Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ còn nhiều khó khăn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ còn nhiều khó khăn

Vườn thanh long của Hợp tác xã thanh long tiêu chuẩn châu Âu Hàm Minh ở Bình Thuận, một điểm trồng thanh long được phía Mỹ cấp mã số vùng sản xuất – Ảnh: Ngọc Thu.

(TBKTSG) – Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Năm 2008, nền kinh tế Mỹ suy giảm đã ảnh hưởng sâu sắc tới xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nông sản. Năm 2009, dự báo xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang Mỹ có thể sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn nhiều hơn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2008 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 2,52 tỉ đô la, chiếm 14,48% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước.

Tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ năm 2008 đạt 55,3% so với cùng kỳ năm 2007. Tuy nhiên, chỉ một số ít các mặt hàng đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn gồm đồ gỗ nội thất, động vật giáp xác (thuộc nhóm thủy sản), cà phê, hạt tiêu, hạt điều…

Năm 2009, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ tiếp tục giảm, tăng trưởng GDP ở mức -0,7%, lạm phát là 1,8%, đồng đô la sẽ mạnh lên tương đối so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới mặc dù mức tăng không nhiều. Nhu cầu nhập khẩu nông sản của Mỹ được dự báo đạt 81 tỉ đô la, tăng khoảng 2,14% so với năm 2008, trong khi tốc độ tăng trưởng năm 2008 so với 2007 là 13,12%.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ

Theo báo cáo Thương mại nông lâm thủy sản Việt – Mỹ 2008 và triển vọng 2009 của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp – nông thôn (AGROINFO), dự báo kim ngạch xuất khẩu 10 mặt hàng sang Mỹ năm 2009 như sau (xem bảng):

Năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 mặt hàng nông sản hàng đầu sang Mỹ sẽ đạt khoảng 1,73 tỉ đô la, giảm khoảng 17,25% so với năm 2008. Đa số các mặt hàng xuất khẩu sẽ giảm chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.

Các mặt hàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm là đồ gỗ nội thất, động vật giáp xác chưa chế biến, hạt điều và hồ tiêu với kim ngạch xuất khẩu trên 200 triệu đô la.

Tăng trưởng xuất khẩu cà phê sang Mỹ sẽ chỉ đạt 1,03% còn kim ngạch xuất khẩu hạt điều sẽ giảm khoảng 6,61% so với năm 2008.

Trong 10 mặt hàng đứng đầu về xuất khẩu sang Mỹ năm 2009, rất có khả năng ngoài mặt hàng cà phê, chỉ còn hồ tiêu có thể đạt mức tăng trưởng dương với tốc độ tăng khoảng 6,73%, kim ngạch dự kiến đạt 49,9 triệu đô la.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản khác đều sẽ giảm so với năm 2008 với mức độ khác nhau. Giảm ít nhất là sản phẩm bột nhào (-2,49%) và giảm nhiều nhất là chất béo, các loại nấm cục (-40,62%). Suy thoái trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ có khả năng sẽ làm giảm nhập khẩu sản phẩm cao su từ Việt Nam khoảng 23,71% và ảnh hưởng của khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính, bất động sản sẽ làm giảm nhập khẩu các loại gỗ ván khoảng 22,19%.

Nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp từ Mỹ

Năm 2009, nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp từ Mỹ sẽ tiếp tục tăng nhẹ do nhu cầu sử dụng vật tư nông nghiệp (đậu tương, tinh bột, lúa mì…) và các loại thịt từ Mỹ của Việt Nam đang có xu hướng tăng.

Các chất chế biến làm thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục là mặt hàng dẫn đầu nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2009, nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới cho Việt Nam từ các nước xuất khẩu chính như Argentina, Thái Lan, Ấn Độ vẫn rất ổn định, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi tăng không đáng kể và giá nguyên liệu sẽ giảm mạnh nên kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ Mỹ được dự báo sẽ giảm. Với nhu cầu nhập khẩu vẫn còn khá cao, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục là mặt hàng chủ chốt trong các loại nông sản và vật tư nông nghiệp nhập khẩu từ Mỹ trong thời gian tới.

Nhu cầu nhập khẩu các loại thịt (lợn, bò đông lạnh, ướp lạnh) cũng sẽ tiếp tục tăng lên. Cùng với nhu cầu tiêu thụ các loại thịt trong nước ngày càng tăng và việc Chính phủ Việt Nam cam kết sẵn sàng thỏa thuận nhập khẩu thịt bò trên 30 tháng tuổi từ Mỹ, năm 2009 kim ngạch nhập khẩu các loại thịt bò từ thị trường này sẽ tiếp tục tăng hơn nữa.

Nhập khẩu các mặt hàng nông sản khác (lúa mì, đường, hạt quả giống, rau các loại…) cũng sẽ tăng do nhu cầu trong nước tăng nhẹ. Riêng các sản phẩm cao su tổng hợp và nguyên liệu gỗ sẽ giảm nhập khẩu do nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm và ảnh hưởng từ việc triển vọng xuất khẩu được dự báo sẽ suy giảm trong năm 2009.

NGUYỄN QUỐC CHÍNH – PHẠM QUANG DIỆU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới