Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ có phương án xử lý gói cước tỉ phú trong tuần này

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ có phương án xử lý gói cước tỉ phú trong tuần này

Vân Oanh – Thu Hiền

Sẽ có phương án xử lý gói cước tỉ phú trong tuần này
Ảnh chụp khách hàng đang hòa mạng Beeline.

(TBKTSG Online) – Ông Chu Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết cơ quan này sẽ trình lãnh đạo bộ phương án giải quyết gói cước tỉ phú trong tuần này.

Gói cước tỉ phú được mạng di động Beeline đưa ra thị trường vào ngày 16-9 và ngay lập tức đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông gửi công văn yêu cầu mạng di động này dừng lưu hành và giải trình về gói cước.

Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng, hiện thị trường viễn thông đang cạnh tranh gay gắt, nếu các doanh nghiệp hoạt động không theo quy định, bán phá giá dịch vụ thì sẽ làm đổ vỡ thị trường. Do đó cần tính đến hướng xử lý nhìn về lâu dài, không thể xử lý theo kiểu vì lợi ích trước mắt của người tiêu dùng.

Theo ông Thắng, nếu xem xét và thấy gói cước tỉ phú không đảm bảo các quy định về cạnh tranh thì sẽ phải xử lý nghiêm. Không chỉ với gói cước này mà kể các các gói cước của các doanh nghiệp khác. Hiện thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đang tăng cường kiểm tra việc thực hiện khuyến mại, giá cước của các doanh nghiệp.

Đối tác nước ngoài là Vimpercom (Nga) tham gia góp vốn hình thành Beeline có hoạt động ở nhiều thị trường trên thế giới. Song ông Michael Cluzel, Tổng giám đốc của Beeline Vietnam (GTEL-Mobile) nhận xét thị trường viễn thông Việt Nam có cách thức kinh doanh và sử dụng dịch vụ cũng khác biệt so với các thị trường khác. Và do vậy gói cước tỉ phú chỉ được Beeline triển khai tại Việt Nam.

Bình luận về gói cước này, một chuyên gia viễn thông có kinh nghiệm làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng, việc Beeline ban hành gói cước cho phép gọi nội mạng miễn phí trị giá một tỉ đồng trong vòng 10 năm là một gói cước không hay. Bởi theo quan sát của chuyên gia này thì chưa có hãng viễn thông trên thế giới ban hành gói cước có hiệu lực dài quá 2 năm.

"Nếu một gói cước có thời gian sử dụng 10 năm thì liệu các mạng di động, nhất là các mạng nhỏ có tồn tại được không (hay là phải mua bán, sáp nhập, thậm chí phá sản…). Như vậy ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm về gói cước mà doanh nghiệp đã lưu hành, ai bồi thường cho người dùng nếu quyền lợi không đảm bảo", chuyên gia này cho hay.

Còn ông Hoàng Ngọc Diệp, chuyên gia tư vấn quản trị viễn thông – nguyên giám đốc Qualcomm Việt Nam và Đông Dương – thì luôn khuyến cáo các nhà khai thác không nên hướng đến cạnh tranh về giá cước. Bởi nếu tham gia cuộc chiến về giá cước thì tất cả các mạng đều chết. Các mạng nhỏ nên chọn những thị phần chưa mạng nào đụng đến (các doanh nghiệp, các tổ chức chính phủ…). Như vậy sẽ tránh được cuộc cạnh tranh về giá và không phải đối đầu trực tiếp với những nhà mạng lớn có mặt sớm trên thị trường và đã hoàn vốn đầu tư.

Đưa ra thông tin chứng minh cho việc không bán phá giá thị trường, ông Michael Cluzel, Tổng giám đốc của Beeline Vietnam khẳng định rằng gói cước tỉ phú tạo ra doanh thu bình quân mỗi thuê bao (ARPU) tương đương hoặc cao hơn các gói cước của các mạng di động nhỏ, không chiếm thị phần khống chế trên thị trường (Vietnamobile, EVN Telecom, S-Fone).

Đưa ra gói cước này, Beeline hướng đến việc mang lại cho khách hàng những trải nghiệm độc đáo theo một phương pháp bền vững, không phải theo chiêu bài cạnh tranh về giá mà mục đích là mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới