Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ đóng cửa rừng tự nhiên trong năm 2014

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ đóng cửa rừng tự nhiên trong năm 2014

Văn Nam

Sẽ đóng cửa rừng tự nhiên trong năm 2014
Trong năm 2014 sẽ đóng cửa rừng tự nhiên để rừng phục hồi – Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Trong năm 2014 sẽ thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, không cho khai thác nữa để diện tích rừng phục hồi, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

>> Diện tích rừng tăng nhưng chất lượng suy giảm

Phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết hiện nay cả nước có tổng cộng 10,5 triệu héc ta rừng tự nhiên. Trong đó có 2 triệu héc ta rừng đặc dụng, 4 triệu héc ta rừng phòng hộ (đây là diện tích cấm khai thác), còn lại 4,5 triệu héc ta rừng tự nhiên nhưng cho khai thác có kế hoạch. Tuy vậy, trong năm 2014 sẽ kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không cho khai thác nữa để rừng phục hồi.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan tập trung chuyển 65 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ rừng tự nhiên sang mô hình các đơn vị công ích sự nghiệp có thu, sắp xếp và bố trí công việc cho khoảng 3.000 lao động đang làm việc tài 65 công ty này.

“Việc bố trí lại 65 công ty lâm nghiệp này chỉ làm giảm thu 220 tỉ đồng, đây là số tiền không lớn và chỉ sắp xếp khoảng 3.000 lao động thì chúng ta đều có thể làm được. Như Vinashin trước đây có hơn 10.000 lao động dôi dư mà chúng ta còn sắp xếp được”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích rừng nguyên sinh hiện suy giảm trầm trọng, chỉ còn rất ít, chủ yếu còn ở những khu rừng phòng hộ, khu bảo tồn, phần lớn rừng tự nhiên hiện nay chỉ còn lại là rừng nghèo. Diện tích rừng ngập mặn cũng đã giảm hơn một nửa trong các thập kỷ trước và vẫn tiếp tục suy giảm trong những năm gần đây. Đây là một thực trạng đáng báo động trong bối cảnh biến đổi khí hậu với những tác động gia tăng và khó lường.

Còn theo Bộ Công an thì có đến 43% vụ phá rừng liên quan đến việc chuyển đổi rừng nghèo, xây dựng thủy điện, thủy lợi, giao thông, khai thác khoáng sản, xây dựng các công trình văn hóa, tâm linh và đáng lo ngại là việc khai thác gỗ trái phép chủ yếu tập trung vào các loại lâm sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao ở các rừng nguyên sinh, rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn.

Chỉ tính trong 15 năm trở lại đây, các loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn… tại Việt Nam đã làm chết và mất tích hơn 10.700 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP mỗi năm.

Đề án ứng phó biến đổi khí hậu của Bô Tài nguyên và Môi trường cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ nâng độ che phủ rừng lên 45% (hiện nay đạt khoảng 39,7%), ổn định diện tích rừng đặc dụng trên 2 triệu héc ta, phục hồi 0,62 triệu héc ta rừng tự nhiên, trồng thêm 250.000 héc ta và tái sinh tự nhiên 750.000 héc ta rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, cải tạo 350.000 héc ta rừng tự nhiên nghèo.

Đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% trong 2014

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngay từ đầu năm 2014 tất cả các bộ ngành, địa phương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Mục tiêu chính là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 5,8% trong năm 2014 và đạt 6% trong năm 2015.

Theo Thủ tướng thì trong năm 2013 vẫn còn một số chỉ tiêu về kinh tế không đạt kế hoạch đề ra như GDP chỉ đạt 5,42% (kế hoạch tăng 5,5%); tổng đầu tư toàn xã hội đạt 29,5% (kế hoạch 30%); giải quyết việc làm cho 1,54 triệu người (kế hoạch là 1,6 triệu người), thu ngân sách còn khó khăn, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinih tế còn chậm (đặc biệt là nông nghiệp) …

Thủ tướng cho biết trong năm 2014 Chính phủ sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu (khoảng 17.000 tỉ đồng), tăng tổng dư nợ tín dụng lên 12 -14% (năm 2013 là 10%), ổn định tỷ giá để thúc đẩy xuất khẩu tăng 10% so với năm 2013 nhằm giúp tăng cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại tệ.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ ngành, địa phương trong năm tới khắc phục đầu tư dàn trải. Trọng tâm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014 là đẩy nhanh cổ phần hóa.

Góp ý cho nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2014 tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng các chính sách tài chính, tiền tệ trong năm 2014 cần chặt chẽ, làm sao dòng tiền hỗ trợ đầu tư, sản xuất kinh doanh phải được “rải đều” trong các tháng, các quí trong năm chứ đừng để như năm 2013 chỉ dồn cho các tháng cuối năm thì sử dụng dòng tiền khó có hiệu quả.

Theo ông Thăng, ngoài phân bổ nguồn lực theo các tháng trong năm thì tập trung cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Chỉ có cổ phần hóa nhanh, thoái vốn nhanh thì mới thay đổi được. Khi thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, kể cả khi kinh tế phát triển nhanh thì các doanh nghiệp không thích ứng được mô hình tăng trưởng mới, phá sản là chuyện bình thường.

“Đây là lúc tốt nhất để chúng ta loại các doanh nghiệp không phù hợp với nền kinh tế mới. Các doanh nghiệp không đủ điều kiện, không thích ứng được thì chấp nhận hy sinh. Trong đó cần phải sớm sửa Luật Phá sản vì nếu không thì có cho chết doanh nghiệp cũng không chết được”, ông Thăng nói.

Sân bay Long Thành: Trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2014

Tại hội nghị, các bộ trưởng cũng giải đáp các kiến nghị về các dự án hạ tầng giao thông được các địa phương đề nghị sớm được triển khai.

Sau khi TPHCM và Đồng Nai kiến nghị sớm xây sân bay Long Thành để giải tỏa quá tải sân bay Tân Sơn Nhất và thúc đẩy phát triển kinh tế cho Đồng Nai, ông Đinh La Thăng cho biết, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đã lập báo cáo tiền khả thi cho dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, đang trình hội đồng thẩm định nhà nước phê duyệt, khi có kết quả sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 5-2014.

Ông Thăng cho biết khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến đến cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016 sẽ khởi công xây dựng và sẽ hoàn thành vào năm 2022 với công suất 25 triệu hành khách/năm giai đoạn 1 với một đường cất hạ cánh và nhà ga.

Trong khi đó, với kiến nghị của Lâm Đồng đề nghị đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương thì bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết hiện nay chưa kêu gọi được vốn (khoảng 54.000 tỉ đồng) cho dự án đường cao tốc này. Đây là đường cao tốc dự kiến có chiều dài 200 km với quy mô 6 – 8 làn xe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới