Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sconnect Việt Nam kiện chủ sở hữu Peppa Pig ra tòa vì liên quan đến bản quyền

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Công ty Sconnect Việt Nam cho biết vừa nộp đơn khởi kiện hai doanh nghiệp có trụ sở tại London (Anh) là Entertainment One UK Limited và Astley Baker Davies Limited (gọi tắt chung là EO) ra tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Sconnect là doanh nghiệp nội dung số của Việt Nam tham gia sản xuất phim hoạt hình cho trẻ em từ năm 2014 với số lượng nhân sự hiện tại gần 1.000 người. Sconnect đang phát triển hệ sinh thái kinh doanh với hơn 10.000 video được sản xuất và hơn 130 triệu người theo dõi trên kênh YouTube và các trang mạng xã hội.

Khu vui chơi Wolfoo City tại Hà Nội. Ảnh: DNCC

Việc khởi kiện trên liên quan đến vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo (chú sói do Sconnect sở hữu) và Peppa Pig (cô lợn – do EO sở hữu).

Trong đơn khởi kiện và các tài liệu gửi tới tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Sconnect tố cáo EO sử dụng trái phép nhãn hiệu Wolfoo trong các video Peppa Pig (đây là hành vi vi phạm điểm b, khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ); đồng thời đề nghị toà xem xét phán quyết buộc EO phải chấm dứt các hành vi vi phạm nhãn hiệu và đăng công khai xin lỗi Sconnect trên 3 tờ báo quốc tế.

Trước đó, vào cuối tháng 3-2022, Sconnect đã nộp đơn lên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam để khiếu nại về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của EO (vi phạm khoản 3, và khoản 4 Điều 45 Luật Cạnh tranh). Cụ thể, EO đã có hành vi gửi các thông tin không đúng sự thật làm hạ uy tín, danh dự của Sconnect và bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo. Đồng thời EO còn dùng nhiều thủ đoạn gây rối làm gián đoạn và tạm ngừng hoạt động kinh doanh của Sconnect trên môi trường số, gây thiệt hại đáng kể cho Sconnect về kinh tế. Sconnect cho rằng, hành vi của EO gây thiệt hại cho Sconnect lên tới 300.000 đô la Mỹ.

Đại diện Sconnect cho biết, trong tháng 9 tới, Sconnect tiếp tục nộp đơn khởi kiện EO lên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về hành vi mạo danh chủ sở hữu phim hoạt hình Wolfoo và sử dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn trái phép quyền sở hữu trí tuệ. Hành vi của EO đã vi phạm khoản 2, khoản 8, khoản 12 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ.

Được biết, EO chính là doanh nghiệp đã “châm ngòi” cho vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Wolfoo và Peppa Pig tại Nga. Vào ngày 11-1-2022 EO nộp đơn khởi kiện tới tòa án Moskva để cáo buộc bộ nhân vật Wolfoo của công ty Sconnect là sản phẩm làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig do EO sở hữu. Sconnect bị cáo buộc vi phạm bản quyền tạo tác phẩm phái sinh và đăng tải trái phép lên các trang mạng điện tử.

Theo thông tin mà người đại diện Sconnect cung cấp cho KTSG Online, trong tiến trình tham gia quá trình tố tụng tại Nga, Sconnect đã đưa ra các chứng cứ và tài liệu hợp pháp chứng minh quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm bộ nhân vật và phim hoạt hình Wolfoo. Bao gồm: các chứng nhận về quyền sở hữu bộ nhân vật Wolfoo của Sconnect phù hợp với pháp luật quốc tế; các ý kiến đánh giá độc lập của chuyên gia nghệ thuật, văn học của Nga về phim hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig.

Đại diện Sconnect cho hay vào tháng 7-2022, các chuyên gia nghệ thuật, văn học của Nga đã nhận định: “bộ nhân vật Wolfoo không phải là làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig”. 

Sau đó, vào ngày 7-7-2022 phía EO đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Cùng ngày, tòa án Moskva đã ra quyết định chấp nhận đơn rút yêu cầu khởi kiện của EO và quyết định chấm dứt vụ kiện. Tòa án Moskva cũng ra phán quyết: “buộc EO không còn quyền khiếu nại, khiếu kiện về nội dung bộ nhân vật Wolfoo là làm lại bộ nhân vật Peppa Pig”.

Sau đó, vào tháng 8-2022, Sconnect đã khởi kiện ngược lại EO tại tòa án Moskva yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh mà EO gây ra, vụ kiện này đang trong tiến trình giải quyết.

Series phim hoạt hình Wolfoo ra mắt từ tháng 6-2018, được chiếu trên YouTube và nhiều nền tảng mạng xã hội, truyền hình, các kênh trực tuyến. Đến nay đã có 2.700 tập phim Wolfoo được dịch sang hơn 17 thứ tiếng và chú sói Wolfoo đã được nhiều khán giả nhí yêu thích. Theo số liệu do trang công nghệ video trực tuyến Tubefilter công bố, hệ thống kênh của Wolfoo đã thu hút hơn 50 triệu lượt theo dõi, có bình quân 2 tỉ lượt xem mỗi tháng và đã cán mốc đạt 30 tỉ lượt xem kể từ khi phát hành; các kênh Wolfoo nhiều lần lọt Top 50 kênh YouTube sở hữu nhiều lượt xem nhất – Wolfoo cũng đón nhận 3 nút kim cương và nhiều nút vàng, nút bạc của YouTube.

Luật sư Phạm Văn Anh, Trưởng phòng Pháp chế của Sconnect:Căn cứ theo điều 6, điều 75 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 (sửa đổi bổ sung 2019), Wolfoo là nhãn hiệu nổi tiếng do được sử dụng lâu dài, được nhiều người biết đến và yêu thích, được phổ biến tại nhiều quốc gia. Khi Wolfoo là nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được bảo hộ tự động mà không cần đăng ký.Về quyền sở hữu trí tuệ, hiện tại Wolfoo đã được cấp chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ nhân vật tại Việt Nam và Mỹ (với 20 nhân vật); chứng nhận bản quyền kịch bản phim và phim hoạt hình tại Việt Nam. Bộ nhãn hiệu Wolfoo đã nộp đơn đăng ký thành công tại Việt Nam, Nga, Mỹ và EU.Theo điều 14 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2019) và điều 2, điều 3 Công ước Berne năm 1971 (sửa đổi bổ sung năm 1979) về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật thì giá trị pháp lý của các chứng nhận bản quyền Wolfoo đã được cấp có giá trị toàn cầu và được áp dụng đối với 181 quốc gia là thành viên của Công ước Berne. Như vậy theo Công ước Berne, bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo và toàn bộ các tập phim hoạt hình Wolfoo của Sconnect đương nhiên được bảo hộ trên 181 quốc gia trong đó có Vương quốc Anh và Mỹ, Nga, Việt Nam (là các quốc gia thành viên của Công ước Berne).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới