Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ xuất 900 ngàn tấn gạo trong quí 4

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ xuất 900 ngàn tấn gạo trong quí 4

Điều nông dân cần lúc này là làm sao bán được lúa. Ảnh: Hoàng Vũ.

(TBKTSG Online) – Dự kiến trong quí 4-2008, Việt Nam sẽ xuất khẩu thêm 900 ngàn tấn gạo, ông Huỳnh Minh Huệ, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết.

Báo cáo tình hình tiêu thụ lúa, gạo tại hội nghị sơ kết sản xuất lúa năm 2008 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2008- 2009 ở Nam Bộ, tổ chức ngày 19- 9 tại An Giang, ông Huệ cho biết: “Tính đến ngày 15-9, các hợp đồng xuất khẩu đã đăng ký đạt 3,95 triệu tấn và trong 9 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 3,6 triệu tấn”. 

Hiện các doanh nghiệp đã mua vào 660.000 tấn lúa, gạo – đạt 132% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 90,4% kế hoạch phấn đấu của VFA.

Tuy nhiên, theo ông Huệ, ngoài lượng tồn kho của doanh nghiệp và lượng lúa gạo vụ hè thu còn trong dân thì vẫn có thêm lượng lúa gạo từ thu hoạch vụ thu đông, nên lượng gạo hàng hóa cung cấp cho xuất khẩu vẫn còn nhiều so với kế hoạch.           

VFA nhận định, những tháng cuối năm, thị trường thế giới tiếp tục chịu áp lực bởi nguồn cung cấp dồi dào và xu hướng giảm giá. Thái Lan vẫn là nguồn cung và gây áp lực lớn nhất khi lượng tồn kho vụ cũ là 2,1 triệu tấn gạo phải bán ra để hạn chế xuống cấp và để mua tiếp lúa gạo theo chương trình trợ giá vụ 2 (khoảng 3,5 triệu tấn lúa- tương đương khoảng 2,3 triệu tấn gạo).

Như vậy, dự kiến đến 30-9, lượng gạo tồn kho của Thái Lan lên tới 4,4 triệu tấn. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng thông báo thực hiện tiếp chương trình mua hỗ trợ giá cho vụ chính bắt đầu thu hoạch vào tháng 11 tới.        

Ông Huệ cho rằng, do không có điều kiện dự trữ lâu để chờ giá như Thái Lan nên có khả năng gạo Việt Nam phải bán ra ở mức giá thấp để tiêu thụ lúa gạo hàng hóa còn tồn.        

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), ông Bùi Bá Bổng, cũng thừa nhận hệ thống kho trữ thiếu thốn chính là “điểm yếu” của gạo xuất khẩu Việt Nam. Theo ông, trước mắt bộ đã giao Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu phương pháp có thể tồn trữ lúa ngay trong nhà nông dân từ 2-3 tháng để triển khai ngay, giúp nông dân có điều kiện trữ lúa chờ giá.            

Tuy nhiên, hiện nay điều mà nông dân cần không phải là trữ lúa mà là làm thế nào được tiêu thụ lúa gạo nhanh nhất để có tiền lo cho vụ đông xuân tới… Do đó, theo nhiều ý kiến của nông dân, điều cần kíp là Nhà nước cần có những chính sách về tín dụng hợp lý, trước khi giúp nông dân tìm cách trữ lúa.

HỒ HÙNG 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới