Sẽ cảnh báo sớm chống bán phá giá tại Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ
Phạm Thái
Xuất khẩu đồ gỗ tăng trưởng liên tục qua các năm. Ảnh minh họa: Phạm Thái |
(TBKTSG Online) - Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho hay sẽ đưa thêm 3 thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ vào hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Trưởng nhóm xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá của Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết thông tin trên tại hội thảo giới thiệu hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng đồ gỗ do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và Sở Công thương TPHCM phối hợp tổ chức ngày 4-10 ở TPHCM.
Hệ thống cảnh báo sớm này đang cập nhật và giới hạn cảnh báo ở 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực (thiết bị điện, nội thất, thủy sản, chất dẻo, cao su, giấy, dệt may, giày dép, may mặc, linh kiện điện tử) với hơn 1.512 mặt hàng tại năm thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Canada, Brazil, Úc.
Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, từ năm 1994 đến nay, có 32 vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; trong đó có hơn 2/3 số vụ kiện nhằm vào nhóm 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực; 3/4 vụ kiện nhằm vào các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Ấn Độ. Các vụ kiện thường liên quan đến ngành hàng sử dụng nhiều lao động như thủy sản, da giày…
Tuy nhiên, theo đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), ngành chế biến đồ gỗ ở một số nước EU và Nhật Bản những năm gần đây đã chuyển từ tự sản xuất sang trở thành thị trường tiêu thụ của đồ gỗ của các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, nên khả năng đồ gỗ nhập khẩu đe dọa sản xuất trong nước, dẫn đến chính quyền các nước này sử dụng biện pháp thuế chống bán phá giá là không đáng kể.