Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Siết luật mà không siết thực thi luật thì cũng như không

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Sau vụ cháy làm chết đến 32 người tại một quán karaoke ở Bình Dương, đã có không ít ý kiến yêu cầu phải siết việc quản lý và chế tài mạnh hơn đối với những quán nào vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, nếu soi chiếu các quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy với những bất cập được nêu ra sau những vụ cháy quán karaoke trong thời gian qua, có thể thấy đối tượng cần phải siết chính là những cơ quan có trách nhiệm thực thi pháp luật.

Phát biểu trên một kênh truyền hình vào tối ngày 20-9, một lãnh đạo của Cục Phòng cháy chữa cháy nói rằng, cần phải tăng mức chế tài, quán karaoke nào không đáp ứng tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy thì buộc phải ngưng hoạt động cho đến khi khắc phục xong.

Yêu cầu trên hơi lạ, vì karaoke là ngành kinh doanh có điều kiện và một trong những điều kiện buộc phải tuân thủ là về phòng cháy chữa cháy, nên cơ sở nào không đáp ứng điều kiện này thì đương nhiên là không được hoạt động. Việc để cho những cơ sở karaoke vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy mà vẫn hoạt động, trước hết, đó là lỗi những cơ quan có trách nhiệm quản lý.

Có thể nói, các quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy và nghị định hướng dẫn là khá đầy đủ và chặt chẽ. Từ những thông tin được công bố sau các vụ cháy quán karaoke, đặc biệt là ở những vụ gây chết người, nếu đối chiếu với luật thì có thể dễ dàng nhận ra những nơi này đã không đáp ứng được các quy định của luật, ít nhất là ở các yêu cầu về đường thoát hiểm, vật liệu trang trí và cách âm không được dễ cháy và các điều kiện về chữa cháy. Vấn đề là, dù không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy nhưng vì sao các cơ sở này vẫn được cấp phép hoạt động.

Cũng trong ngày 20-9, một trong những vấn đề nóng được nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bàn về dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi là vấn đề “cài cắm”, “quân xanh quân đỏ” để gian lận trong hoạt động đấu thầu.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu lên thực tế là nhiều gói thầu công bố công khai, rộng rãi nhưng hồ sơ bên mời thầu đưa ra các điều kiện, tiêu chí mà nhìn qua cũng thấy nhà thầu nào sẽ trúng. “Tức là họ đã cài cắm các điều kiện và chỉ nhà thầu nhất định mới có thể đáp ứng tiêu chí mà bên mời thầu nêu ra”, ông nói.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, việc sửa luật lần này là nhằm giải quyết tình trạng đó, nhưng liệu đây có phải là do luật bất cập hay do buông lỏng việc thực thi luật. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói không sai, đó là bên mời thầu cài cắm các điều kiện, tiêu chí “mà nhìn qua cũng thấy nhà thầu nào sẽ trúng”. Vấn đề là ở chỗ những người có trách nhiệm lại không “nhìn thấy” điều bất thường này, để cuối cùng kết quả đấu thầu vẫn được xác nhận và việc thanh toán hợp đồng vẫn diễn ra trót lọt.

Vì vậy, ý kiến của bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội rất đáng để quan tâm. Bà lưu ý, cần xác định rõ nguyên nhân tình trạng tham nhũng trong đấu thầu do luật hay tổ chức thực hiện. Nếu quả thật đây là vấn đề của khâu tổ chức thực hiện thì dù có siết luật mà không siết việc thực thi luật thì cũng bằng không.

1 BÌNH LUẬN

  1. Luật thì luôn phải cần đến cả 2 vế, tính khả thi và tính thực thi. Nếu không vậy, luật pháp sẽ không đi vào cuộc sống, thậm chí bị cuộc sống bác bỏ. Tuy nhiên trong thực tế, tính thực thi vẫn là khâu yếu nhất trong quá trình hiện thực hóa mô hình nhà nước pháp quyền hiện nay. CT Hồ Chí Minh đã viết ngay từ những ngày đầu mới thiết lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ” Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, là nền tảng tư tưởng vĩ đại để làm căn cứ xây dựng Hiến pháp đầu tiên năm 1946.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới