Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ có nhiều đột phá để “hút” DN đầu tư vào nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ có nhiều đột phá để “hút” DN đầu tư vào nông nghiệp

Trúc Diễm

Sẽ có nhiều đột phá để “hút” DN đầu tư vào nông nghiệp
Cánh đồng mẫu lớn – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Dù đã có nhiều chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian qua, nhưng tỷ trọng doanh nghiệp nông nghiệp trong nền kinh tế vẫn chưa cải thiện.

Tại Diễn đàn “Đối thoại với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” diễn ra ngày 3-12, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, cho hay sẽ có nhiều chính sách đột phá về đất đai và tín dụng trong thời gian tới để hút doanh nghiệp vào lĩnh vực này.

Doanh nghiệp trong nông nghiệp vẫn còn nhỏ bé

Phát biểu tại diễn đàn Bộ trưởng Nguyễn Xuâ Cường, cho hay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực…

Từ những nỗ lực đó, đầu tư từ khu vực tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn trong thời gian gần đây đã tăng đáng kể, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của ngành. Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng từ gần 2.400 doanh nghiệp năm 2007 lên hơn 4.000 doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2016. Trong đó, đã có rất nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương và trong nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Cường, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế, thiếu ổn định. Tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp vẫn chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước và đa phần có quy mô vốn nhỏ, số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỉ đồng chiếm tới hơn 50%. Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp đầu tư chủ yếu dựa vào việc khai thác nguồn lực tài nguyên (đất đai, nước), chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng.

Sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp; chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, các chính sách mới chưa được triển khai và chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp về loại hình đầu tư này.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), các FTA thế hệ mới có mức độ tự do hóa sâu, phạm vi rộng với các đối tác thương mại hàng đầu thế giới. Các hiệp định này mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế với các đối tác thương mại lớn.

Để tận dụng được các FTA này, cách duy nhất là sản phẩm của ngành nông nghiệp đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường, vượt qua được những hàng rào kỹ thuật mang lại giá trị cao cho người tiêu dùng. Do đó, cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp…

Gỡ nút thắt đất đai và tín dụng

Mặc dù nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhưng hiệu quả chưa cao, chưa sát với thực tiễn khiến doanh nghiệp không mặn mà trong đầu tư. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết theo số liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam hỗ trợ nông nghiệp chỉ chiếm 7%, chủ yếu qua hệ thống khuyến nông, và cắt giảm một số loại phí, trong khi một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, mức hỗ trợ này là 55% đến 60%.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, chia sẻ cho đến nay, nông nghiệp là một trong những ngành xuất siêu nhiều nhất, mang lại giá trị nhiều nhất, song chính sách hỗ trợ lại hầu như ít nhất. Chưa kể, các chính sách hiện nay còn nhiều bất cập.

Theo ông Khuê, chanh leo hiện nay cho sản lượng 80 tấn, với giá bình quân là 8.000 đồng/kg thì thu nhập nông dân đạt 640 triệu đồng/héc ta. Nếu mở rộng được quy mô sẽ cho nông dân thu nhập rất cao. Tuy nhiên, bất cập về chính sách đất đai hiện nay là nếu thu hồi đất làm khu công nghiệp thì thủ tục đơn giản, nhưng nếu thu hồi đất nông nghiệp thì rất phức tạp, thậm chí phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, các doanh nghiệp đều cho rằng, ngành nông nghiệp phải hướng đến sản xuất quy mô lớn và quan trọng nhất là phải tích tụ và tập trung đất đai. Để làm được điều này, trước hết phải thay đổi căn bản chính sách về đất đai hiện nay gắn với các chính sách về công nghệ, thuế, tín dụng…

Về vấn đề này, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, lâm trường quốc doanh có diện tích chiếm đất rất lớn 2,8 triệu héc ta, các lâm trường hầu hết khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hầu như không có lãi. Vì vậy, cần xây dựng chính sách nhằm phát huy tiềm năng của các lâm trường quốc doanh theo hướng rõ chủ sở hữu.

Theo ông Cường, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các ngành nghiên cứu, chỉnh sửa Nghị định 210 về thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào chính sách ưu tiên doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ sạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp các bộ, ngành liên quan trong thời gian ngắn sẽ chỉnh sửa, tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định mới.

Ngành nông nghiệp cũng đang phối hợp với các bộ ngành liên quan để ban hành những chính sách mang tính đột phá, tích cực và sát với thực tiễn để thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp.

Mời đọc thêm:

Không nên sợ tích tụ đất đai

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới