Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ có dịch vụ hòa giải chuyên nghiệp cho tranh chấp thương mại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ có dịch vụ hòa giải chuyên nghiệp cho tranh chấp thương mại

Quang Chung

Minh hoạ: Khều.

(TBKTSG Online) – Sử dụng dịch vụ hòa giải chuyên nghiệp để giải quyết các tranh chấp thương mại sẽ là sự lựa chọn mới bên cạnh tòa án và trọng tài khi dự thảo Nghị định về hòa giải thương mại được ban hành.

Cần một hành lang pháp lý

Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hòa giải được đề cập tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Hàng hải, Luật Thương mại, Luật Đầu tư…và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, hướng dẫn về hòa giải viên, tổ chức hòa giải chuyên nghiệp, trình tự, thủ tục hòa giải.

Cho nên, dù dịch vụ hoà giải các tranh chấp thương mại trong thực tiễn đã được một số chuyên gia, tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức hiệp hội thực hiện nhưng chưa phổ biến và hiệu quả chưa cao… Phần lớn cá nhân, tổ chức chưa coi hòa giải thương mại là một hoạt động dịch vụ giải quyết tranh chấp chuyên nghiệp nên chưa sử dụng rộng rãi phương thức này.

Trong khi đó, hòa giải có thể giúp cho các bên tranh chấp bảo mật thông tin (hòa giải kín); tiết kiệm được thời gian, chi phí (các phiên hòa giải thường đơn giản hơn các phiên xét xử); và giúp các bên tranh chấp duy trì mối quan hệ (làm việc cùng nhau, mang tính xây dựng…).

Hoà giải các tranh chấp thương mại cũng giống phương pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở điểm là được thực hiện bởi thiết chế ngoài nhà nước và dựa trên thoả thuận tự nguyện về quy trình tiến hành, về chi phí… Nhưng hòa giải khác biệt ở chỗ hòa giải viên thương mại không xét xử và ra phán quyết, và trong quá trình hòa giải, các bên tranh chấp có thể kiểm soát tình huống, có quyền tự do định đoạt các quyết định…

Do đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đa dạng hóa cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, qua đó giảm thiểu tình trạng quá tải trong giải quyết tranh chấp của tòa án, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh và ổn định, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc hội nhập quốc tế nên Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Nghị định về hòa giải thương mại.

Bộ Tư pháp kỳ vọng khi nghị định về hòa giải thương mại được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển dịch vụ hòa giải thương mại với tư cách là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập; tạo hành lang pháp lý thống nhất trong việc khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng dịch vụ hòa giải.

Tòa án công nhận thỏa thuận hòa giải

Nhằm tạo một hành lang pháp lý cho dịch vụ hòa giải chuyên nghiệp phát triển, dự thảo Nghị định về hòa giải thương mại đã quy định nguyên tắc hoạt động hòa giải thương mại; các hình thức hòa giải thương mại, tổ chức cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại; trình tự, thủ tục hòa giải thương mại; tổ chức và hoạt động của tổ chức hòa giải nước ngoài tại Việt Nam…

Cụ thể, phạm vi điều chỉnh của nghị định bao gồm tất cả tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.

Và, để giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường hòa giải thì cần các hòa giải viên và các tổ chức [trung tâm] hòa giải. Do đó, dự thảo quy định hòa giải viên ngoài phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan, có trình độ đại học… còn phải có kỹ năng hòa giải, hiểu biết tập quán kinh doanh.

Tổ chức cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại, theo dự thảo, là Trung tâm hòa giải thương mại và Trung tâm trọng tài có cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại. Các tổ chức này có quyền lập, công bố, xóa tên hòa giải viên trong danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình; xây dựng, ban hành và công bố Quy tắc hòa giải, biểu mức phí hòa giải; chỉ định hòa giải viên thương mại theo yêu cầu của một bên hoặc các bên; cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại…

Đối với trình tự, thủ tục hòa giải thì dự thảo xây dựng trên cơ sở tham khảo Luật mẫu của Ủy ban pháp luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) về hòa giải thương mại. Các bên tranh chấp trong quá trình hòa giải có quyền lựa chọn trình tự, thủ tục hòa giải, hòa giải viên thương mại, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải; đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải; yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai…

Trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận của các bên trong hòa giải, dự thảo quy định các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại hoặc tự thỏa thuận thủ tục tiến hành hòa giải.

Trường hợp các bên đạt được thỏa thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ tranh chấp được coi là hòa giải thành. Khi hòa giải thành, một trong các bên được yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận hòa giải thành. Đây là một trong quy định quan trọng nhất của nghị định này, vì thỏa thuận hòa giải nếu được tòa án công nhận thì nó sẽ được thi hành như một bản án.

Hiện nay, Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp vẫn đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo này, và gởi văn bản đóng góp ý kiến về Cục Bổ trợ tư pháp trước ngày 17-07-2015.

Hòa giải thương mại sẽ được luật hoá

Sẽ có nghị định về hòa giải thương mại

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới