Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ có dự án sân golf “treo”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ có dự án sân golf “treo”

Thành Trung thực hiện

Các chuyên gia cho rằng muốn phát triển ngành kinh tế sân golf một cách lâu dài cần phải dành kinh phí để nghiên cứu cụ thể. Ảnh minh họa: LT.

(TBKTSG) – Phỏng vấn PGS.TS. NGUYỄN HỒNG THỤC, công tác tại Viện Nghiên cứu định cư, về vấn đề quy hoạch sân golf và vai trò quản lý đất đai của các cấp chính quyền.

TBKTSG: Hiện đã có tổng cộng 144 dự án đầu tư sân golf được cấp phép, trong đó 76 dự án đã và đang triển khai. Với tình hình này theo bà trong 10 năm tới, có bao nhiêu dự án trong số này sẽ đi vào hoạt động?

– PGS.TS. NGUYỄN HỒNG THỤC: Theo Hiệp hội Golf Việt Nam, từ nay đến năm 2020 mới có 30 sân golf đi vào hoạt động (hiện có 18 sân đang hoạt động). Trong khi đó, Việt Nam đã cấp phép tới 144 dự án, nghĩa là 114 dự án rất có thể là quy hoạch treo, dự án treo. Theo tôi, có rất nhiều ẩn ý đằng sau việc cấp phép cho các sân golf hiện nay.

TBKTSG: Đáng chú ý là 76 dự án này có tổng diện tích 23.832 héc ta, nhưng chỉ 15.466 héc ta để xây sân golf, diện tích còn lại dành cho các dịch vụ thương mại, biệt thự, khách sạn…

– Đất đai là tài sản vô giá của quốc gia, tranh thủ cấp phép như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn, về nhiều mặt đến kinh tế, xã hội của từng vùng và cả nước, đến cuộc sống của người dân bị thu hồi đất. Nhìn tổng thể, hiện tượng biệt thự xây xong bỏ hoang, sân golf treo là chuyện nhức nhối, cho thấy một số người đang lợi dụng sự lỏng lẻo của luật pháp để trục lợi.

Đáng suy nghĩ là việc cấp phép đầu tư ở các địa phương rất tùy tiện, không minh bạch và chỉ do chính quyền địa phương quyết mà không có sự phản biện của các nhà khoa học và sự tham gia của người dân. Quan điểm của tôi là từ chuyện sân golf phải nghiêm túc nhìn nhận quy trình cấp phép cho các dự án đầu tư trên cả nước. Như vậy sẽ thấy, cái thiếu nhất là phân vùng chức năng trên toàn lãnh thổ chưa làm được.

TBKTSG:  Thưa bà, ai cũng biết rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong cấp phép cho các nhà đầu tư xin đất xây sân golf. Nhưng tại sao Trung ương chưa có biện pháp nào để giám sát chuyện này?

– Thực ra cũng khó đòi hỏi chính quyền địa phương trong việc này, vì họ phải đảm bảo các chỉ tiêu phát triển kinh tế. Vấn đề là nếu Nhà nước không có đường biên của quản lý, không xây dựng các quy hoạch phát triển tổng thể về kinh tế vùng, về quy hoạch dự án sân golf thì rất khó giám sát. Tôi nhấn mạnh là bản thân sân golf không có lỗi.

TBKTSG:  Nếu tiếp tục không có quy hoạch sân golf thì 50 năm nữa mới xây xong toàn bộ 144 dự án sân golf, chưa kể có thể sẽ có thêm dự án mới. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

– Chúng ta cấp phép cho các dự án nhưng không dựa trên cơ sở nền cho nên có sự đánh đồng giữa những sân golf mang lại lợi ích thực sự với những dự án chiếm đất để sử dụng cho các mục đích khác.

TBKTSG: Theo TS. Tôn Gia Huyên thuộc Hội Khoa học đất, 76 dự án đang triển khai đã thu hồi 9.847 héc ta đất nông nghiệp, bao gồm 1.847 héc ta đất trồng lúa của dân. Bà nghĩ gì về chuyện này?

– Chuyện lấy đất trồng lúa để làm sân golf rõ ràng là không ổn. Theo tôi, ở các đô thị Việt Nam phải có những quy chuẩn, tiêu chuẩn để có thể gắn sân golf là một thành tố tất yếu của những khu vui chơi giải trí, công viên nội đô phục vụ cho cộng đồng dân cư đô thị, ví dụ như Hà Nội (mở rộng) hiện nay có tới 6,5 triệu dân, vậy phải có các khu vui chơi giải trí cho người dân.

New Zealand đã thiết kế các vành đai xanh của các đô thị như là các bộ phận tất yếu để ngăn cách đô thị với khu công nghiệp, đấy chính là nơi nghỉ cuối tuần của người dân. Làm như vậy, dân cư địa phương cũng được hưởng lợi từ sân golf và các dịch vụ kèm theo, đồng thời Nhà nước cũng thu được thuế. Tất cả các yếu tố này là chức năng thiết yếu của một đô thị hiện đại mà nếu không nghĩ đến thì chúng ta đã đẩy sân golf trở thành đối tượng bị coi là chỉ để phục vụ người giàu.

Nếu hiểu rõ sẽ thấy Việt Nam đang thiếu hẳn một quy hoạch tổng thể, từ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch của các đô thị, quy hoạch về chỉ số cây xanh trong đô thị… Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu quy hoạch tổng thể phát triển các sân golf nên hệ quả là hiện tượng chiếm đất canh tác của dân để làm sân golf, cấp phép ồ ạt ở một số nơi diễn ra mà chưa có cách giải quyết.

TBKTSG: Như vậy cần giải quyết những vấn đề gì?

– Có hai vấn đề. Thứ nhất, đưa quy hoạch sân golf vào quy hoạch sử dụng đất. Thứ hai, quy hoạch sân golf phải đi kèm theo các tiêu chuẩn bắt buộc về tác động môi trường, tác động kinh tế – xã hội của địa phương, tác động của việc thu hồi đất đối với sinh kế dân cư bản địa.

TBKTSG: Theo bà, một giải pháp dài hạn và đồng bộ đối với các dự án sân golf là như thế nào?

– Tôi cho rằng, nếu muốn phát triển ngành kinh tế sân golf một cách nghiêm túc và lâu dài, phải dành kinh phí để nghiên cứu cụ thể. Tất cả đã có tiêu chuẩn quốc tế, không quá khó để tham khảo và áp dụng thành tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Vấn đề là ai làm? Theo tôi, khi cấp phép cho một dự án, Nhà nước phải tạo ra sự liên kết giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạch định kinh tế, hoạch định về quy hoạch chức năng và phân vùng lãnh thổ – là các yếu tố chúng ta đang thiếu.     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới