Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

SmartFarm giành giải cao nhất tại cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

SmartFarm giành giải cao nhất tại cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL

An Yên – Văn Huỳnh

(TBKTSG Online) – Vượt qua hàng trăm đối thủ đến từ các tỉnh thành khác nhau của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dự án SmartFarm của nhóm thí sinh HiTech Mekong của Cần Thơ vào ngày 14-12 đã đoạt giải Nhì, cũng là giải cao nhất cho mảng dự án của Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2018. Dự án SmartFarm sẽ nhận giải thưởng trị giá 25 triệu đồng, bao gồm 15 triệu đồng tiền mặt và một khóa đào tạo Giám đốc điều hành trị giá 10 triệu đồng.

SmartFarm giành giải cao nhất tại cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL
Các dự án vào vòng chung kết Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2018. Ảnh: Văn Huỳnh

SmartFarm là giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ các hộ nông dân, nông trại hoặc hợp tác xã nông nghiệp trong hoạt động tưới tiêu, pha và phun thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) vào hoạt động quản lý sự tăng trưởng của cây trồng dưới sự tác động của ánh sáng, độ ẩm, mưa và nhiệt.

Cuộc thi nói trên, do VCCI Cần Thơ chủ trì và thực hiện với sự phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành vùng ĐBSCL và thành viên Mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL, với vòng chung kết diễn ra giữa 6 nhóm dự án và 7 nhóm ý tưởng, nhằm tìm kiếm những ý tưởng mới có tính sáng tạo, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp và quyết tâm thành lập doanh nghiệp của giới trẻ ĐBSCL. Theo Ban tổ chức, đây còn là hoạt động kết nối những ý tưởng sáng tạo, khả thi với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang có nhu cầu phát triển kinh doanh, qua đó đẩy mạnh công tác khởi nghiệp và tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp chung của vùng.

Sau hơn 2 tháng triển khai từ tháng 6 đến tháng 8-2018, ban tổ chức đã nhận được tổng cộng 210 hồ sơ (124 ý tưởng và 86 dự án) với hơn 550 thí sinh từ các tỉnh thành khu vực ĐBSCL tham dự. Trong đó, lĩnh vực giải pháp kinh doanh có 97 hồ sơ (chiếm 46%); nông nghiệp có 55 hồ sơ tham gia (chiếm 26%); chế biến thực phẩm có 46 hồ sơ (chiếm 22%) và công nghệ ứng dụng có 6 hồ sơ (chiếm 6%). Nếu phân chia theo địa bàn: có 96 hồ sơ đến từ Sóc Trăng, 26 hồ sơ đến từ Đồng Tháp, 25 hồ sơ đến từ Hậu Giang, 23 hồ sơ đếm từ Vĩnh Long, 14 hồ sơ đến từ Tiền Giang, 12 hồ sơ đến từ Cần Thơ, 6 hồ sơ đến từ Trà Vinh, 4 hồ sơ đến từ Bến Tre và 4 hồ sơ đến từ An Giang.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, nhận xét về các dự án, ý tưởng vào vòng chung kết Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2018. Ảnh: Văn Huỳnh

Ban tổ chức cho biết đã xây dựng các tiêu chí xét chọn và thành lập Hội đồng giám khảo là giảng viên từ trường Đại học Cần Thơ, các doanh nhân khởi nghiệp thành công, lãnh đạo các đơn vị ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động khởi nghiệp tại khu vực ĐBSCL và TPHCM.

“Sau 2 lần tổ chức từ năm 2016, cuộc thi năm nay thu hút sự quan tâm của các nhóm khởi nghiệp có tiềm năng, tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao ở tất cả các lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực: Công nghệ ứng dụng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và giải pháp kinh doanh. Điều đáng mừng là hầu hết các dự án, ý tưởng khởi nghiệp năm nay đều bắt nguồn từ tài nguyên bản địa, lợi thế nông nghiệp đặt thù của vùng và có tinh thần trách nhiệm xã hội rất tốt”, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, nhận xét.

Trải qua ba vòng sơ tuyển, bán kết và thuyết trình, Ban tổ chức đã chọn ra được 13 ý tưởng và dự án xuất sắc nhất tham gia tranh tài trong vòng chung kết diễn ra vào ngày 14-12. Sau 2 lần tổ chức từ năm 2016, cuộc thi năm nay thu hút sự quan tâm của các nhóm khởi nghiệp có tiềm năng, tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Giải Ba của mảng dự án thuộc về dự án chế biến bảo quản năn bộp (Sóc Trăng); Giải Khuyến khích thuộc về dự án bán bánh Nam bộ trực tuyến trên trang web; sản phẩm dầu dừa nguyên chất thương hiệu Ánh Dương (Trà Vinh); mô hình sản xuất, cung ứng hoa và trà thiên lý (Đồng Tháp).

Ở mảng ý tưởng, giải Nhì (không có giải Nhất) thuộc về ý tưởng làm dịch vụ ăn uống kết hợp hướng dẫn làm sản phẩm thủ công (Vĩnh Long) và ý tưởng về dây chuyền phân cỡ, đếm trứng và xếp trứng vô khay (Sóc Trăng). Giải Ba thuộc về ý tưởng trứng vịt muối ngâm thuốc bắc Thanh Long (Đồng Tháp), QuaTi – kinh doanh sản phẩm phát hiện và điều chỉnh tư thế ngồi làm việc (Cần Thơ). Các ý tưởng đạt giải Khuyến khích gồm: thành lập trại lươn giống Quốc Anh (Sóc Trăng); phở Hà Thành (Đồng Tháp); mô hình cà phê công tác xã hội (Sóc Trăng).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới