Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ xem xét lại thuế xuất khẩu vàng trang sức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ xem xét lại thuế xuất khẩu vàng trang sức

Thanh Thương

Sẽ xem xét lại thuế xuất khẩu vàng trang sức
Ông Đào Xuân Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối phát biểu tại hội thảo ngày 6-4. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, cơ quan này hiện đang tính toán để quy định lại thuế cho xuất khẩu nữ trang, bởi mức thuế áp dụng cho năm 2011 đến nay đã không còn phù hợp.

Bà Hằng đưa ra ý kiến này trong hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thị trường vàng trang sức Việt Nam” do Hiệp hội Kinh doanh vàng tổ chức ngày 6-4. Theo bà Hằng, mức thuế cũ được áp dụng trong năm 2011 đã không còn phù hợp do hiện nay không còn chuyện doanh nghiệp xuất khẩu vàng dưới dạng nữ trang thô.

Trong thời gian này, Bộ Tài chính đang tính toán mức thuế suất sao cho phù hợp, nhằm kích thích xuất khẩu nữ trang, nhất là khi doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sang các nước ưa chuộng nữ trang có hàm lượng vàng cao, vốn đang chịu thuế suất xuất khẩu đến 10%.

Tuy vậy, bà Hằng cho rằng việc điều chỉnh thuế sẽ được tính toán, có thể sẽ chỉ áp thuế cho các sản phẩm có hàm lượng vàng trên 99%, để tránh việc xuất khẩu vàng dưới dạng nữ trang nhưng cũng là để khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng có giá trị cao này. Hiện tại, các sản phẩm nữ trang xuất khẩu có hàm lượng vàng trên 80% sẽ chịu thuế suất xuất khẩu là 10%. Ngoài ra, bà Hằng cũng cho rằng phương án thứ 2 có thể tính đến là giảm thuế cho xuất khẩu nữ trang xuống thấp hơn mức hiện nay.

Ý kiến phản hồi của Bộ Tài chính xuất phát từ kiến nghị đưa ra đầu năm nay của các doanh nghiệp nằm trong Hiệp hội Kinh doanh vàng. Theo các doanh nghiệp, kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức trong nước ở mức rất thấp. Ngoài ra, các quốc gia khác trong khu vực đã giảm thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ xuống mức 0%, nên ngành vàng trang sức của họ luôn đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao như ở Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức đạt bình quân khoảng 3 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng, các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ của Việt Nam có hàm lượng 20k (83,33%), 22k (91,66%), hay 24k… rất được ưa chuộng tại các thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Dubai, Trung Quốc, vì vậy Bộ Tài chính nên giảm thuế để khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu.

Có mặt tại hội thảo trên, ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam (VGC) cho rằng quan điểm về việc giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới gây khó khăn cho xuất khẩu nữ trang là chưa chính xác, vì trên thực tế, chỉ có giá vàng miếng SJC là cao hơn giá thế giới, trong khi giá vàng nguyên liệu chỉ cao hơn giá vàng thế giới 10 đô la Mỹ/ounce. Vì vậy, xuất khẩu nữ trang vẫn có lời, nên giảm thuế là điều nên làm.

Trong hội thảo, vấn đề chất lượng vàng nữ trang cũng được nhiều ý kiến đề cập đến. Theo đó, với chất lượng vàng không đồng đều, gian dối tuổi vàng rất phổ biến. Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng nhà nước cần phải can thiệp bằng quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chuẩn chất lượng vàng trang sức, vàng mỹ nghệ trên thị trường. Thu hẹp số lượng tiêu chuẩn vàng trang sức từ 17 xuống còn 6 tiêu chuẩn như 24k, 22k, 18k, 14k, 12k và 10k, và thống nhất trên toàn quốc tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất, mua bán vàng. Đồng thời phải có thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, vàng mỹ nghệ đang lưu thông trên thị trường.

Ông Đào Xuân Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, Hiệp hội Kinh doanh vàng nên tham gia sâu hơn vào việc nâng cao chất lượng vàng nữ trang, thông qua việc đưa ra các tiêu chí cụ thể để doanh nghiệp tham chiếu theo. Đồng thời về việc hỗ trợ doanh nghiệp vay vàng để sản xuất như ý kiến từ các doanh nghiệp sẽ khó vì hiện tại, nhiều ngân hàng còn chưa thu hồi được nợ vay từ vàng trong nhiều năm trước do giá biến động tăng cao.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới