Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ công bố những cơ sở sản xuất không đạt yêu cầu ATVSTP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ công bố những cơ sở sản xuất không đạt yêu cầu ATVSTP

Ngọc Hùng

Sẽ công bố những cơ sở sản xuất không đạt yêu cầu ATVSTP
Khách hàng đang lựa chọn mua hàng tại một gian hàng bán sản phẩm Vietgap. Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ công bố danh sách những cơ sở sản xuất nông lâm sản, thủy sản bị xếp loại C, tức là không đáp ứng những tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) để cảnh báo người tiêu dùng.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), việc công bố những cơ sở đạt loại C nhằm để người tiêu dùng biết và tránh mua, sử dụng sản phẩm của những cơ sở này.

Hiện hàng tháng Nafiqad đều thông báo danh sách những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có hàng bị trả về vì dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép khi xuất qua thị trường Nhật Bản.

Sắp tới sẽ có thêm danh sách những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước không đạt chất lượng bị công bố, theo thông tin từ một hội nghị do Nafiqad tổ chức ngày 28-3 tại TPHCM. Hội nghị này nhằm triển khai mô hình chuỗi và trọng tâm công tác quản lý an toàn về sinh thực phẩm năm 2014.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad cho biết, việc xếp loại A, B hay C là một việc phải làm nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt đâu là những sản phẩm an toàn. Theo đó, chỉ những cơ sở nào sau khi kiểm tra đạt loại A, B thì mới cấp giấy đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Nafiqad, năm 2013, số lượng cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm bị xếp loại C vẫn còn cao. Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất nông thủy sản, số doanh nghiệp được đánh giá loại A, B chiếm 80%, còn loại C là 20%. Riêng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm xếp loại C lên đến 66%.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là những cơ sở bị đánh giá loại C vẫn chưa nỗ lực cải thiện tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, vì khi tái kiểm tra vẫn còn một nửa số cơ sở vẫn bị xếp loại C. Một trong những khó khăn trong việc cải thiện tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất nông lâm sản và thủy sản, theo Nafiqad, là do nhiều cơ sở vẫn không biết có sự tồn tại của Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá này dù quy định đã có hiệu lực từ ngày 15-5-2011.

Theo Nafiqad lý giải, nguyên nhân khiến các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương không biết đến Thông tư 14 một phần là do công tác tuyên truyền của Nafiqad chưa tốt. Vì thế, theo ông Tiệp, trong năm 2014, Nafiqad sẽ kết hợp với các cơ quan ban ngành có liên quan để tiếp tục thanh, kiểm tra và đánh giá xếp loại các cơ sở trước khi xét cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Theo điều 8 của Thông tư 14, các cơ sở, doanh nghiệp chỉ được cấp giấy chứng nhận nếu được phân loại A (tốt), B (đạt). Cụ thể, loại A (tốt): áp dụng đối với cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, không có lỗi nặng và lỗi nghiêm trọng; loại B (đạt): áp dụng đối với các cơ sở đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có ít lỗi nặng và không có lỗi nghiệm trọng;

Còn loại C (không đạt): áp dụng đối với các cơ sở chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, còn nhiều lỗi nặng và lỗi nghiêm trọng, nếu không khắc phục, sửa chữa trong thời gian do cơ quan kiểm tra quy định mà vẫn tiếp tục sản xuất sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, gây mất an toàn thực phẩm.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới