Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Siêu dự án’ Cái Lớn – Cái Bé sẽ… đợi quy trình vận hành của Bộ NN-PTNN

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Siêu dự án’ Cái Lớn – Cái Bé sẽ… đợi quy trình vận hành của Bộ NN-PTNN

Trung Chánh

(KTSG Online) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cho xây dựng quy trình vận hành "siêu dự án" hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cá Bé để giảm thiểu tác động tiêu cực đến người dân, trong đó, nhấn mạnh việc chỉ đóng cống khi rủi ro… quá cao.

Lại cãi nhau với đại dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé

Cần thận trọng với dự án Cái Lớn – Cái Bé

'Siêu dự án' Cái Lớn - Cái Bé sẽ... đợi quy trình vận hành của Bộ NN-PTNN
Siêu dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé. Ảnh: tuoitre.vn

Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội nghị “Ba năm thực hiện nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức ở TP Cần Thơ vào cuối tuần vừa qua, ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thừa nhận rằng dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé là vấn đề nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận từ các nhà khoa học.

Tuy nhiên, theo ông, dự án đã được Chính phủ thông qua và thực tế cũng đã được Ban quản lý dự án thủy lợi 10 cho vận hành tạm cống Cái Bé và âu thuyền trên cống Cái Bé (thuộc dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cá Bé).

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều quan trọng nhất không phải là (cái) đập hay cống, mà là quy trình vận hành sao cho hữu hiệu sau đó mới đề cập đến chuyện "thành công hay thất bại" của công trình này. “Lúc nào đóng, đóng nó sẽ như thế nào, thì bắt đầu trong tháng 6 này bộ sẽ hoàn thành quy trình vận hành cống Cái Lớn – Cái Bé này”, ông Hoan cho biết.

Ông Hoan cho rằng, từ quy trình vận hành dự án Cái Lớn – Cái Bé thông qua hệ thống quan trắc được đầu tư kèm theo, bao gồm cả hệ thống quan trắc hạn mặn, quan trắc về mặt thuỷ lợi…, dữ liệu sẽ được đưa tới cộng đồng dân cư ở cấp huyện, cấp xã để mọi người biết “và chỉ can thiệp (tức đưa ra quyết định đóng cống – PV) khi độ mặn, hay độ rủi ro quá cao”, ông nói.

Theo ông Hoan, dự án Cái Lớn – Cái Bé là câu chuyện đầu tư phần cứng, nhưng phần mền là quy trình vận hành mới mang tính quyết định. “Bộ cũng đang đầu tư hệ thống quan trắc xuống tới vùng Hậu Giang và cả Kiên Giang”, một lần nữa ông Hoan nhấn mạnh.

Dự án Cái Lớn – Cái Bé được xem là một “siêu dự án” về thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vì có quy mô đầu tư giai đoạn 1 lên đến khoảng hơn 3.300 tỉ đồng và dự kiến ở giai đoạn 2 là khoảng 2.500 tỉ đồng.

Dự án thủy lợi này nằm trong vùng Bán đảo Cà Mau. Trong đó, phía Bắc là kênh Cái Sắn; phía Nam và Đông Nam là kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp; phía Đông Bắc là sông Hậu và phía Tây là biển Tây. Vùng dự án có tổng diện tích trên 909.000ha, thuộc địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và TP Cần Thơ.

Mục tiêu của dự án trong giai đoạn 1 là kiểm soát độ mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn – Cái Bé.

Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang; chủ động ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn và kết hợp phát triển giao thông thủy bộ trong vùng dự án.

Trước khi dự án được khởi công xây dựng giai đoạn 1 vào tháng 11-2019, nhiều ý kiến tranh luận gay gắt đã xảy ra giữa chính quyền các địa phương nằm trong vùng dự án cũng như một số nhà khoa học ủng hộ với bên phản đối cũng là các nhà khoa học gắn bó với vùng đất ĐBSCL.

Tại hội nghị về “Dự án thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 1” được tổ chức ở tỉnh Kiên Giang ngày 7-9-2018 – thời điểm trước khi dự án được khởi công xây dựng – chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh: “Bản thân tôi có rất nhiều điều quan ngại về công trình này”.

Theo đó, ông Thiện đưa ra 8 điểm cần được xem xét một cách thấu đáo và cho rằng không cần thiết xây dựng công trình này, gồm thứ nhất là về lịch vận hành của dự án; thứ hai là tính cần thiết của dự án; thứ ba – độ cấp bách của nó; thứ tư – tính khả thi; thứ năm – vấn đề đánh giá tác động môi trường; thứ sáu – một số vấn đề tác động môi trường chưa được nêu ra, chưa được thấy trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; thứ bảy – tính hối tiếc cao của công trình này và cuối cùng là sự chịu trách nhiệm.

Đối với lịch vận hành dự án, lúc bấy giờ, ông Thiện cho biết, lịch vận hành được đưa ra là 24 ngày/năm (tương đương có 4 lần và mỗi lần là 6 ngày). Điều này, theo ông là “nó quá lý tưởng”.

“Tôi cho rằng, đây là cách làm đơn giản vấn đề để thấy nó ít, trong khi tất cả mọi đánh giá đều dựa trên trụ cột này”, ông nói và đặt câu hỏi: “24 ngày vận hành này là của năm nào? Năm trung bình hay năm lũ cao hoặc là năm đặc biệt khô hạn và ở hiện tại hay trong là tương lai?”.

Ông Thiện cho rằng, lịch vận hành này được xây dựng cho kịch bản của năm 2018, trong khi công trình là công trình 100 năm, cho nên, ông kết luận lịch vận hành không thực tế. “Ai dám cam kết khi xây dựng (công trình) xong, lịch vận hành sẽ giữ như thế, tất cả mọi năm sẽ như thế?”, ông Thiện nêu câu hỏi.

Với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy trình vận hành cống Cái Lớn – Cái Bé thông qua việc đầu tư hệ thống quan trắc để đưa ra quyết định khi nào cần đóng, mở cống tuy chưa biết thực tế sẽ diễn ra như thế nào, nhưng đã cho thấy được sự nghiêm túc hơn của cấp quản lý. Bởi, việc vận hành dự án không hợp lý sẽ dẫn đến rất nhiều trở ngại liên quan xảy ra đối với người dân.

Ngày 5-4-2017 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tờ trình số 2832/TTr-BNN-XD gửi đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé (giai đoạn 1). Ngày 17- 4 – 2017, Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này. Tổng mức đầu tư là 3.309,5 tỉ đồng, trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017- 2020 là 3.300 tỉ đồng. Dự án được khởi công giai đoạn 1 vào tháng 11-2019.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới