Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

SCIC đề xuất thoái vốn theo cơ chế thỏa thuận

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

SCIC đề xuất thoái vốn theo cơ chế thỏa thuận

Ông Lê Song Lai – Ảnh: Bảo Châu

(TBKTSG Online) – Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho hay, các doanh nghiệp cổ phần hóa do SCIC nắm vốn gặp nhiều khó khăn trong năm nay, và Bộ Tài chính đã xin ý kiến Chính phủ về việc thoái vốn theo cơ chế thỏa thuận.

Ông Lai đã có cuộc trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo về quản trị doanh nghiệp do SCIC và Viet Nam Holdings tổ chức ở Hà Nội hôm 23-9

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: SCIC xây dựng lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra sao, thưa ông?

Ông Lê Song Lai: SCIC đã thoái vốn tại 45 doanh nghiệp và mục tiêu của tổng công ty là từ nay đến hết năm 2008 sẽ đưa số doanh nghiệp này lên 70. Lộ trình thoái vốn còn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường, với mục tiêu là SCIC sẽ giữ lại khoảng 150 doanh nghiệp và bán đi trên 700.

Hiện nay có một số vướng mắc về cơ chế và chúng tôi đang làm việc với cơ quan chức năng để giải quyết. Mặt khác, cũng có những yếu tố tác động đến tiến độ như tình hình thị trường, cơ chế thoái vốn và việc “làm sạch” tình hình tài chính của doanh nghiệp trước khi thoái.

Mới đây, SCIC đã đề xuất được thoái vốn theo cơ thế thỏa thuận lên Bộ Tài chính, đến nay kết quả ra sao?

Bộ đã xem xét đề xuất của SCIC và chuyển lên Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo. Tôi nghĩ đề xuất này chắc chắn sẽ được chấp thuận.

Theo ông, việc áp dụng cơ chế thỏa thuận có thuận lợi hơn so với đấu giá như trước nay SCIC vẫn làm?

Thỏa thuận không chỉ rút ngắn thời gian thoái vốn, mà còn giúp bán được những doanh nghiệp không thể bán được theo trình tự đấu giá thông thường. Có trường hợp doanh nghiệp đấu giá đến lần thứ ba vẫn không có người mua. Nhưng nếu thông qua cơ chế thỏa thuận, có thể sẽ tìm được nhà đầu tư xứng đáng đồng ý mua.

Khi áp dụng cơ chế thỏa thuận, làm thế nào để đảm bảo nguồn vốn được kiểm soát và không bị hao hụt?

Áp dụng cơ chế thỏa thuận không có nghĩa là mất đi tính minh bạch. Trước khi giao dịch thỏa thuận, chúng tôi thuê đơn vị thứ ba để định giá độc lập và có được giá khởi điểm để làm cơ sở khi đàm phán với các nhà đầu tư.

Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp do SCIC nắm vốn trong 9 tháng đầu năm nay ra sao?

Nhìn chung các doanh nghiệp này rất khó khăn, phần lớn đã phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, doanh thu. Tuy nhiên, khó khăn đến mức tê liệt và có nguy cơ phá sản thì chưa có trường hợp nào. Chúng tôi đã nhận một số đề nghị được hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhưng cũng phải giải thích với họ là SCIC chỉ là một cổ đông. Vì thế, nếu có giúp đỡ doanh nghiệp thì cũng phải thông qua đại hội cổ đông bằng cách phát hành thêm. Tuy nhiên, trong bối cảnh năm nay, cũng khó thuyết phục nhà đầu tư bỏ vốn ra trong các đợt phát hành thêm nếu không có phương án khả thi.

SCIC chủ trương giữ lại hay bán đi các doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

Doanh nghiệp được tập trung thoái vốn là các công ty có quy mô nhỏ, SCIC đang nắm dưới 50% lượng vốn, tiềm năng tăng trưởng không tốt lắm và thuộc các ngành nghề không mấy quan trọng trong nền kinh tế như thiết bị trường học, xây dựng…

Bản thân SCIC không thấy những doanh nghiệp đó hấp dẫn thì làm thế nào để thu hút các nhà đầu tư?

Chúng tôi xác định đối tượng mua cổ phần gồm cán bộ nhân viên trong chính doanh nghiệp, các bạn hàng đối tác muốn có sự liên kết để mở rộng phạm vi hoạt động và các nhà đầu tư nước ngoài muốn trở thành cổ đông chiến lược.

Thực tế vẫn có thể thoái vốn tại các doanh nghiệp này, vấn đề chỉ là giá cả ra sao.

SCIC làm thế nào để đảm bảo quản lý tốt nguồn vốn trong các doanh nghiệp đã cổ phần hóa?

SCIC sẽ gắn kết quả hoạt động của doanh nghiệp với trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước. Nếu làm ăn thua lỗ, quyền lợi của họ cũng sẽ giảm đi tương ứng.

Theo quy chế mới do SCIC soạn thảo, nếu người đại diện vượt phạm vi được ủy quyền, thì sẽ bị yêu cầu chấm dứt vai trò làm người đại diện và cũng không còn là thành viên của hội đồng quản trị. Nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp, họ sẽ phải bồi thường theo hợp đồng ủy quyền. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào bị yêu cầu bồi thường.

Nói chung, họ hoạt động như các thành viên khác của hội đồng quản trị, nhưng có thêm trách nhiệm báo cáo SCIC trước khi quyết định tại doanh nghiệp. Trong trường hợp ý kiến của người đại diện không trùng với các thành viên khác của ban lãnh đạo, họ không dược dùng quyền của cổ đông lớn để ra quyết định, mà sẽ thuyết phục các cổ đông khác để đạt được đồng thuận.

BẢO CHÂU thực hiện 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới