Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ dán tem truy xuất nguồn gốc để chống đường nhập lậu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ dán tem truy xuất nguồn gốc để chống đường nhập lậu

Nam Bình

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp ngành mía đường dự kiến sẽ chi khoảng 1,2 tỉ đồng để thu thập dữ liệu và thiết kế tem truy xuất nguồn gốc, dán lên sản phẩm nhằm chống hàng nhập lậu và đường có nguồn gốc gian lận thương mại.

Sau khi tổ chức lấy ý kiến các thành viên Ban chấp hành, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa thông qua kế hoạch triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc, chống gian lận thương mại với các sản phẩm đường nhập lậu.

Dán tem để chống đường lậu

Theo kế hoạch này, quy mô hệ thống tham gia truy xuất nguồn gốc, chống hàng lậu, hàng giả… sẽ gồm 30 nhà máy đường với bình quân mỗi nhà máy khoảng 20 sản phẩm, 100 đơn vị phân phối sản phẩm đường thuộc hệ thống thương mại cấp 1 và 500 đơn vị phân phối sản phẩm đường thuộc hệ thống thương mại cấp 2. Ngoài ra, sẽ có khoảng 1.000 đơn vị sang chiết, đóng gói sản phẩm cùng tham gia.

Trong khi đó, yêu cầu đối với hệ thống Quản lý truy xuất nguồn gốc chống gian lận thương mại đường nhập lậu do VSSA đặt ra phải là một hệ thống chung, thống nhất, quy mô quốc gia để có thể quản lý, đánh giá và nhận diện được các loại đường sản xuất và đóng gói trong nước cũng như đường nhập khẩu và xuất khẩu.

Sẽ dán tem truy xuất nguồn gốc để chống đường nhập lậu
Sau ngành phân bón, ngành mía đường cũng sẽ dùng tem truy xuất nguồn gốc như một cách để chống hàng giả, gian lận thương mại. Ảnh: Nam Bình.

Từ đó, có cơ sở nhận diện được các mặt hàng đường nhập lậu và gian lận thương mại lưu hành trên thị trường. Hệ thống cũng phải bảo đảm có sự tương thích và kết nối được với hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia trong tương lai.

Cũng theo kế hoạch này, VSSA sẽ tổ chức chào giá cạnh tranh để lựa chọn đơn vị có năng lực cung ứng và thiết lập hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc, chống gian lận thương mại đường nhập lậu đạt các yêu cầu đăt ra. Sau khi lựa chọn được đơn vị in ấn tem chống giả theo các yêu cầu của hệ thống nêu trên, doanh nghiệp sẽ tự làm việc với bên in ấn để đặt hàng số lượng, chủng loại tem chống giả theo nhu cầu của mình.

Chi phí dự toán cho các hoạt động thiết lập hệ thống, quản lý, vận hành dữ liệu, thực hiện hệ thống kiểm tra bằng app trên điện thoại thông minh (smartphone) này khoảng 1,2 tỉ đồng.

Theo ông Cao Anh Đương, Quyền Chủ tịch VSSA, quy cách thiết kế tem chống hàng nhập lậu cho sản phẩm đường sẽ là tem truy xuất hai lớp có xác thực QR. Tem được in với chất liệu giấy decal vỡ, cán bóng chống thấm nước, tem được in với ba thông số biến đổi là hai mã QR và số seri, phủ cào 1/2 QR, kích thước 2cm x 3,5cm.

Các doanh nghiệp hội viên VSSA, kể cả doanh nghiệp đã có hệ thống truy xuất nguồn gốc riêng và đang tự in tem, cùng cung cấp thông tin để thiết lập hệ thống dữ liệu chung, thống nhất quản lý theo một hệ thống của VSSA. Các thông tin của doanh nghiệp cũng sẽ được hệ thống bảo mật.

Đường lậu đang dần yếu thế

Trong nhiều năm qua, đường nhập lậu là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp ngành đường “đau đầu”, nhiều nhà máy rơi vào khó khăn, phải đóng cửa vì không cạnh tranh lại với các sản phẩm đường nhập lậu giá rẻ.

Cụ thể, giai đoạn 1999 – 2008, lượng đường nhập lậu khoảng 100.000 tấn/năm. Đến giai đoạn 2009-2015, lượng đường nhập lậu tăng gấp 3 lần trước đó, với khoảng 350.000 tấn/năm. Từ niên vụ 2015-2016, đường nhập lậu và gian lận thương mại với khối lượng ước tính khoảng 800.000 tấn/năm. Phần lớn đường nhập lậu có nguồn gốc từ Thái Lan.

Một lô hàng đường nhập lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ. Ảnh: Nam Bình

Sau nhiều nỗ lực chống gian lận thương mại và hàng nhập lậu, cùng với việc siết chặt các tuyến đường biên giới để phòng chống dịch Covid-19, hiện nay, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam đã giảm mạnh.

Theo đánh giá của VSSA, các sản phẩm đường có nguồn gốc nhập khẩu như nhập khẩu chính ngạch hoặc nhập lậu qua biên giới không còn làm chủ thị trường nhưng vẫn tồn kho một lượng khá lớn nhập khẩu từ những tháng trước.

Đường nhập lậu giảm giúp đường trong nước không còn chịu áp lực giảm giá để cạnh tranh. Nhiều nhà máy đường những ngày qua đã tăng giá thu mua mía để khuyến khích nông dân.

Sẽ không thiếu hụt đường trong những tháng tới

Thời điểm hiện tại, vụ mía 2020-2021 của ngành đường Việt Nam đã bắt đầu, cùng với lượng đường nhập khẩu kỷ lục trong qúi 4-2020 khiến nguồn cung mặt hàng đường trong nước vẫn đang dồi dào. Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự báo, sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 1-2021 và các tháng tới tại thị trường trong nước.

Riêng giá đường trong nước, VSSA cho rằng, sẽ thiết lập mặt bằng mới phụ thuộc vào diễn biến vụ việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường xuất xứ từ Thái Lan của Bộ Công Thương. Ngoài ra, khả năng kiểm soát đường nhập lậu và gian lận thương mại đối với các sản phẩm đường nhập lậu cũng sẽ ảnh hưởng lên giá đường nội địa.

Mời xem thêm:

Doanh nghiệp đường được đề nghị tăng giá thu mua mía

Khó khăn chồng chất, hàng loạt nhà máy đường phải đóng cửa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới