Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ mạnh tay với ngân hàng găm giữ ngoại tệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ mạnh tay với ngân hàng găm giữ ngoại tệ

Thủy Triều

Theo Phó thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn, một số ngân hàng đang găm giữ ngoại tệ. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Trong buổi làm việc với các ngân hàng phía Nam sáng 28-2, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Trần Minh Tuấn cho biết sắp tới sẽ kiểm tra chặt chẽ và xử lý nghiêm những ngân hàng vi phạm các chính sách của NHNN, trong đó có việc đầu cơ ngoại tệ.

Ông Tuấn nói mặc dù các ngân hàng kêu rằng NHNN phải bán đô la để can thiệp, bình ổn thị trường nhưng chính các ngân hàng lại đang găm giữ đô la, không chịu bán lại cho NHNN. “Trước khi điều chỉnh tỷ giá, trạng thái ngoại tệ của toàn hệ thống là dương 1,58%, sau khi điều chỉnh là âm 1,16%, nhưng thực tế có một số ngân hàng trạng thái dương rất lớn”, ông Tuấn nói.

Hiện tại, một ngân hàng thương mại được mua và nắm giữ 30% vốn tự có bằng ngọai tệ, tức trạng thái dương cho phép cao nhất là 30%. Tuy nhiên, quyết định trên đã được ban hành từ năm 2002 khi vốn tự có của các ngân hàng còn nhỏ.

Ông Tuấn nói ngân hàng có vốn 1.000 tỉ đồng thì có thể nắm giữ khoảng 15-20 triệu đô la, còn ngân hàng nào có vốn tự có 10.000 tỉ đồng thì có thể giữ đến 300-400 triệu đô la Mỹ. “10 ngân hàng như vậy thì đã có thể giữ đến 2-3 tỉ đô la rồi”, ông Tuấn nói.

Ông cũng có đề cập rằng hiện đã xuất hiện hiện tượng các ngân hàng có dư ngoại tệ đi gửi tiền ở các ngân hàng khác đề hưởng lãi suất cao. “Đó là hành vi găm giữ đô la và NHNN sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất để phát hiện những trường hợp này”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động đô la Mỹ hiện đang ở mức cao đến 5% như hiện nay, theo ông Tuấn là do nhu cầu vay đô la cao sau khi NHNN mở rộng đối tượng được phép vay đô la vào cuối năm 2009. Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu không có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ cũng được vay đô la Mỹ, đẩy lãi suất đô la Mỹ lên cao.

Ông Tuấn cho rằng thời gian tới NHNN sẽ xem xét để thu gọn đối tượng được vay đô la, cũng như xem xét để trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng nhỏ đi. Đồng thời để giúp các ngân hàng giảm rủi ro ngoại hối, NHNN sẽ nghiên cứu cho phép các ngân hàng thực hiện các nghiệp vụ phái sinh ngoại hối như mua bán có kỳ hạn đô la Mỹ với kỳ hạn có thể hơn 3 tháng.

Về vấn đề lãi suất, ông Tuấn đồng tình với việc để kiềm chế lạm phát thì phải tăng lãi suất. Nhưng việc tăng lãi suất phải hợp lý trong khi lãi suất của Việt Nam đang rất không bình thường, với mức huy động là 15-16% và cho vay thì có ngân hàng cho vay lên tới 24%/năm. “Doanh nghiệp nào mà sống nổi với lãi suất này”, ông Tuấn nói.

Trễ nhất là thứ Ba (1-3), NHNN sẽ ban hành chỉ thị trong đó có 7 biện pháp nhằm thực hiện nghị quyết của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô. Theo bài viết được đăng trên website của NHNN do Phó thống đốc Nguyễn Văn Bình viết thì một trong các biện pháp là sẽ kiềm chế tín dụng tăng dưới 20% nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh hiệu quả, tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để thực hiện mục tiêu trên, NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh về tăng trưởng tín dụng và tài sản có, đăng ký tăng trưởng tín dụng với NHNN trên cơ sở đảm bảo đúng các quy định về tỷ lệ an toàn và tăng trưởng tín dụng dưới 20% của NHNN.

NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng giảm đến mức tối đa tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán bằng cách điều chỉnh linh hoạt các tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro và các tỷ lệ an toàn khác nhằm hướng các luồng vốn tín dụng phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh quan trọng và thiết yếu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN sẽ ban hành cơ chế để kiểm soát việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu của doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn lĩnh vực kinh doanh này, tránh tình trạng tổ chức tín dụng lợi dụng chuyển từ cho vay sang mua trái phiếu doanh nghiệp.

Trong buổi họp, các ngân hàng mong muốn NHNN có chính sách ổn định, lâu dài để ngân hàng có thể hoạch định chính lược lâu dài của mình. Đồng thời theo các ngân hàng, các chính sách về lãi suất và tỷ giá cần phù hợp với tình hình thực tế của thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới