Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ miễn thuế nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ miễn thuế nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu

T.Thu

Sẽ miễn thuế nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu
Ông Vũ Ngọc Anh (đứng), Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, đang phát biểu tại hội thảo hôm 7-8 tại TPHCM. Ảnh: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sẽ được miễn thuế nhập khẩu, theo dự thảo Luật Thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội vào tháng 10-2015.

Tại hội thảo lấy ý kiến do Tổng cục Hải quan cộng tác với dự án GIG của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hôm nay, 7-8, tại TPHCM, đại diện của một số hiệp hội ngành hàng tại Việt Nam đều cho rằng việc miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khẩu là một thay đổi có tính đột phá.

Theo quy định hiện nay, hàng hóa nhập khẩu để gia công cho phía nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu, nhưng doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu về để sản xuất hàng xuất khẩu thì thường phải nộp thuế nhập khẩu ngay, và sau khi xuất hàng thì sẽ làm hồ sơ xin hoàn thuế.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khi nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất xuất khẩu, một số doanh nghiệp được hưởng ân hạn thuế 275 ngày. Trong trường hợp này, trong vòng 275 ngày nếu doanh nghiệp xuất hết lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu về để sản xuất hàng xuất khẩu thì doanh nghiệp làm bộ hồ sơ xin không thu thuế. Nếu không xuất hết phần nguyên phụ liệu đã nhập sau 275 ngày, thì doanh nghiệp phải tạm nộp thuế cho nhà nước; và đến khi xuất tiếp phần nguyên liệu này, doanh nghiệp phải làm hồ sơ xin hoàn thuế.

Đối với doanh nghiệp không được hưởng ân hạn thuế 275 ngày, doanh nghiệp phải nộp tiền thuế nhập khẩu ngay hoặc phải có ngân hàng bảo lãnh cho số tiền (nợ) thuế này. Đến khi nguyên phụ liệu này được dùng để sản xuất hàng hóa và xuất đi, doanh nghiệp phải làm bộ hồ sơ xin không thu thuế (đối với trường hợp có ngân hàng bảo lãnh) hoặc phải làm bộ hồ sơ xin hoàn thuế (đối với trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế).

Do đó, ông Hòe cho rằng việc miễn thuế nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu như trong dự luật sẽ giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng thủ tục, cũng như bớt chi phí, thời gian và công sức. Tuy nhiên, ông Hòe cho rằng, luật sửa đổi nên quy định việc miễn thuế này phải được áp dụng từ khâu thông quan, để doanh nghiệp không phải làm các thủ tục hoàn thuế nhập khẩu sau khi xuất khẩu.

Cũng tại hội thảo, theo bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc miễn thuế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nói chung trong đó có doanh nghiệp dệt may nói riêng tìm các biện pháp để tăng đơn hàng FOB (mua nguyên liệu và bán thành phẩm – PV) thay vì phần lớn là gia công đơn thuần như hiện nay.

Ngoài ra, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu bằng cách miễn thuế vật tư nhập vào để sản xuất hàng xuất khẩu, cũng nên có chính sách tốt để khuyến khích doanh nghiệp mua nguyên liệu trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu. Chẳng hạn như nên giãn thời gian nộp thuế, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mới đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng nhiều nguyên liệu sản xuất trong nước.

Ông Kiệt cho biết, hiện nay, khi mua nguyên liệu trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT), sau khi xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp mới được hoàn thuế này, mà việc hoàn thuế thì mất nhiều thời gian.

Cũng liên quan đến thuế nhập khẩu, theo ông Hòe, cần bổ sung vào luật sửa đổi quy định cho phép hàng xuất khẩu bị trả về thuộc đối tượng được miễn thuế. Trên thực tế, hiện Chính phủ có quy định hải quan không thu thuế nhập khẩu đối với hàng tái nhập, nhưng lại yêu cầu doanh nghiệp phải nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế tại thời điểm tái nhập. Sau khi nộp đủ bộ hồ sơ này, trên thực tế, doanh nghiệp phải chờ hải quan xử lý trong nhiều ngày, và trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp cũng phải nộp thuế trước để thông quan.

Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, hàng hoá xuất khẩu bị trả về là việc không mong muốn, nhưng trong thời gian tới việc này có thể sẽ diễn ra thường xuyên, bởi vì, khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại mới, thuế suất sẽ về 0%, và khi đó sẽ có nhiều hàng rào phi thuế quan được nước nhập khẩu dựng lên, làm gia tăng số lô hàng bị trả về. Do đó, ông Giang cho rằng, ban soạn thảo luật sửa đổi này nên tính toán đến việc xây dựng chính sách chặt chẽ đồng thời chuẩn bị kỹ càng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong những trường hợp hàng hóa bị trả về.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới