Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ xử mạnh việc giải ngân chậm các dự án đầu tư công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ xử mạnh việc giải ngân chậm các dự án đầu tư công

Lê Anh

(TBKTSG Online) – Tình hình giải ngân vốn đầu tư công sáu tháng đầu năm 2020 vẫn tiếp tục điệp khúc chậm và chậm từ năm này… sang năm khác. Trước tình hình đó, Chính phủ cho biết sẽ “mạnh tay” thực hiện các giải pháp điều chuyển vốn và quy trách nhiệm người đứng đầu.

Sẽ xử mạnh việc giải ngân chậm các dự án đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công chậm vẫn là bài toán nan giải từ nhiều năm nay – Ảnh: Lê Anh

Giải ngân chậm

Sáng 16-7, Thường trực Chính phủ đã họp giao ban trực tuyến với 63 tỉnh thành về công tác giải ngân vốn đầu tư công sáu tháng đầu năm.

Các số liệu báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư được công bố tại cuộc hội nghị này cho thấy, số tiền đã được giải ngân trong sáu tháng đầu năm 2020 của cả nước là 159.397 tỉ đồng, đạt 33,9% kế hoạch được giao (tỷ lệ này vào cùng kỳ năm ngoái là 28,56%). Trong đó, vốn trong nước là 145.270 tỉ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.061 tỉ đồng (đạt 12,52% kế hoạch), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 7.065 tỉ đồng (đạt 25,85% kế hoạch).

Chi tiết về tình hình giải ngân có ba bộ, cơ quan trung ương và chín địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan trung ương và 03 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có bảy bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, cũng như các năm trước năm nay tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm. Ngay cả những dự án trọng điểm quốc gia đều giải ngân rất chậm so với kế hoạch đặt ra.

Đơn cử như dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành, trong sáu tháng đầu năm 2020 dự án giải ngân đạt 689,923 tỉ đồng. Lũy kế giải ngân đến nay là 1.827 tỉ đồng, mới chỉ đạt 10,1% kế hoạch được giao.
Ông Dũng nhận định, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã giao của dự án đạt mức rất thấp, khó có khả năng hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao đất như kế hoạch.

Tương tự là dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đến nay đã hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn tuyến. Tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam là 3.437 trong số 8.970 tỉ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 38,3%. Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Nguyên nhân của sự chậm trễ lặp lại này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là: "do giải phóng mặt bằng chậm, đấu thầu, thay đổi chính sách, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần. Khi được giao kế hoạch vốn vào đầu năm, các cấp, các ngành mới bắt tay vào chuẩn bị đầu tư, đến cuối năm không kịp hoàn thành để quyết toán".

Trước tình hình giải ngân chậm kéo dài qua nhiều năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tìm ra nguyên nhân chính của tình trạng chậm chạp, ì ạch trong giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng đặt vấn đề: “tại sao cùng cơ chế chính sách ấy mà có địa phương đầu tư giải ngân rất tốt, còn nhiều địa phương rất ì ạch. Có phải do bệnh quan liêu, không đi sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung”.

Dùng chế tài "siết" giải ngân đầu tư công

Sau khi nghe một số bộ, ngành và địa phương nêu các nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chốt lại 3 vấn đề tồn đọng nhiều năm nay cần phải giải quyết.

Thứ nhất là không được để vốn đọng, có tiền đó mà không tiêu được. Thứ hai là không để nợ đọng khi hạng mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán. Thứ ba là đọng thủ tục.

Thủ tướng chỉ ra cái lợi của đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ giải quyết việc làm; thu nhập cho người lao động; giúp tăng trưởng.  Thủ tướng dẫn chững tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%.

Để trị được “vấn nạn” giải ngân đầu tư công chậm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lần này Chính phủ sẽ đưa ra chế tài cụ thể.

Trong đó, những nơi giải ngân chậm sẽ điều chuyển vốn đầu tư công của Nhà nước từ địa phương này qua địa phương khác, từ ngành này qua ngành khác, từ công trình này qua công trình khác.

Đối với người đứng đầu sẽ có các chế tài để quy trách nhiệm. “Vấn đề này đã nói mãi mà không chịu làm, lần này phải có chế tài mạnh, chế tài với những người đứng đầu trong việc để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Mời xem thêm:

Đầu tư công chậm, tại cả hai bên

Vòng luẩn quẩn giải ngân vốn đầu tư công chậm

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới