Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ giám sát việc vay nợ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ giám sát việc vay nợ

Ngọc Lan

Sẽ giám sát việc vay nợ
Ông Trần Văn.

(TBKTSG) – Trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội lần thứ hai, khóa XIII, TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, về thực tế nợ công của Việt Nam hiện nay như thế nào, làm gì để quản lý nợ công hiệu quả?

TBKTSG: Thưa ông, Luật Quản lý nợ công hiện hành đã có những quy định về việc Chính phủ phải báo cáo và được Quốc hội thông qua các chỉ tiêu huy động, sử dụng và quản lý nợ công. Nhưng trong các báo cáo về kinh tế – xã hội hàng năm và năm năm, phần này được đề cập rất ít. Vậy thực tế Quốc hội quản lý nợ công theo cách nào?

– Ông Trần Văn: Hàng năm, Chính phủ đều báo cáo với Quốc hội các số liệu về nợ chính phủ, nợ công và tình hình vay, trả nợ trong năm tài khóa. Quốc hội thực hiện quản lý nợ công theo luật định. Trong các nghị quyết về kinh tế – xã hội hàng năm, Quốc hội luôn yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt chú trọng các biện pháp kiểm soát nợ công và cơ cấu nợ công nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Nghị quyết của Quốc hội từ năm 2010 đã yêu cầu Chính phủ xây dựng chiến lược quản lý nợ công tới năm 2020, tầm nhìn 2030, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể tham gia, cải thiện tình hình NSNN, đảm bảo thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia ở mức độ an toàn.

TBKTSG: Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội có những thông tin về tình hình vay nợ và bảo lãnh vay nợ của Chính phủ cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói riêng hay không?

– Chính phủ có báo cáo về dư nợ chính phủ, dư nợ công, dư nợ quốc gia hàng năm với Quốc hội. Ví dụ, dư nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp, trong đó có DNNN, dự kiến sẽ vào khoảng 400.000 tỉ đồng tính đến cuối năm 2011. Mới đây, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ báo cáo cụ thể hơn nữa về tình hình vay nợ và bảo lãnh vay nợ của Chính phủ cho doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng. Tiếp đó, ủy ban có thể giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về nội dung này từ Chính phủ và doanh nghiệp có liên quan. Một số trường hợp cụ thể như các nhà máy xi măng gặp khó khăn không trả được nợ mà báo chí gần đây đã đề cập sẽ được ủy ban giám sát chặt.

TBKTSG: Hiệu quả đầu tư của khu vực DNNN thường không cao, vì vậy theo ông, nên hạn chế việc Chính phủ bảo lãnh vay nợ cho DNNN như thế nào?

– Nguồn vốn đầu tư của DNNN là một bộ phận quan trọng của đầu tư công. Do đó, việc Chính phủ bảo lãnh vay nợ cho DNNN cũng phải gắn trong yêu cầu tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công.

Với DNNN, vấn đề hiệu quả của dự án phải được đặt lên hàng đầu, gắn với trách nhiệm đầu tư và trách nhiệm trả nợ của doanh nghiệp. Cần nhắc lại là Luật Quản lý nợ công đã quy định: “Người vay chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với khoản vay”, tránh hiện tượng phải dùng vốn nhà nước (từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài thuộc Bộ Tài chính) để trả nợ thay cho DNNN như trước đây, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ hay chủ quan, duy ý chí, “lợi ích nhóm” chi phối.

TBKTSG: Một vấn đề khác ít được nhắc đến trong quản lý nợ công là quản lý việc vay nợ của chính quyền địa phương. Quốc hội kiểm soát hiệu quả vay nợ của chính quyền địa phương ra sao?

Trong điều kiện nợ công tăng cao, việc đi vay ngày một khó khăn, để đảm bảo an ninh tài chính, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Quốc hội cần ban hành nghị quyết quy định hạn mức phát hành (trần chi đầu tư) trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2012 là 225.000 tỉ đồng.

Trước đó Chính phủ ước tính con số này cho năm năm (tính cả trượt giá) là 500.000 tỉ đồng. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị giảm dần tỷ trọng đầu tư công từ NSNN trên tổng đầu tư toàn xã hội từ 27% xuống 22% trong vòng năm năm tới.

(Trích báo cáo số 118 của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tại cuộc họp Thường vụ Quốc hội ngày 30-9-2011)

Theo Luật NSNN, về nguyên tắc ngân sách địa phương cân đối tổng số chi không vượt quá tổng số thu, trong trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình kết cầu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh đảm bảo thì được phép huy động vốn trong nước và phải cân đối ngân sách cấp tỉnh hàng năm để chủ động trả hết nợ khi đến hạn. Mức dư nợ từ nguồn vốn huy động không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh.

Nhìn chung, tình hình vay nợ của chính quyền địa phương hiện nay là thấp, ở mức an toàn, được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo trả nợ được cả nợ gốc và lãi.

TBKTSG: Để nâng cao hiệu quả quản lý nợ, cần đặt ra những tiêu chí nào cho Chính phủ trong việc kiểm soát mức tăng trưởng nợ công hợp lý?

– Luật Quản lý nợ công đã quy định Quốc hội có nhiệm vụ quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ công trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm năm: quy định trần nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP, trả nợ của Chính phủ so với tổng thu NSNN, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu…

Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế, đối với các nước có thu nhập thấp, hiệu quả quản lý nợ công được thể hiện qua một số chỉ tiêu như: khả năng trả nợ của quốc gia từ nguồn thu xuất khẩu đo bằng tỷ lệ nợ nước ngoài so với tổng kim ngạch xuất khẩu (ở nước ta luôn dưới mức 60%, so với ngưỡng an toàn là 150%); khả năng trả nợ của quốc gia từ nguồn thu NSNN tính bằng tỷ lệ nợ nước ngoài so với tổng thu NSNN (của ta luôn dưới 150% so với ngưỡng an toàn là 250%).

Với nợ trong nước, hai chỉ số thường được dùng là tỷ lệ nợ trong nước so với GDP và nợ trong nước so với tổng thu NSNN. Cả hai chỉ số này của Việt Nam cũng đều ở mức an toàn và nợ trong nước của ta được đánh giá là ổn định.Do đó, nợ công của Việt Nam vẫn đáp ứng được yêu cầu về ngưỡng an toàn theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới