Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ giảm phiền toái nhờ bớt thủ tục

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ giảm phiền toái nhờ bớt thủ tục

Lê Hà

Tư vấn thuế cho doanh nghiệp tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – “Việc đơn giản hóa 258 trên tổng số 5.500 thủ tục hành chính (TTHC) hiện hành có thể nói là một bước đột phá mạnh mẽ trong khâu cải cách TTHC liên quan sát sườn đến quyền và lợi ích của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp”. Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh về Nghị quyết 25 của Chính phủ.

Giảm nhiều thủ tục thuế, hải quan

Kết thúc giai đoạn 2 thực hiện Đề án 30 về cải cách TTHC, ngày 2-6-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ- CP về việc đơn giản hóa 258 TTHC thuộc phạm vi chức năng, các bộ, ngành.

Nhìn một cách tổng thể, trong số 258 TTHC cần đơn giản hóa của 17 bộ, ngành có trên 90% thủ tục, quy định (nghị định, quyết định, thông tư) liên quan đến môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường với 22 TTHC (chủ yếu liên quan đến đăng ký đất đai, khai thác khoáng sản) và Bộ Tài chính với 61 TTHC (41 thủ tục thuộc lĩnh vực hải quan và 20 thủ tục thuộc lĩnh vực thuế).

Điểm đáng chú ý đối với lĩnh vực thuế và hải quan, hai lĩnh vực được các doanh nghiệp “kêu” là phiền toái nhất mỗi khi đụng đến, theo phương án đơn giản hóa các TTHC rà soát ưu tiên thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính, đó là: Sẽ bãi bỏ một số TTHC như cấp thẻ ưu tiên thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, cấp thẻ nhân viên đại lý hải quan. Đồng thời, rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục hải quan chuyển cửa khẩu đối với hàng hóa đưa ra kho CFS, thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào kho CFS xuống còn 8 giờ. Riêng về lĩnh vực thuế, chủ yếu liên quan đến các thủ tục in, khai, mua hóa đơn, nộp và hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, kiêm Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5, thì việc đơn giản hóa các TTHC nói trên sẽ góp phần rút ngắn thời gian, hạn chế phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tháo gỡ những vướng mắc, trở ngại mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.

Đặc biệt, thông qua việc đơn giản hóa 258 TTHC sẽ tiết giảm được ít nhất 5.700 tỉ đồng/năm.Trao đổi với TBKTSG bên lề kỳ họp thứ 7 của Quốc hội về vấn đề đơn giản hóa TTHC, đại biểu Phạm Thị Loan – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Việt-Á, cho rằng biến việc cắt giảm theo mệnh lệnh hành chính các thủ tục trên thành hành động cụ thể của mỗi bộ, ngành ra sao mới là quan trọng. Và giới doanh nghiệp đang chờ đợi những hành động cụ thể này.

Phải chờ trong bao lâu?

Theo Tổ công tác Đề án 30, để có thể đơn giản hóa số thủ tục hành chính trên, các bộ, ngành phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi 14 luật, 3 pháp lệnh, 41 nghị định, 8 quyết định của Thủ tướng và ban hành theo thẩm quyền để sửa đổi 60 thông tư, 40 quyết định của bộ trưởng các bộ quản lý ngành.

Đối với các phương án đơn giản hóa TTHC không liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh, trước ngày 31-7-2010 Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các TTHC. Bộ Tư pháp sẽ chủ trì việc tổng hợp dự án luật, pháp lệnh do các bộ, ngành gửi đến để xây dựng văn bản chung, trình Chính phủ thông qua trước ngày 31-12-2010 dưới hình thức một luật sửa nhiều luật, một pháp lệnh sửa nhiều pháp lệnh.

Đồng thời, thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ trước ngày 30-10-2010, Bộ trưởng Tư pháp sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị của Chính phủ cho phép bổ sung dự án luật, pháp lệnh theo trình tự, thủ tục rút gọn để thực hiện phương án đơn giản hóa TTHC đã được Chính phủ thông qua vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc sửa đổi, bổ sung một hệ thống văn bản luật đồ sộ như vậy khó có thể hoàn thành trong một thời gian ngắn. Chỉ việc đơn giản hóa 61 TTHC của Bộ Tài chính đã phải tiến hành sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2006 và xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cùng rất nhiều nghị định, thông tư. Sửa nghị định thì không mấy phức tạp, song sửa luật thì phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc trong trường hợp cấp thiết là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Đặt trong bối cảnh hiện nay, mỗi năm Quốc hội phải xem xét, cho ý kiến và thông qua rất nhiều dự án luật thì việc các dự án luật cần sửa đổi mà Chính phủ trình lên có lẽ sẽ khó được cho ý kiến, góp ý, thông qua hết trong năm 2011 tới.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng việc đơn giản hóa TTHC thuộc Đề án 30 chỉ là một trong số các nội dung về cải cách tổng thể nền hành chính nước nhà trong vòng 10 năm. Theo ông, “để bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả, để cộng đồng doanh nghiệp có môi trường làm ăn thông thoáng, không sách nhiễu, việc đã, đang và sẽ làm là tiếp tục cải cách thể chế, cải cách bộ máy hành chính; trong đó cải cách yếu tố con người được xác định là trung tâm”.

Danh sách một số thủ tục hành chính sẽ được loại bỏ ở một số bộ, ngành

1. Bộ Công Thương:

– Loại bỏ hoặc cụ thể hóa các trường hợp áp dụng theo điểm e, mục 2, biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi (C/O) mẫu S-BCT-111449-TT.

– Thay thế, bổ sung hoặc hủy bỏ các quy định liên quan tại Thông tư số 04/2010/TT-BCT về quy tắc xuất xứ trong bản thỏa thuận giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào; Quyết định số 02/2007QĐ- BTM ngày 8-1-2007 của Bộ Thương mại cũ về ban hành quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu AK để hưởng ưu đãi về hiệp định thương mại hàng hóa thuộc nội khối ASEAN và Hàn Quốc.

2. Bộ Kế hoạch – Đầu tư:

– Hủy bỏ thời hạn áp dụng cho việc đăng ký lại đối với tất cả các doanh nghiệp được cấp giấy phép đầu tư trước ngày 1-7-2006 (B-BKH-111097-TT).

– Bỏ yêu cầu nộp hợp đồng liên doanh và thành phần hồ sơ “giải trình đáp ứng điều kiện gia nhập thị trường”.

– Bãi bỏ yêu cầu vốn pháp định, yêu cầu về chứng chỉ hành nghề trong hồ sơ đăng ký kinh doanh.

– Bãi bỏ thủ tục đăng ký doanh đối với tổ chức tín dụng do cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện.

– Bãi bỏ thủ tục thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính và bãi bỏ yêu cầu doanh nghiệp nộp bản xác nhận vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề trong hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.

3. Bộ Tài chính

– Bãi bỏ thủ tục cấp thẻ ưu tiên thủ tục hải quan cho doanh nghiệp (TT 033596/BTC).

– Bãi bỏ thủ tục cấp thẻ nhân viên đại lý hải quan.

– Loại bỏ “vận đơn” trong thành phần hồ sơ thủ tục hải quan đối với quá cảnh (TT 123549/BTC).- Bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp phải khai báo số lượng và giá trị nguyên vật liệu nhập khẩu trong thành phần hồ sơ tại thời điểm đăng ký hợp đồng gia công (TT 1188438/BCT).

– Bỏ yêu cầu xuất trình văn bản gốc và hai yêu cầu liên quan đến sản phẩm hoàn chỉnh trong lô hàng nguyên liệu nhập khẩu phải có bảng định mức sử dụng nguyên liệu cho sản phẩm gia công quy định tại điểm 1.3b, khoản III, mục II, Thông tư số 116 ra ngày 4-12-2008 của Bộ Tài chính; công chứng hải quan kiểm tra việc đăng ký định mức của doanh nghiệp đối với các hợp đồng gia công doanh nghiệp đã đăng ký mức quy định tại mục 2 (I) QĐ 1179 ngày 17-6-2009 của Tổng cục Hải quan.

* Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng với trường hợp xuất khẩu thanh toán bằng tiền (trường hợp hoàn trước, kiểm tra sau)- B-BTC- 044765-TT.

– Thay thủ tục đăng ký mẫu hóa đơn tự in bằng thủ tục thông báo mẫu hóa đơn tự in.

– Loại bỏ chứng từ nộp thuế; các tài liệu liên quan đến chứng từ hoàn thuế; bảng kê khai các hồ sơ có chữ ký và đóng dấu của cơ sở.

– Loại bỏ mẫu đơn “đề nghị hoàn thuế/phí – Mẫu spps 01/HTBT” trong mẫu đơn, mẫu tờ khai.

– Loại bỏ các thông tin về mã chương, mã ngành kinh tế, mã nội dung kế toán mục 2.1 mẫu số 05/NĐHT quy định tại TT 128 năm 2008 của Bộ Tài chính.

* Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng với trường hợp thanh toán bằng tiền (trường hợp kiểm tra trước hoàn sau).

– Loại bỏ bảng kê các hồ sơ có chữ ký và dấu của cơ sở…

– Loại bỏ mẫu đơn “Đề nghị hoàn thuế/phí – mẫu số 01/HTBT”.

– Loại bỏ các thông tin về mã chương, mã ngành, mã nội dung kế toán (như thông tư trên).

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

– Bỏ quy định về đánh giá khả năng quản trị, điều hành, kiểm soát của hội đồng quản trị, ban điều hành và báo cáo tài chính đối với tổ chức và bảng kê khai thu nhập, tài sản đối với cá nhân sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên.

– Bỏ văn bản “Thỏa thuận về việc mua bán cổ phần giữa nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng thương mại Việt Nam”.

– Loại bỏ quy định yêu cầu lấy ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ý kiến của Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh về việc chấp thuận mở sở giao dịch/chi nhánh/văn phòng đại diện/đơn vị sự nghiệp ngân hàng trong nước.

– Bỏ thủ tục hành chính chấp thuận tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng cổ phần) được thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới