Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ thay đổi không gian kiến trúc hai bên xa lộ Hà Nội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ thay đổi không gian kiến trúc hai bên xa lộ Hà Nội

Văn Nam

Sẽ thay đổi không gian kiến trúc hai bên xa lộ Hà Nội
Xa lộ Hà Nội đoạn gần cầu Rạch Chiếc . Ảnh: Anh Quân

(TBKTSG Online) – UBND TPHCM ngày 11-3 đã phê duyệt đồ án thiết kế đô thị tỉ lệ 1/2000 và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan của trục đường xa lộ Hà Nội và trục đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng).

Đối với trục xa lộ Hà Nội có tổng chiều dài gần 15 km – bắt đầu từ cầu Sài Gòn (quận 2) đến cuối tuyến là Công viên lịch sử – văn hóa dân tộc (quận 9), gồm 10 phân khu chức năng.

Định hướng không gian đô thị dọc trục xa lộ Hà Nội sẽ phát triển mới khu trung tâm đa chức năng cấp thành phố tại khu vực cảng Phước Long thuộc phường Trường Thọ (Thủ Đức) có quy mô hơn 106 héc ta, bao gồm nhiều cơ sở công nghiệp và kho tàng ô nhiễm cần di dời như nhà máy Xi măng Hà Tiên, Thép Miền Nam …

Tham khảo:

– Quyết định số 1108/QĐ-UBND ngày 11-3-2014 của UBND TPHCM về duyệt đồ án thiết kế đô thị (riêng) tỷ lệ 1/2000 và Quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan Trục Xa lộ Hà Nội.

– Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 11-3-2014 của UBND TPHCM về duyệt đồ án thiết kế đô thị riêng tỷ lệ 1/2000 và Quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan Trục đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (trục đường Phạm Văn Đồng)

Ngoài ra, trục xa lộ Hà Nội sẽ được phát triển và kết nối hài hòa với các trung tâm chuyên ngành của thành phố trên tuyến xa lộ Hà Nội như Trung tâm thể dục thể thao Rạch Chiếc tại phường An Phú (quận 2), Khu Công nghệ cao và Công viên Lịch sử – Văn hóa Dân tộc thuộc địa bàn quận 9, khu Đại học Quốc gia.

Hệ số sử dụng đất trục xa lộ Hà Nội được phân bố theo hướng cao tại vị trí các công trình kiến trúc cao tầng điểm nhấn, các công trình giáp mặt tiền tuyến xa lộ Hà Nội, các khu trung tâm đa chức năng, khu vực xung quanh các nhà ga Metro, giảm dần về các khu dân cư hiện hữu, biệt thự, về phía bờ sông. Hệ số sử dụng đất cần phối hợp với mật độ xây dựng để đảm bảo phù hợp với cảnh quan từng khu vực và sẽ được xem xét cụ thể khi thực hiện dự án.

Đối với đồ án thiết kế đô thị trục đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng) có chiều dài toàn tuyến 15,33 km đi qua 5 quận Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Thủ Đức. Trục đường này cũng có 10 phân khu chức năng.

Định hướng không gian đô thị dọc theo Trục đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài sẽ theo hướng hình thành trục phát triển đô thị hiện đại, hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang đô thị trên cơ sở di dời các cơ sở công nghiệp cũ, chỉnh trang các khu dân cư chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng và cấu trúc đô thị chưa hoàn thiện . Đồng thời thành phố cũng chủ trương phát triển các cụm công trình nhà ở kết hợp chức năng thương mại, dịch vụ, phát huy tốt lợi thế về giao thông, cải tạo không gian, cảnh quan và môi trường đô thị.

Trục đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài sẽ được bảo tồn và phát huy những khu vực cảnh quan, các khu vực công trình có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa như khu vực cảnh quan sông Sài Gòn, làng mai, đường Kinh Lý…

Đồ án thiết kế đô thị trục xa lộ Hà Nội (trích):

“Định hướng không gian đô thị trục xa lộ Hà Nội sẽ phát triển mới khu trung tâm đa chức năng cấp thành phố tại khu vực cảng Phước Long, thuộc phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, có quy mô hơn 106 héc ta gồm nhiều cơ sở công nghiệp và kho tàng ô nhiễm cần di dời như nhà máy Xi măng Hà Tiên, Thép Miền Nam …

Phát triển và kết nối hài hòa với các trung tâm chuyên ngành của thành phố trên tuyến Xa lộ Hà Nội như Trung tâm thể dục thể thao Rạch Chiếc tại phường An Phú (quận 2), Khu Công nghệ cao và Công viên Lịch sử – Văn hóa Dân tộc (quận 9), Khu Đại học Quốc gia.

Hình thành các trung tâm giao thông công cộng tại các nhà ga metro thông qua việc đề xuất các ưu tiên về hệ số sử dụng đất, khuyến khích đầu tư xây dựng các dự án đa chức năng.

Ngoài ra, sẽ bảo tồn cấu trúc một số khu vực đô thị hiện hữu như khu vực biệt thự Thảo Điền về giao thông, hình thái phát triển, kiến trúc và cảnh quan biệt thự thấp tầng; giữ lại một số khu vực dân cư thấp tầng tại khu vực phường An Phú với cơ sở hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh, kiến trúc cảnh quan biệt thự – nhà ở thấp tầng hài hòa; giữ lại một phần mô hình đô thị khu biệt thự Làng Đại học thuộc phường Bình Thọ, quận Thủ Đức; giữ lại một số khu dân cư hiện hữu: một số khu dân cư hiện hữu, chủ yếu trên địa bàn các phường Phước Long A, phường Hiệp Phú, phường Tân Phú, quận 9, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, mật độ xây dựng cao, dân cư đông đúc tiếp tục giữ ổn định”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới