại đặc khu Hồng Kông của Trung Quốc, số ca nhiễm mới tăng lên mức kỷ lục, 625 ca vào hôm 8-2, cao gần gấp đôi so với hai ngày trước đó. Hiên tại, Hồng Kông bắt buộc nhập viện đối với tất cả các ca nhiễm. Chính quyền cũng phong tỏa bất kỳ khu dân cư xuất hiện các chùm lây nhiễm.

Các bệnh viện đang quá tải vì tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng. Đứng trước tình hình này, chính quyền cho biết sẽ đưa các bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đến các khu cách ly tập trung để giải phóng giường bệnh cho các bệnh nhân có triệu chứng nặng. Trong khi đó, người dân đang lùng mua các bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19.

Edwin Tsui, một quan chức ở Trung tâm bảo vệ sức khỏe thuộc Cơ quan y tế Hồng Kông, nói: “Chúng tôi dự báo số ca nhiễm sẽ tăng cao hơn trong những ngày tới. Chúng tôi xem đây như là kết cục từ các cụm lây nhiễm ở các sự kiện lễ Tết”.

Giáo sư Kwok Kin-on, chuyên gia dịch tễ học giảng dạy tại Trường y tế cộng đồng thuộc Đại học Trung văn Hương Cảng, dự báo số ca nhiễm mới hàng ngày ở Hồng Kông sẽ sớm cán mốc 1.000.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 8-2, đặc khu trưởng Hồng Kông, Carrie Lam khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chiến lược “zero Covid” để khống chế bất kỳ ổ dịch mới nào trong thời gian sớm nhất có thể.

Chiến lược này khiến số chuyến bay đi và đến từ Hồng Kông giảm 90%, các trường học, sân chơi công cộng, phòng tập gym và hầu hết cả tụ điểm giải trí khác đều phải đóng cửa. Các nhà hàng chỉ được phép phục vụ đến 6 giờ tối và hầu hết mọi ngườ bao gồm đa số công chức phải làm việc tại nhà.

Cùng ngày, chính quyền Hồng Kông thông báo triển khai biện pháp giãn cách xã hội và phòng chống dịch nghiêm ngặt nhất kể từ đầu đại dịch bao gồm quy định chỉ cho phép tối đa 2 người trong các cuộc gặp công cộng, tăng tiền phạt gấp đôi lên mức 10.000 đô la Hồng Kông đối với người từ chối xét nghiệm bắt buộc. Các cơ sở tôn giáo, tiệm làm tóc và nhiều cơ sở phải đóng cửa kể từ ngày 10-2. Người dân phải xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng đầy đủ mới được phép đi vào các khu mua sắm, cửa hàng bách hóa, siêu thị, quán ăn và các khu chợ.

Tại Trung Quốc, nơi đang thực thi nghiêm ngặt chiến lược “zero-Covid”, số ca nhiễm mới giảm chỉ còn 9 vào ngày 4-2 nhưng tăng nhanh lên con số 65 vào ngày 8-2 với hầu hết xuất hiện ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Hôm 6-2, giới chức trách đã phong tỏa thành phố Bách Sắc với 3,5 triệu dân ở Quảng Tây.

Số ca nhiễm mới ở Nhật Bản, Hàn Quốc đạt mức kỷ lục

Ở nhiều nước châu Á khác, giới chức trách cũng chứng kiến mẫu hình diễn biến tương tự của dịch bệnh Covid-19 khi biến thể omicron chiếm ưu thế, ngay cả khi các quan chức y tế ở một số nước cho biết số ca nhiễm omicron tăng không dẫn đến tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong cao như biến thể delta.

Hôm 5-7, Nhật Bản lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày vượt mốc 100.000 trong đại dịch Covid-19 khi tốc độ lây lan của omicron không có dấu hiệu chậm lại. Tại Tokyo, số giường bệnh dành cho bệnh nhân Covid-19 đã lấp đầy 55,1%. Các chuyên gia cho biết omicron đang tấn công người cao tuổi dễ bị tổn thương, trong khi, chỉ có chưa đến 5% dân số Nhật Bản đã tiêm mũi vaccine thứ 3.

Tại Hàn Quốc, các chuyên gia y tế cảnh báo nước này có thể ghi nhận số ca nhiễm tăng lên mức 130.000-170.000 mỗi ngày vào cuối tháng 2.

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), cả nước đã báo cáo 36.719 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 8-2, đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp số ca nhiễm duy trì trên mức 35.000 do đà lây lan nhanh chóng của omicron. Hôm 6-2, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới đạt mức kỷ lục, 38.691 ca.

Số ca nhiễm mới hàng ngày hiện nay ở Hàn Quốc tăng cao gần gấp 5 lần so với cách đây hai tuần, nhưng số ca bệnh nặng vẫn ở mức có thể quản lý.

Tính đến hôm 8-1, 28,42 triệu người, tương đương 55,4% trong số 52 triệu dân số Hàn Quốc, đã tiêm mũi vaccine thứ 3. Số người được tiêm đầy đủ hai mũi là 44,13 triệu người, chiếm 86%.

Ca bệnh tăng cao trở lại ở Đông Nam Á

Tại Singapore, số ca nhiễm cũng tăng mạnh sau những ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán với 13.000 ca mới được ghi nhận vào hôm 4-2. Hôm 7-2, số ca nhiễm mới ở Singapore đã giảm về mức 7.806 giữa lúc giới chức trách siết chặt các hạn chế bao gồm giới hạn công suất phục vụ của các nhà hàng và số người đến thăm mỗi gia đình.

Singapore ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm trong tháng qua nhưng 99% số ca nhiễm chỉ ở dạng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Số ca nhiễm ở Indonesia cũng đang hướng đến mức cao nhất được thiết lập trong làn sóng lây nhiễm biến thể delta hồi năm ngoái.

Hôm 6-1, Indonesia chỉ ghi nhận 533 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong vì Covid-19. Một tháng sau đó, tức vào ngày 6-2, Indonesia báo cáo có 36.057 ca nhiễm mới và con số tử vong cũng lên 57, cao gần gấp 4 lần so với một tuần trước đó.

Hôm 7-2, Bộ Giao thông Indonesia thông báo thắt chặt các hạn chế xã hội ở Jakarta, Bali, Bandung và Yogyakarta. Theo đó, các siêu thị, trung tâm thương mại và nhà hàng ở những nơi này chỉ được phép hoạt động ở mức 60% công suất.

Tại Thái Lan, hôm 7-2, giới chức trách ghi nhận số ca nhiễm mới vượt 10.000 trong ngày thứ 3 liên tiếp nhưng số ca bệnh nặng giảm và số ca tử vong vẫn ở mức ổn định.

Tiến sĩ Opas Karnkawinpong, Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) thuộc Bộ Y tế Thái Lan, cho biết Thái Lan có thể cân nhắc nới lỏng một số hạn chế kiểm soát dịch bệnh vì biến thể omicron có vẻ ít nghiêm trọng hơn.

Ông nói: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu dường như đang diễn biến theo cùng một hướng. Nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch dù số ca nhiễm đang tăng vọt”.

Ca nhiễm mới ở Malaysia cũng đang tăng cao hơn, với 11.034 ca vào hôm 7-2. Ca nhiễm tăng lên sau Tết Nguyên đán khi nhiều người dân đi du lịch, nhưng các quan chức y tế cho biết hầu hết các ca nhiễm không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.

Tổng giám đốc y tế Malaysia, Noor Hisham Abdullah cảnh báo số ca nhiễm có thể tăng gấp đôi vào cuối tháng 3. Ông kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm mũi tăng cường. Khoảng 98% người trưởng thành ở Malaysia đã tiêm xong mũi vaccine thứ 2 và một nửa trong số đó đã tiêm mũi 3.

Theo SCMP, AP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới