Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ dành 30.000 tỉ đồng vốn ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ dành 30.000 tỉ đồng vốn ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ

Văn Nam

Sẽ dành 30.000 tỉ đồng vốn ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ
Sản xuất linh kiện điện tử tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Doanh nghiệp, cá nhân sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghiệp hỗ trợ dự kiến sẽ được vay vốn ưu đãi từ quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ. Tổng nguồn vốn của quỹ này là 30.000 tỉ đồng, trong đó “vốn mồi” từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn đầu là 2.000 tỉ đồng.

Khác với năm lần dự thảo trước, phần bổ sung nguồn vốn 30.000 tỉ đồng cho quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ là điểm mới được nêu tại dự thảo lần 6 nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online có được hôm nay, 3-9.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ phó Vụ Công nghiệp năng thuộc Bộ Công Thương, dự thảo nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ dự kiến sẽ được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành vào tháng 12-2014.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay về nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ nói trên, ông Hoài cho biết dự kiến nguồn vốn này sẽ được huy động từ nhiều nguồn như vốn vay ODA, các quỹ đầu tư, vốn nhà nước; trong đó sẽ có 2.000 tỉ đồng “vốn mồi” ban đầu là ngân sách nhà nước hỗ trợ trong ba năm đầu thành lập quỹ.

Hoạt động chính của quỹ là tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động tín dụng, hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Hiện nay trên cả nước có gần 1.400 doanh nghiệp nội địa sản xuất linh kiện, phụ tùng liên quan đến công nghiệp hỗ trợ như linh kiện điện, điện tử, kim loại, nhựa, cao su.

Theo Bộ Công Thương, lâu nay việc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thời gian thu hồi vốn dài, có độ rủi ro cao khiến các nhà đầu tư e ngại khi đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hiện năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn còn rất kém một phần cũng vì không có đủ tiềm lực tài chính.

Sự yếu kém trong năng lực cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng buộc các doanh nghiệp sản xuất chính phải tìm kiếm nguồn cung cấp từ bên ngoài và đây chính là nguyên nhân gây nhập siêu trong sản xuất công nghiệp nhiều năm qua.

Đơn cử như năm 2013, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là sản phẩm điện tử, linh kiện, kim loại, dệt may và da giày của Việt Nam là 53,1 tỉ đô la Mỹ, sang năm 2014 con số này dự kiến lên đến 67,6 tỉ đô la Mỹ.

Theo ý kiến một số doanh nghiệp, việc thành lập quỹ hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ là một chuyện, nhưng sử dụng nguồn quỹ này ra sao, rót vốn trực tiếp cho nhóm ngành nào, gián tiếp cho nhóm ngành nào để vừa tránh việc bị kiện chống trợ cấp, vừa giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vượt qua giai đoạn khó khăn, yếu kém đòi hỏi các nhà làm chính sách phải cân nhắc, tính toán các bước đi phù hợp.

Một số doanh nghiệp cho rằng điều họ cần là những chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ hơn cần tiền, đó là chưa kể nếu quản lý quỹ không khéo sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, cơ chế xin – cho.

Xem thêm:

>> 2.000 tỉ đồng lập quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ

>> Chỉ lập quỹ cho công nghiệp hỗ trợ là chưa đủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới