Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ công bố cơ sở sản xuất bún chứa chất cấm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ công bố cơ sở sản xuất bún chứa chất cấm

Minh Tâm

Sẽ công bố cơ sở sản xuất bún chứa chất cấm
Đại diện Saigon Co.opmart và các cơ sở sản xuất bún tươi: Bàu Cát, Cát Tường và Kiều Trang ký cam kết cung cấp sản phẩm sạch ra thị trường. Ảnh: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Cơ quan thực hiện kiểm nghiệm đã phát hiện chất tinopal CBS-X trong nhiều mẫu sản phẩm bún tươi và bánh tươi bày bán trên thị trường. Danh tính cụ thể của các đơn vị có mẫu sản phẩm chứa chất cấm sẽ được cơ quan quản lý công bố sau khi so sánh, đối chiếu và đánh giá kết quả.

Tại hội nghị triển khai các quy định về an toàn thực phẩm đối với ngành nghề sản xuất, kinh doanh bún và bánh tươi trên địa bàn TPHCM, do Sở Y tế và Sở Công Thương phối hợp tổ chức chiều ngày 29-7 với sự tham gia của hơn 200 cơ sở sản xuất bún và bánh tươi, Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, Công ty Dịch vụ khoa học và công nghệ sắc ký Hải Đăng, cho biết đã xác định được chất tinopal (loại hóa chất công nghiệp vốn được dùng với hàm lượng hạn chế trong sản xuất giấy, bột giặt nhưng cấm dùng trong sản xuất thực phẩm) ở các sản phẩm chế biến từ gạo.

Đây là các mẫu sản phẩm do Sở Công Thương TPHCM gửi đến kiểm nghiệm.

Cũng theo ông Sơn, ngoài chất tinopal, cơ quan kiểm nghiệm còn phát hiện một số hóa chất khác cũng vào dạng cấm sử dụng trong thực phẩm như formaldehyde và acid oxalic.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM xác nhận, đến thời điểm này, sở đã gửi 33 mẫu sản phẩm bún và bánh tươi đến cơ quan kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 19/33 mẫu cho kết quả âm tính với tinopal. Số còn lại, theo bà Đào, là những mẫu sản phẩm còn nghi vấn và đang được kiểm nghiệm lại để đưa ra kết luận chính thức.

Cũng theo bà Đào, sau nhiều quy trình như để doanh nghiệp tự kiểm nghiệm, đánh giá giữa các cơ quan liên quan (bao gồm cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn và đơn vị kiểm nghiệm), nếu mẫu sản phẩm có chứa chất tinopal, Sở Công Thương TPHCM sẽ công bố danh tính cơ sở sản xuất vi phạm cũng như thực hiện các biện pháp xử phạt theo quy định hiện hành.

“Việc công bố thông tin phải được thực hiện theo đúng quy trình mà Bộ Y tế quy định, từ việc so sánh đối chiếu kết quả, đơn vị có chức năng công bố… Cơ quan quản lý phải rất thận trọng vì điều này liên quan đến thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp", bà Đào nói thêm.

Theo bà Đào, từ nay đến 10-8, cơ quan kiểm tra liên ngành gồm đại diện Sở Công Thương, Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, UBND các quận huyện… sẽ thực hiện kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất bún, bánh tươi trên địa bàn và lấy mẫu gửi xét nghiệm. Các trường hợp vi phạm, sử dụng chất phụ gia sẽ được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, cùng thời gian này, cơ quan chức năng cũng sẽ kiểm tra 100% đối với hàng hóa đầu vào của các hệ thống siêu thị, đặc biệt các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm có nguy cơ nhiễm các chất phụ gia.

“Khi chưa có kết luận cụ thể, người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm bún, bánh tươi có bao bì nhãn mác, có hạn sử dụng đầy đủ”, bà Đào khuyến cáo.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn TPHCM hiện có 201 cơ sở sản xuất bún tươi, tập trung ở các quận huyện ngoại thành như Gò Vấp, quận 7, quận 9, Thủ Đức…

Tại hội nghị nêu trên, đại diện hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Big C và các cơ sở sản xuất bún là Cát Tường, Bàu Cát, Kiều Trang, Trung Kiên đã ký cam kết cung cấp sản phẩm bún tươi sạch ra thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới