Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Siết chặt hơn quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới

Đặng Thị Vân Anh - Lê Nữ Thanh Minh (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Quảng cáo trên nền tảng trực tuyến xuyên biên giới tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, trong đó, nền tảng quảng cáo xuyên biên giới Facebook và YouTube là phổ biến nhất. Tuy nhiên, nội dung điều chỉnh hoạt động này tại Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo đã lỗi thời. Vậy Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 181 có hiệu lực từ ngày 15-9-2021 có gì mới mẻ hơn không?

Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh

Nghị định 181 định nghĩa trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới (QCXBG) là các trang thông tin điện tử hoạt động từ máy chủ đặt ở nước ngoài cung cấp thông tin quảng cáo cho người sử dụng tại Việt Nam. Hiện nay, Nghị định 70 đã đưa ra định nghĩa cụ thể hơn về trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ QCXBG, từ đó mở rộng phạm vi xác định các nền tảng cung cấp dịch vụ này phù hợp với sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của các nền tảng trực tuyến.

Cụ thể, trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ QCXBG là hệ thống thông tin sử dụng một hoặc nhiều trang thông tin điện tử dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác nhằm cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, trao đổi thông tin, chia sẻ âm thanh, hình ảnh, tạo diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến để cung cấp dịch vụ quảng cáo.

Bên cạnh mở rộng phạm vi điều chỉnh, Nghị định 70 cũng mở rộng đối tượng chịu sự điều chỉnh và ràng buộc nhiều trách nhiệm hơn khi cung cấp dịch vụ QCXBG tại Việt Nam. Cụ thể, Nghị định 70 đặt ra trách nhiệm đối với tất cả các bên tham gia vào dịch vụ quảng cáo, bao gồm tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ tại Việt Nam, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong và ngoài nước. Đây là điểm tiến bộ so với Nghị định 181.

Gia tăng trách nhiệm với các bên

Về phía người phát hành quảng cáo, người quảng cáo, khi giao kết hợp đồng quảng cáo với cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ QCXBG, phải yêu cầu các đối tượng này có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo nào vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ này.

Tuy nhiên, đánh giá khả năng mang lại hiệu quả quản lý thì đây là điều khoản chưa thật chặt chẽ. Bởi lẽ, Nghị định 70 vẫn chưa có quy định mang tính chất bắt buộc nhà cung cấp dịch vụ QCXBG phải cung cấp giải pháp kỹ thuật để kiểm soát, gỡ bỏ nội dung quảng cáo độc hại. Khi đó, quy định này có thể được hiểu rằng người phát hành quảng cáo, người quảng cáo chỉ có thể yêu cầu, còn việc thực hiện hay không lại phụ thuộc vào “thiện chí” của nhà cung cấp dịch vụ QCXBG.

Nói theo một cách khác, nếu các bên đã có thỏa thuận về nghĩa vụ cung cấp giải pháp kỹ thuật của nhà cung cấp dịch vụ QCXBG trong hợp đồng nhưng nhà cung cấp dịch vụ QCXBG không chịu thực hiện, thì đây được xem là trường hợp vi phạm hợp đồng và sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của các bên như đối với những tranh chấp về vi phạm hợp đồng khác. Trong tình huống này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ khó lòng can thiệp nếu các bên không có yêu cầu trong hợp đồng, cũng như không thể áp dụng chế tài đối với chủ thể này.

Nghị định 70 cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ QCXBG tại Việt Nam phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trong vòng 24 giờ từ khi nhận được yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là một trong những điểm mới của Nghị định 70, góp phần cụ thể hóa và gia tăng trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ và trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước đối với hoạt động này. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn vài điểm cần bàn thêm.

Thứ nhất, trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm chỉ được thực hiện khi nhà cung cấp dịch vụ QCXBG nhận được yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Quy trình này bắt đầu từ trách nhiệm phát hiện và xác định các vi phạm của các bộ, ngành địa phương được phân công tại các văn bản quy định pháp luật về quản lý và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, sau đó các cơ quan này sẽ thông báo lên để Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, rà soát lại và đưa ra yêu cầu xử lý(1).

Trên thực tế, sự vào cuộc kiểm tra của cơ quan nhà nước từ cấp địa phương cho đến cấp trung ương đôi lúc không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của hoạt động QCXBG trên các nền tảng trực tuyến, dẫn đến việc có thể “bỏ lọt” các quảng cáo vi phạm do không kịp thời phát hiện xử lý.

Thứ hai, như trình bày ở trên, việc sàng lọc và xử lý nội dung quảng cáo sai phạm phải có sự vào cuộc phát hiện, xác định vi phạm rồi rà soát, kiểm tra của các cơ quan nhà nước. Nghị định 70 chỉ quy định chung các chủ thể kinh doanh phải tuân thủ pháp luật Việt Nam(2) mà chưa đưa ra quy định cụ thể buộc cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ QCXBG phải chủ động rà soát, chủ động gỡ bỏ nội dung vi phạm trên nền tảng của mình.

Do không có quy định cụ thể trách nhiệm và chế tài, trên thực tế, các cá nhân, tổ chức này hiếm khi tự nguyện, chủ động rà soát và gỡ bỏ nội dung quảng cáo vi phạm trên nền tảng của mình. Tham khảo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử, được Thông tư 47/2014/TT-BCT hướng dẫn, cũng quản lý hoạt động thương mại điện tử, có thể thấy nghị định này có những quy định khá chặt chẽ, rõ ràng ràng buộc trách nhiệm đối với nhà cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử – là đơn vị trung gian cung cấp nền tảng kinh doanh giữa người bán và người mua.

Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm ngăn chặn và loại khỏi trang web thông tin bán hàng hóa, dịch vụ cấm hoặc hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật và thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu… vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh(3).

Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối quản lý trực tiếp

Theo Nghị định 70, Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối trực tiếp quản lý, tiếp nhận các thông báo trước khi thực hiện quảng cáo, đầu mối tiếp nhận báo cáo định kỳ, cũng như tiếp nhận và xử lý các vi phạm về hoạt động cung cấp dịch vụ QCXBG. Theo Nghị định 181, Bộ Thông tin và Truyền thông được phân công quản lý quảng cáo trực tuyến, nhưng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch lại trực tiếp tiếp nhận thông báo trước khi quảng cáo. Do đó, việc thực thi các định về QCXBG trong thời gian qua còn thiếu thống nhất và đồng bộ.

Ngoài quyền kiểm tra và yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ QCXBG gỡ bỏ thông tin vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có thẩm quyền thực thi các biện pháp ngăn chặn các quảng cáo vi phạm pháp luật khi những vi phạm này không được xử lý theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng hoặc có quyền thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn đối với các QCXBG vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam.

Đây được xem là một trong những quy định quan trọng của Nghị định 70, mang lại sự chủ động cho cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát nội dung quảng cáo được phát hành tại Việt Nam, đặc biệt do tính chất khó quản lý của hoạt động QCXBG khi mà hầu hết chủ các nền tảng dịch vụ này không có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức nào tham gia hoạt động QCXBG cũng cần lưu ý rằng theo Nghị định 70, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố công khai thông tin về quảng cáo vi phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo không được hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với những trang thông tin điện tử vi phạm(4).

Vướng mắc về nộp thuế

Thông tư 103/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập phát sinh từ Việt Nam, có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, đều phải chịu thuế nhà thầu trừ các trường hợp không phải đóng thuế theo quy định.

Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng quy định, đối với hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ Tài chính.

Như vậy, đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động QCXBG có phát sinh thu nhập từ Việt Nam nhưng lại không có hiện diện thương mại tại Việt Nam, pháp luật Việt Nam đã có khung hành lang pháp lý chung để thu thuế các chủ thể này. Tuy nhiên, việc truy thu thuế đối với các chủ thể này rất khó thực hiện trên thực tế do thiếu vắng các quy định cụ thể về cách thức kiểm soát thu nhập có được từ Việt Nam, cũng như các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm trong bối cảnh các chủ thể này không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.

————

(*) Phuoc & Partners
(1) Điều 14.1, điều 14.2, Nghị Định 181, sửa đổi bổ sung bởi điều 1.2, Nghị Định 70.
(2) Điều 13.3, Nghị Định 181, sửa đổi bổ sung bởi điều 1.1, Nghị Định 70.
(3) Điều 36.8, Nghị định 52/2013/NĐ-CP và điều 4.3, điều 4.4, Thông tư 47/2014/TT-BCT.
(4) Điều 13.6, điều 14.2, Nghị Định 181 sửa đổi bởi điều 1.1, điều 1.2, Nghị Định 70.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới