Singapore trong cuộc chiến nước sạch
![]() |
Thành phố Singapore về đêm – Ảnh minh họa: PHÚ ĐỨC |
(TBKTSG) – Cách Singapore giải quyết vấn đề thiếu nước sạch có thể là mô hình tốt cho các nước đang đương đầu với vấn nạn tương tự.
Thiếu hụt nước sạch là một thử thách lớn đối với đảo quốc Singapore. “Mặc dù Singapore là nước nằm trên đường xích đạo và có nhiều mưa nhưng chúng tôi không có bất kỳ nơi nào để dự trữ nước theo cách tự nhiên. Chúng tôi cũng không có nước ngầm”, ông Khoo Teng Chye, Giám đốc điều hành Ủy ban Cơ sở Hạ tầng Singapore (PUB), cơ quan quản lý nguồn nước quốc gia cho biết.
Trong nhiều năm nay, Singapore phải nhập khẩu nước thông qua ba đường ống từ nước láng giềng Malaysia – một giải pháp rắc rối về mặt địa lý và khá tốn kém từ lâu gây nhiều phiền hà cho Chính phủ Singapore. Vấn đề này ngày càng trở nên gay gắt khi hai thỏa thuận cung cấp nước dài hạn, giá rẻ (1 xu cho 1.000 gallon) từ Malaysia sẽ hết hạn lần lượt vào các năm 2011và 2061. Bà Cecilia Tortajada trong báo cáo về Dự án nước sạch ở Singapore cho biết: “Đòi hỏi chính của Malaysia là tăng giá nước cung cấp cho Singapore lên 15-20 lần so với mức giá hiện nay”.
“Dân số ngày càng đông, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa làm cho hòn đảo vốn nhỏ bé càng chật chội hơn và không đủ chỗ để tích trữ nước nữa”, ông Khoo nói.
Vì thế, Singapore bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế để cung cấp nước sạch cho hơn 4,4 triệu cư dân với nhu cầu tiêu thụ khoảng 1,36 tỉ lít nước sạch mỗi ngày.
Ông Khoo Teng Chye cho biết việc làm đầu tiên là xây dựng một dãy các hồ chứa lớn để “thu hoạch tối đa lượng mưa”. Thêm vào đó, các nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt cung cấp khoảng 10% nhu cầu nước hiện thời của Singapore.
Nhưng bước đột phá thật sự là các nhà máy chế biến nước sạch từ nước đã qua sử dụng được đặt tên NEWater và nhanh chóng trở thành chiến lược nước sạch quan trọng của đảo quốc bé nhỏ này.
“Chúng tôi sử dụng thuật ngữ “nước đã qua sử dụng” hơn là dùng từ “nước thải” để tạo dựng sự hiểu biết rằng nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá”, ông Khoo giải thích.
Các nhà máy sẽ dùng ba cấp xử lý: vi lọc hay siêu lọc, lọc thẩm thấu ngược và tiệt trùng bằng tia cực tím để sản xuất nước sạch, đảm bảo độ tinh khiết tối đa của loại nước NEWater. “Singapore đã xoay xở thành công trong việc tìm ra sự cân bằng chính xác giữa chất lượng nước với công tác kiểm soát chất lượng, giữa nguồn cung cấp với quản lý nhu cầu và giữa lợi ích chiến lược của quốc gia với hiệu quả kinh tế”, bà Tortajada đánh giá.
Nhờ công nghệ này, chi phí dành cho mỗi mét khối nước đã giảm đáng kể. Cách đây năm năm, để sản xuất ra một mét khối nước bằng hệ thống khử muối, người ta phải mất đến 3 đô la Singapore (khoảng 2,2 đô la Mỹ).
Thế nhưng ba năm về trước, việc giới thiệu công nghệ mới xử lý nước trên quy mô lớn đã làm giảm mức chi phí này dưới 1 đô la. Công nghệ NEWater ra đời còn kéo mức chi phí xử lý nước xuống thấp hơn nữa, vì thế để sản xuất một mét khối nước chỉ còn 30 xu mà hiệu quả xử lý được nâng cao.
Hiện nay, Singapore có đến 4 nhà máy xử lý nước theo công nghệ NEWater, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu nước của quốc gia này và đang xây dựng nhà máy thứ năm. Theo dự đoán của ông Khoo, trong vòng 3-4 năm tới, các nhà máy với quy mô lớn này sẽ cung cấp tới 30% lượng nước sinh hoạt ở Singapore.
Mỗi giọt nước được sử dụng tới hai lần với hiệu suất đạt 50% so với mục tiêu đề ra là 70%. Tuy nhiên, lượng tiền đầu tư ban đầu không nhỏ: Trong năm năm qua, đảo quốc này đã đầu tư khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ và sẽ đầu tư thêm 3,5 tỉ đô la nữa trong năm năm tới.
Theo ông Khoo, nhà máy xây dựng càng lớn thì chi phí cho mỗi mét khối nước sạch giảm càng nhiều. Thêm vào đó, việc sử dụng công nghệ đã có sẵn cũng góp phần tiết giảm chi phí đầu tư ban đầu.
Tháng trước, Singapore đã đạt được giải thưởng hàng năm vì Sự đóng góp cho môi trường tại lễ trao giải Nước toàn cầu năm 2008. Ông Christopher Gasson, nhà xuất bản tạp chí Global Water Intelligence, cho rằng: “Singapore là nước dẫn đầu thế giới về tái chế nước và xứng đáng để các nước khác noi gương”.
“Tái chế nước và khử muối nước là hai giải pháp chủ chốt để các thành phố quản lý nguồn cung nước theo cách bền vững”, ông Muhammad Yunus, người từng đoạt giải Nobel hòa bình đã tán thưởng những nỗ lực ấy của Singapore.
Tháng tới, Singapore sẽ tổ chức Tuần lễ quốc tế về nước sạch nhằm tạo điều kiện để các quan chức trong ngành công nghiệp nước cũng như các nhà hoạch định chính sách tìm ra các giải pháp cho một nỗ lực toàn cầu.
“Chúng tôi đã giải quyết được vấn đề của mình. Giờ đây, chúng tôi muốn tạo ra một diễn đàn để mọi người có thể chia sẻ với nhau mọi giải pháp”, ông Khoo nhấn mạnh.
MỸ HẠNH (theo BBC)