Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Saudi Arabia phát động cuộc chiến giá dầu bằng chiến lược ‘gây sốc và kinh hoàng’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Saudi Arabia phát động cuộc chiến giá dầu bằng chiến lược ‘gây sốc và kinh hoàng’

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Bằng cách triển khai chiến lược “gây sốc và kinh hoàng gồm giảm giá bán dầu mạnh nhất trong 20 năm qua, đe dọa tăng sản lượng dầu lên mức tối đa, Saudi Arabia, nước lãnh đạo không chính thức ở Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đang phát động cuộc chiến giá dầu toàn diện để đáp trả việc Nga bác bỏ đề xuất cắt giảm thêm sản lượng dầu để ứng phó với nhu cầu suy giảm mạnh do tác động của dịch virus corona chủng mới (Covid-19).

Saudi Arabia phát động cuộc chiến giá dầu bằng chiến lược 'gây sốc và kinh hoàng'
Bằng cách giảm sâu giá bán dầu, dọa tăng sản lượng lên mức kỷ lục, Saudi Arabia, đang phát động cuộc chiến giá dầu toàn diện nhằm vào Nga. Ảnh: Economic Times

Mục đích của Saudi Arabia gây tổn thương tối đa đối với doanh thu dầu mỏ của Nga trong thời gian nhanh nhất có thể, từ đó, gây sức ép buộc nước này phải quay trở lại bàn đàm phán để cùng OPEC hợp tác giảm sản lượng dầu.

Thỏa thuận OPEC + sụp đổ

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu kéo dài 3 năm qua của nhóm OPEC + ( các nước thành viên OPEC và các nước xuất khẩu dầu quan trọng khác ngoài OPEC do Nga dẫn đầu) sụp đổ hôm 6-3 vì Moscow từ chối ủng hộ giảm sâu thêm sản lượng dầu để ứng phó với dịch Covid-19.

Nhiều tổ chức nghiên cứu thị trường năng lượng đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2020 do sức tàn phá của dịch Covid-19 đối với hoạt động đi lại và sản xuất ở Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Moscow vẫn duy trì lập trường cho rằng vẫn còn quá sớm để thẩm định tác động của dịch Covid-19. Các nguồn tin cho biết hôm 6-3, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tiếp tục khẳng định lại thông điệp trên tại cuộc đàm phán khẩn cấp của OPEC+ tại trụ sở của OPEC ở Vienna (Áo).

Trước đó một ngày, các bộ trưởng năng lượng và dầu mỏ của OPEC đề xuất OPEC+ cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày đến hết năm 2020 bên ngoài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 2,1 triệu thùng/ngày hiện nay.
Nếu được Nga chấp nhận, điều này có nghĩa là OPEC+ sẽ cắt giảm tổng cộng 3,6 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,6% nguồn cung toàn cầu.

Nga thẳng thừng bác bỏ đề xuất trên và nói rằng chỉ sẵn sàng gia hạn thỏa thuận cắt giảm 2,1 triệu thùng dầu/ngày hiện nay, vốn sẽ hết hạn vào cuối tháng 3 này.

Ngay lập tức, OPEC phản ứng bằng cách rút bỏ tất cả các hạn chế sản lượng hiện nay của mỗi nước thành viên. Phát biểu tại trụ sở của OPEC ở Vienna (Áo) hôm 6-3, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói: “Kể từ ngày 1-4, không có nước OPEC hoặc nước ngoài OPEC nào bị hạn chế sản lượng dầu”.

Các nguồn tin nắm rõ thông tin cuộc đàm phán tại Vienna cho biết Nga xem thỏa thuận cắt giảm thêm sản lượng dầu sẽ là “món quà” cho ngành dầu khí đá phiến Mỹ. Nga không muốn các đối thủ sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ được hưởng lợi nếu giá dầu tăng nhờ OPEC+ giảm thêm sản lượng. Các nhà phân tích nhận định nhiều nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu giá dầu giảm thêm. Nga cũng đang hậm hực vì Mỹ sử dụng các công cụ trừng phạt nhằm vào mảng kinh doanh ở Venezuela của Tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Rosneft và ngăn chặn Nga hoàn thành dự đường ống dẫn khí đốt từ vùng Siberia của Nga đến Đức.

Cuộc đàm phán thất bại của OPEC+ khiến giá dầu lao dốc với chỉ số giá dầu Brent tại thị trường London giảm 9,44%, về mức 45,27 đô la Mỹ/thùng vào lúc thị trường đóng cửa hôm 6-3. Đây là mức giảm giá mạnh nhất của dầu Brent trong một phiên giao dịch kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong khi đó, chỉ số giá dầu Tây Texas (WTI) tại New York cũng giảm sâu 10,07%, về mức 41,28 đô la thùng, thấp nhất kể từ tháng 8-2016.

Bình luận về sự bất đồng giữa Saudi Arabia và Nga, Bjoernar Tonhaugen, Giám đốc phân tích các thị trường dầu của Công ty Rystad Energy, nói: “Đây là một diễn biến bất ngờ vượt xa cả kịch bản dự báo tồi tệ nhất của chúng tôi và sẽ gây ra một trong những cuộc khủng hoảng giá dầu nghiêm trọng nhất trong lịch sử”.

Abdulaziz bin Salman Al-Saud (trái), Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia và người đồng cấp Nga Alexander Novak chủ trì cuộc đàm phán ở Vienna, Áo hôm 6-3. Ảnh: Reuters

Giá dầu có thể giảm về mức 30 đô la/thùng hoặc sâu hơn

Tức giận trước động thái bất hợp tác của Nga, hôm, Saudi Arabia đã đáp trả bằng cách bán dầu với mức giá giảm sâu đồng thời bắn tín hiệu sẽ nâng sản lượng lên mức tối đa 12 triệu thùng/ngày.

Hôm 7-3, Saudi Aramco, Tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Arabia, thông báo sẽ bán dầu thô nhẹ Arab (ARL) cho châu Á trong tháng 4 tới với mức giảm 6 đô la cho mỗi thùng so với mức bán vào tháng 3. Ngoài ra, tập đoàn này sẽ bán dầu ARL sang Mỹ và  các nước tây bắc Âu với mức giảm lần lượt 7 đô la/thùng và 8 đô la/thùng. Đây là mức giảm giá bán dầu ARL mạnh nhất trong ít nhất 20 năm qua. Chốt phiên giao dịch hôm 6-3, giá dầu ARL giảm 4,04%, về mức 52,44 đô la/thùng.

Quyết định giảm sâu giá bán dầu ARL của Saudi Arabia sẽ tác động đến 14 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày khi các nước xuất khẩu dầu khác ở vùng Vịnh Ba Tư cũng sẽ giảm giá dầu xuất khẩu của họ.

Các nguồn tin cho biết Saudi Arabia cũng âm thầm bắn thông điệp đến một số bên trên thị trường dầu rằng nước này có thể tăng sản lượng khai thác lên cao hơn nếu cần thiết, thậm chí tăng lên mức kỷ lục 12 triệu thùng/ngày.
Khi mà nhu cầu dầu đang bị dịch Covid-19 tàn phá, động thái tăng sản lượng dầu như vậy có thể nhấn chìm thị trường dầu vào cơn hỗn loạn.

Theo các nguồn tin, trước tiên, Saudi Arabia có thể nâng sản lượng dầu lên mức trên 10 triệu thùng/ngày vào tháng 4 từ mức 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng này. Một giám đốc giấu tên của một quỹ phòng hộ hàng hóa nói: “Điều này chẳng khác nào lời tuyên chiến trên thị trường dầu”.

Iman Nasseri, Giám đốc thị trường Trung Đông của Công ty tư vấn dầu mỏ FGE, nhận định: “Saudi Arabia giờ đây thực sự đang phát động một cuộc chiến giá dầu toàn diện”.

Jamie Webster, Giám đốc cấp cao ở Trung tâm tác động năng lượng của Công ty tư vấn  BCG cho rằng hục hặc mới nhất giữa Nga và Saudi Arabia “có tất cả dấu ẩn điển hình của một chiến giá, chỉ thiếu duy nhất mùi thuốc súng”.

Chiến lược “gây sốc và kinh hoàng” của Saudi Arabia (shock and awe, từ dùng của hai cây bút phân tích thị trường năng lượng Javier Blas và Anthony Dipaola của Bloomberg) có thể là một toan tính nhằm gây tổn thương tối đa đối với Nga và các nhà xuất khẩu dầu khác theo cách nhanh nhất có thể, để gây sức ép buộc họ quay trở lại bàn đàm phán và nhanh chóng trở lại cắt giảm sản lượng nếu một thỏa thuận đạt được.

Các nhà kinh doanh dầu mỏ cho biết động thái trên của Saudi Arabia là đòn tấn công trực diện nhằm vào các công ty dầu khí Nga đang bán dầu thô qua châu Âu.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu máy bay, xăng dầu giảm nhanh do tác động của dịch Covid-19, thị trường năng lượng giờ đây đối mặt với một cú sốc cả cung lẫn cầu.

“Tình hình sẽ trở nên khủng khiếp. OPEC+ sẽ bơm dầu nhiều hơn và thế giới sẽ đối mặt cú sốc cung. Giá dầu giảm về mốc 30 đô la/thùng là điều có thể xảy ra”, Doug King, người đồng sáng lập Quỹ đầu tư hàng hóa Merchant Commodity Fund, nhận định.

Các nhà phân tích đang nhìn vào các biểu đồ lịch sử để xác định xem giá dầu có thể hạ về mức nào. Họ cho rằng giá dầu Brent có thể hướng về mốc 27,1 đô la/thùng, mức thấp nhất vào năm 2016 khi Saudi Arabia phát động cuộc chiến giá dầu nhằm vào ngành dầu đá phiến của Mỹ.

Nhưng một số nhà phân tích khác lo ngại thị trường dầu có thể thậm chí giảm sâu hơn.

“Trong quí tới, chúng ta có thể chứng kiến giá dầu giảm về các mức thấp nhất trong 20 năm qua”, nhà phân tích dầu mỏ Roger Diwan, ở Công ty tư vấn IHS Markit nói khi ám chỉ giá dầu có thể rơi về dưới mức 20 đô la/thùng. Chỉ số giá dầu Brent từng giảm về mức 9,55 đô la Mỹ/thùng vào tháng 12-1998 trong một chiến giá dầu do Saudi Arabia phát động.

Theo Bloomberg, Reuters

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới