Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ có 100.000 doanh nghiệp rời thị trường năm nay?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ có 100.000 doanh nghiệp rời thị trường năm nay?

Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Với bình quân mỗi tháng có hơn 8.550 doanh nghiệp rút khỏi thị trường do hoạt động khó khăn trong 10 tháng qua thì khả năng con số này sẽ cán mốc 100.000 doanh nghiệp khi kết thúc năm nay.

Số liệu dự báo này nếu thành hiện thực thì đây sẽ là năm đầu tiên lượng doanh nghiệp rời thị trường ghi dấu kỷ lục với sáu con số. Điều này cho thấy doanh nghiệp trong nước vốn dĩ dễ bị "tổn thương" và sẽ dẫn đến "chết yểu" khi có tác động mạnh về cú sốc bên ngoài như đại dịch Covid-19 hiện nay.

Sẽ có 100.000 doanh nghiệp rời thị trường năm nay?
Nhiều mặt bằng có vị trí đắc địa ở các thành phố lớn phải đóng cửa rao thuê dài. Ảnh minh họa: An Thy.

Theo bản báo cáo mới nhất của Cục Quản lý Kinh doanh, chỉ trong tháng 10 vừa qua, cả nước có thêm 8.285 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó có gần 3.300 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, gần 3.580 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể và hơn 1.410 doanh nghiệp giải thể.

Đáng chú ý, theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng vừa qua tăng đến 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều tốc độ tăng trung bình tháng 10 của các năm 2015-2019 (15,9%).

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong ngắn hạn tăng cao thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự thanh lọc mạnh mẽ đang diễn ra trong cộng đồng doanh nghiệp, theo phân tích của cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư này.

Trong số gần 3.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bán buôn, bán lẻ là các doanh nghiệp có tỷ lệ tạm ngừng cao nhất, chiếm 36,3%.

Trên thực tế, thời gian qua thị trường ế ẩm, khách thuê đuối sức, nhà bán lẻ trả mặt bằng, đóng cửa hàng loạt. Nhiều mặt bằng tại những khu phố vốn rất sầm uất và cao cấp của TPHCM và Hà Nội đã treo biển cho thuê trong nhiều tháng qua nhưng đến nay cũng chưa có người thuê. Và khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ kéo theo sự tuột dốc của giới kinh doanh mặt bằng.

Điều này có thể hiểu được, do tác động của đại dịch Covid, ngành bán buôn, bán lẻ gặp nhiều khó khăn như sức mua giảm, sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đồng thời, đây cũng là lĩnh vực doanh nghiệp có thể dễ dàng gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường.

DN bán buôn, bán lẻ; sửa chữa xe rời thị trường nhiều nhất

Tính chung, trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 85.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, gồm cả 41.783 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 58,7% so với cùng kỳ năm ngoái).

Ngoài ra, cùng thời gian này còn có 30.256 doanh nghiệp chờ giải thể và hơn 13.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tương đương của cùng kỳ năm ngoái. Tính ra, trung bình mỗi tháng có 8.554 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,1% so với trung bình 10 tháng của năm ngoái.

Hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn này khó khăn Ảnh minh họa: Lê Hoàng
Mười tháng vừa qua, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động dưới 1 năm là 968 doanh nghiệp (chiếm 2,3%); từ 1 đến dưới 5 năm là 20.068 doanh nghiệp (chiếm 48%); số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 5 đến dưới 10 năm là 11.493 doanh nghiệp (chiếm 27,5%) và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên là 9.254 doanh nghiệp (chiếm 22,1%).

Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tiếp tục tăng hơn phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái tiếp tục cho thấy sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

So với cùng kỳ năm ngoái, theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng ở tất cả 17 lĩnh vực.

Trong đó, có đến hơn 15.500 doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy tạm rời thị trường có tỷ lệ tạm ngừng cao nhất, tăng 52,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kế đến là doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng (5.740 doanh nghiệp, tăng 52%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.612 doanh nghiệp, tăng 86,2%); khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (2.597 doanh nghiệp, tăng 62,8%).

Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2.532 doanh nghiệp, tăng 85,4%); Kinh doanh bất động sản (1.195 doanh nghiệp, tăng 118,1%); Giáo dục và đào tạo (811 doanh nghiệp, tăng 94,5%). Doanh nghiệp hoạt động nghệ thuật, vui chơi và giải trí (320 doanh nghiệp, tăng 75,8%). Đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19.

Trong 10 tháng vừa qua, cả nước 30.256 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể. Các ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất cũng rơi vào lĩnh vực phân phố, sửa chữa ô tô, xe máy (11.215 doanh nghiệp, chiếm 37,1%); công nghiệp chế biến, chế tạo (3.481 doanh nghiệp, chiếm 11,5%); xây dựng (3.290 doanh nghiệp, chiếm 10,9%).

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 10 tháng đầu năm 2020 là hơn 13.500 doanh nghiệp. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái là Kinh doanh bất động sản; sản xuất phân phối, điện, nước, gas và giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 49,4%; 43% và 31,4%.

Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài.

Do vậy, trong thời gian tới, để có thể giảm số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần hoạch định và thực thi có hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các đối tượng này.

10 tháng có 111.160 doanh nghiệp thành lập

Trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước có 111.160 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm 2020 là 3.892.036 tỉ đồng (tăng 17%), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.594.083 tỉ đồng (tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2019) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 2.297.953 tỉ đồng (tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019) với 32.623 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2020 là 850.315 lao động, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2019.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới