Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ phải “giải cứu” nông sản nếu cứ chậm tái cơ cấu nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ phải “giải cứu” nông sản nếu cứ chậm tái cơ cấu nông nghiệp

Nhóm PV

(TBKTSG Online) – Rau củ ở các tỉnh phía Bắc rớt giá phải đổ bỏ vào những ngày cuối tháng 3, sinh viên giúp nông dân Nghệ An bán dưa chuột hồi tháng 4, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam gửi thư đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, kêu gọi mua dưa hấu ứ đọng ủng hộ nông dân đầu tháng 5… Những câu chuyện “giải cứu” nông sản được nhắc đến như một điệp khúc “đến hẹn, lại lên”.

Sẽ phải
Mông dân ở Quảng Nam đang thu hoạch dưa hấu. Ảnh: Hà Linh

Yếu ở khâu chế biến và tổ chức thị trường là hai vấn đề nan giải của nông sản Việt hiện nay. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã tổ chức bàn tròn với sự tham gia những người có nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp như Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp và thạc sĩ Lê Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam, ghi nhận những góc nhìn, pháp mang tính căn cơ cho vấn đề này.

Ông/bà nghĩ gì khi đọc những thông tin các địa phương kêu gọi giải cứu nông sản mà mới nhất là câu chuyện dưa hấu ở Quảng Nam?

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh: Đây là điệp khúc buồn của nông sản Việt Nam. Nó lặp đi lặp lại với nhiều nông sản rồi. Giải cứu chỉ là giải pháp tạm thời. Nông dân không thể không trồng hoặc chăn nuôi, có đất thì phải canh tác, nếu không có ai hướng dẫn thì việc họ sản xuất theo mô hình copy là đương nhiên.

Ông Nguyễn Đăng Nghĩa: Không thể duy trì hoặc khuyến khích cho việc “giải cứu" nông sản. Sản xuất nông nghiệp bền vững không thể dựa trên các “giải pháp tình thế” hoặc những hô hào manh tính “nhân đạo" hay "nhân văn”.

Ông Nguyễn Đăng Nghĩa (bên trái) trong một lần làm việc với nông dân. Ảnh: FB nhân vật.

Ở góc nhìn cá nhân, tôi rất cảm động trước hành động của các cơ quan truyền thông và các tổ chức đã tham gia và cổ súy cho việc  “giải cứu" nông sản, nhưng khi nói đến giải pháp lâu dài, theo tôi nên sớm bãi bỏ những biện pháp tưởng chừng như “nhân đạo” này, nếu không chúng ta sẽ vô tình tạo cho nông dân tính ỷ lại.

Nói tóm lại, cần nhìn thẳng vào việc nông dân sản xuất tự phát và tư duy chủ quan theo các kênh thông tin truyền miệng (có cả những chiến lược kinh doanh của các thương lái còn thiếu đạo đức kinh doanh và mưu đồ lợi ích nhóm?). Nếu sản xuất dựa trên những kế hoạch, những hợp đồng có đầu ra chắc chắn thì đâu còn phải giải cứu. Trong việc này cũng có thiếu sót của các nhà quản lý và cơ quan nông nghiệp, chính quyền địa phương nữa. Nếu như họ có trách nhiệm với nông dân thì sẽ tránh được hiện tượng trên.

Ông Lê Thanh Tùng: Trước hết chúng tôi cho rằng các địa phương nói riêng và xã hội nói chung quan tâm đến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản là việc rất đáng trân trọng và hoan nghênh, dù nhìn ở góc độ nào thì cũng mang nhiều ý nghĩa tích cực, cần thiết.

Bản thân tôi chỉ bổ sung thêm ngoài sự tích cực kêu gọi và thực hiện hỗ trợ tiêu thụ một phần nông sản đó thì cần đánh giá đầy đủ các nguyên nhân dẫn đến sự cố này, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan và đôi khi chúng ta cũng phải chấp nhận một sự thật là không thể “giải cứu” hết toàn bộ nông sản mà chúng ta chưa tiêu thụ được.

Câu chuyện dưa hấu gần đây trước hết cần được xem dưới góc độ thống kê dữ liệu. Cả nước hàng năm có khoảng 50.000 ha trồng dưa với sản lượng khoảng 1,12 triệu tấn; riêng các tỉnh miền Nam trồng khoảng 40.000  ha với sản lượng khoảng 870.000 tấn; duyên hải Nam Trung bộ (có 8 tỉnh) khoảng 9.300 ha trồng dưa với sản lượng khoảng 216.000 tấn, trong đó, Quảng Nam trồng khoảng 1.400 ha và sản lượng khoảng 35.000 tấn.

Như vậy, sự tồn đọng từ vài ngàn đến vài chục ngàn tấn chưa kịp tiêu thụ hoặc có thể không tiêu thụ được hết có thể xảy ra ờ bất cứ tỉnh, thành nào có trồng dưa hấu. Sự chia sẻ của xã hội đối với tiêu thụ nông sản là rất đáng trân trọng.

Thứ hai, việc tiêu thụ dưa hấu hay các nông sản khác chưa có được các nghiên cứu kỹ về dung lượng của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng theo từng phân khúc, nên chưa tạo được sức kéo mạnh mẽ của thị trường đối với việc tiêu thụ sản phẩm này.

Có một điều dễ nhận thấy là sau khi thông tin nông sản bán không được, báo chí vào cuộc đưa tin thì một thời gian sau đó nông dân lại bán được hàng, không còn ế nữa. Vậy, chứng tỏ thị trường có nhu cầu nhưng nông dân-nhà sản xuất lại rơi vào cảnh tồn ứ, không bán được. Theo ông/bà, cần khơi thông điểm nghẽn ở đâu?

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh: Kết nối kém và thông tin không thông suốt giữa cung và cầu. Có nguồn cung nhưng cầu không biết hoặc bị gián đoạn hoặc thiếu niềm tin… Nhà sản xuất là nông dân thường bị lệ thuộc vào thương lái. Về phía mình, thương lái kết nối chưa tốt và không có đủ thông tin. Sản xuất và thị trường tự phát, không có tổ chức nên không thể kiểm soát.

Ông Lê Thanh Tùng (bên phải) trong một lần đi tìm hiểu lý do vì sao nông dân chặt tiêu bán cho thương lái. Ảnh: FB nhân vật.

Ông Lê Thanh Tùng: Theo chúng tôi đó là thông tin cung cầu nông sản, đây là một công việc rất khó có thể thực hiện trọn vẹn như mong muốn, ngoài việc dự báo gần với thực tế thì thông tin này cần được phổ biến một cách đầy đủ, trung thực, minh bạch và kịp thời đối với các thành phần tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản là quan trọng. Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam chưa triển khai được tốt vấn đề này.

Ông Nguyễn Đăng Nghĩa: Vấn đề cung và cầu luôn phải được cân nhắc trước khi gieo trồng một loại nông sản nào. Nhưng những người nông dân sản xuất nhỏ lẻ, tự phát thì giống như "ếch ngồi đáy giếng” làm sao biết được nhu cầu thực sự. Vấn đề chính của chúng ta là thiếu hẳn một sự liên kết. Không chỉ có liên kết dọc mà cần có cả sự liên kết ngang nữa.

Theo tôi, ngành nông nghiệp  thiếu một điều rất quan trọng, đó là thiếu “khoa học tổ chức”. Ngay từ bây giờ cần phải có các mô hình như Tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản,  Tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng.

Lâu nay, ngành nông nghiệp đã làm tốt công việc hỗ trợ nông dân tăng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, trên thực tế, nông dân giỏi kỹ thuật nhưng lại không giỏi về khoản làm kinh tế. Chúng ta nên làm gì để giải quyết chuyện này?

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh: Nếu tôi không nhầm thì thị trường Trung Quốc chiếm phần lớn lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Phần lớn nông sản Việt Nam xuất khẩu dạng thô (đóng gói lớn dạng nguyên liệu hoặc bán thành phẩm), có thể kế đến gạo, trái cây, nước ép trái cây, hạt điều, tiêu, café, hải sản….

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lâu nay có tổ chức khuyến nông nhưng không có khuyến thương. Các hỗ trợ của nhà nước chỉ tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật canh tác, hỗ trợ đạt chuẩn về kỹ thuật (GAP), không giúp nhà nông kiến thức về thị trường, bán hàng về cân đối cung cầu….

Mặt khác, lại buông lỏng việc quản lý lực lượng thương lái, đang chi phối thị trường nông sản. Các chợ đầu mối không được kiểm soát.

Để giải quyết vấn đề rất cần tổ chức lại sản xuất- tiêu thụ theo những mô hình phù hợp với kinh tế thị trường. Tổ chức liên kết mới có thể đủ lực để nắm chính xác sản lượng của loại sản phẩm, phục vụ cho phát triển thị trường, truyền thông, tiếp thị cũng như chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất khi cần thiết.

Ông Lê Thanh Tùng: Không chỉ nông dân không giỏi làm kinh tế mà một vài tổ chức đại diện nông dân như hợp tác xã, tổ hợp tác cũng chưa biết làm kinh doanh chứ chưa nói đến đến việc giỏi kinh doanh. Bộ nông nghiệp cũng đã hỗ trợ rất nhiều chương trình để phát triển các tổ chức nông dân này ngày càng lớn mạnh không chỉ sản xuất mà cả tiêu thụ sản phẩm mình làm ra.

Trước hết, làm thế nào lượng thông tin sản xuất và tiêu thụ nông sản đến được với từng hợp tác xã, từng tổ nhóm và từng hộ nông dân – điều này các cơ quan truyền thông đã làm được.

Thứ hai, từng hợp tác xã, từng tổ nhóm và từng hộ nông dân phải phân tích, nhận xét, đánh giá các thông tin trên và xây dựng kế hoạch sản xuất và dự kiến tiêu thụ sản phẩm của mình, điều này hầu như rất khó thực hiện ở các HTX, tổ nhóm và từng hộ nông dân.

Thứ ba, ngăn chặn sự phát tán của những thông tin sai lệch do các ý đồ khác nhau của các đối tượng khác nhau đối với việc tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Đăng Nghĩa: Chúng ta nên nhớ những năm vừa qua xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng hàng thứ 18 trên thế giới và đứng thứ 2 ở ASEAN, nhưng thực sư đời sống, mức sông của những người nông dân thì chưa được cải thiện tương xứng với những thành tích kể trên. Đã đến lúc hãy chuyển hướng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam từ tiêu chí số lượng (tăng năng suất và sản lượng) sang tiêu chí chất lượng (giá bán và giá trị gia tăng cao).

Vì vậy, hãy chuyển hướng sản xuất cho ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị thay vì sản xuất những sản phẩm chất lượng thấp, số lượng nhiều nhưng giá không cao để "cứu đói" thế giới hơn là mang giá trị nhiều về cho nông dân.

Thời gian qua đã xảy ra câu chuyện “xé kèo” trong hợp đồng mua bán nông sản. Vậy đâu là nguyên nhân và cách nào để hạn chế chuyện này, giúp nông sản của nông dân đến được với người tiêu dùng. Từ thực tế công việc của mình, ông bà có gợi ý nào không?

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh: Ai bán được hàng cho nông dân, họ sẽ theo. Kinh nghiệm của Hệ thống bảo đảm cùng tham gia  (PGS) cho thấy, cần giúp nông dân tổ chức lại, sản xuất theo những tiêu chuẩn nhất định, kiểm soát nội bộ tốt, xây dựng niềm tin với người tiêu dung. Sản phẩm có chất lượng và an toàn, giá bán cao, ổn định thì nông dân trung thành.

Ông Lê Thanh Tùng: Việc “xé kèo” hay “bẽ kèo” thường diễn ra trong những hợp đồng thu mua nông sản ở những hình thức vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn hoặc những hợp đồng đầu tư thu hồi… giữa doanh nghiệp với nông dân hoặc tổ chức đại diên nông dân. Hình thức này có thể diễn ra ở cả hai phía có khi từ doanh nghiệp và cũng có khi từ nông dân. Thực tế vẫn còn phổ biến.

Nguyên nhân thì có nhiều, theo chúng tôi có hai nhóm nguyên nhân dẫn đến sự “bẻ kèo” là: những thỏa thuận về yếu tố kỹ thuật và định giá sản phẩm chưa rõ ràng, minh bạch.

Về kỹ thuật phân loại sản phẩm theo định lượng như các kích cỡ, trọng lượng loại 1, 2, 3 … hoặc các chỉ tiêu hóa học về dư lượng thuốc BVTV, phân bón, kim loại nặng… hoặc theo định tính như màu sắc, mùi thơm, mềm hoặc cứng, dày hoặc mõng, sớm hoặc muộn… thường rất khó kiểm soát, thiếu các thông số rõ ràng, minh bạch dẫn đến việc mâu thuẩn trong định giá thu mua hoặc là doanh nghiệp không mua hoặc là nông dân không bán.

Về định giá sản phẩm có thể thỏa thuận giá trước hoặc giá theo thị trường: cả hai phương thức này đều có thể dẫn đến rũi ro cho doanh nghiệp hoặc nông dân, sẽ có một bên được lợi nhiều hơn bên kia và dẫn đến việc “bẻ kèo”.
Ngoài ra có thể kể đến năng lực của doanh nghiệp về tài chính, trang thiết bị, nhân lực hoặc nông dân ham lợi nhuận hơn…

Ngoài những việc trang bị kiến thức kỹ thuật cho nông dân cần giúp họ hiểu biết hơn về pháp luật, thương thuyết và thực hiện hợp đồng đồng thời có biện pháp chế tài với cả nông dân và doanh nghiệp khi không thực hiện hợp đồng như cam kết, cần trang bị thêm kiến thức và đạo đức trong hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân đối với xây dựng thương hiệu nông sản, cùng chia sẻ rủi ro nhưng cũng cùng chia sẻ lợi nhuận để tất cả cùng hợp lực cạnh tranh với những mặt hàng nông sản cùng loại tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đăng Nghĩa: Nguyên nhân chính là hiện tại trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản theo kiểu “chộp giật”. Vì những doanh nghiệp nay là đi thu gom cho các doanh nghiệp lớn đã có đầu ra. Khi được giá thì họ săn đón, hứa hẹn, nhưng khi không được giá thì họ “bẻ kèo”.

Mặt khác cũng phải ghi nhận là người nông dân  chưa có ý thức trong việc ký kết hợp đồng. Khi thị trường có giá thấp thì họ thúc ép doanh nghiệp để mua ngay cho họ, nhưng thị trường có giá cao thì họ sẵn sàng “Xé kèo” để bán ra ngoài. Theo chúng tôi thì cần phải có những biện pháp để nâng cao nhận thức và ý thức của người nông dân khi tham giá ký kết hợp đồng.

Xin cảm ơn các diễn giả!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới