Thứ Sáu, 22/09/2023, 21:12
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


SCG nâng vốn góp tại dự án lọc hóa dầu Long Sơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

SCG nâng vốn góp tại dự án lọc hóa dầu Long Sơn

Lê Hoàng

SCG nâng vốn góp tại dự án lọc hóa dầu Long Sơn
Một góc nhà máy lọc dầu Dung Quất – Ảnh minh họa: TL

(TBKTSG Online) – Tập đoàn SCG (Thái Lan), một trong những nhà đầu tư chính của dự án tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sẽ mua lại 25% phần vốn góp trong dự án của nhà đầu tư Qatar Petroleum, để nâng tỷ lệ vốn góp của SCG tại dự án này lên 71%.

Cụ thể, Công ty Vina SCG Chemicals (VSCG), một công ty con tại Việt Nam thuộc sở hữu của tập đoàn SCG, đã ký hợp đồng mua lại cổ phần QPI Vietnam Limited (QPIV), công ty con của Qatar Petroleum để tiếp nhận toàn bộ 25% cổ phần vốn góp tại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, chủ đầu tư dự án tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn, theo một thông cáo báo chí được SCG đưa lên trang web của tập đoàn.

Thương vụ trị giá 36,1 triệu đô la Mỹ này (khoảng 1.300 triệu baht) sẽ làm tăng cổ phần trực tiếp và gián tiếp của SCG trong Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn từ 46% lên 71%. Trong khi đó, 29% cổ phần còn lại của liên doanh phát triển dự án này do Tâp đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nắm giữ.

Vào năm 2015, thông tin về việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar chính thức xin rút vốn khỏi dự án này do phải tái cơ cấu và thay đổi chiến lược phát triển đã làm cho nhiều chuyên gia lo ngại dự án đầu tư này sẽ tiếp tục gặp khó sau gần 8 năm trì hoãn. Bởi Qatar không chỉ là nhà đầu tư góp vốn mà còn là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu cho dự án.

Sau đó, SCG cho biết sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi dự án tổ hợp này bằng cách tìm kiếm đối tác mới thay thế Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar nhằm sớm tái khởi động dự án. Và đến giờ này, không có đơn vị nước ngoài mới nào thay thế mà chính tập đoàn SCG mua lại phần vốn góp của Qatar.

Trao đổi với báo chí vào giữa năm 2016 tại TPHCM, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn SCG, cho biết dự án đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ này đang ở giai đoạn cuối cùng, chỉ còn phần tài chính nữa là có thể bắt đầu cho triển khai xây dựng. Dự kiến đến cuối năm 2017 dự án mới có thể triển khai xây dựng.

Theo thông cáo báo chí của SCG, dự án dự kiến sẽ được xây dựng trong 5 năm, nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2021.

Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn hay còn được biết đến là dự án lọc hóa dầu miền Nam có tổng diện tích trên 460 héc ta, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn với tổng vốn đầu tư khoảng 4,5 tỉ đô la Mỹ được khởi công vào năm 2008 để có thể có sản phẩm vào cuối năm 2012. Tuy nhiên dự án đã bị chậm do một số lý do về giải phóng mặt bằng cũng như thay đổi đối tác cùng nhiều khó khăn khác, dẫn đến ngừng thực hiện kéo dài đến nay.

Riêng về phía SCG, lãnh đạo tập đoàn này đánh giá đây là dự án rất lớn tại Việt Nam mà SCG đã theo đuổi nhiều năm qua và cam kết sẽ tham gia vào dự án.

Ở thời điểm cuối năm 2013, SCG nắm giữ hơn 28% cổ phần của dự án, phần còn lại thuộc về các đối tác gồm Tập đoàn Qatar Petroleum, Tâp đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam-PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Tuy nhiên, hiện nay dự án này chỉ còn SCG và PVN.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn có khả năng sản xuất đến 1,6 triệu tấn olefin/năm tùy thuộc vào hỗn hợp nguyên liệu, với công nghệ nghiền linh hoạt từ các nguyên liệu như ê-than, proban, napta… Dự án cũng bao gồm các công trình phụ trợ khác như cảng, cầu tàu, các kho chứa hàng, nhà máy điện…

Ngoài ra, với công nghệ nghiền tích hợp, nhà máy còn có thể sản xuất thêm các sản phẩm đa dạng như polyethylene (PE), polypropylene (PP) và vinyl chloride monomer (VCM). Các sản phẩm này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu trong nước.

SCG là một nhà đầu tư lớn tại Việt Nam với nhiều dự án khác nhau. Và theo lãnh đạo của SCG, chiến lược kinh doanh của tập đoàn này là mở rộng hoạt động sang các nước ASEAN, và Việt Nam là một trong những đích đến tiềm năng. Ngoài việc rót vốn đầu tư trực tiếp, trong những năm gần đây, SCG còn mở rộng đầu tư vào Việt Nam qua con đường mua bán và sáp nhập (M&A).

Các công ty của SCG tại Việt Nam chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực xi măng – vật liệu xây dựng, hóa chất và bao bì. Đến cuối năm 2016 tổng tài sản của SCG tại Việt Nam là khoảng 943 triệu đô la Mỹ.

Mời đọc thêm:

>>> Dự án lọc hóa dầu Long Sơn chưa thể triển khai năm nay

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới