Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Số DN thành lập theo luật mới tăng 73%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Số DN thành lập theo luật mới tăng 73%

Quốc Hùng

Số DN thành lập theo luật mới tăng 73%
Lượng doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp mới tăng mạnh. Trong ảnh là đăng ký kinh doanh tại TPHCM trong những ngày đầu áp dụng Luật mới- Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Trong 50 ngày đầu tiên áp dụng đăng ký theo Luật Doanh nghiệp mới sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) cả nước có trên 13.000 doanh nghiệp được thành lập, tăng trên 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, thời gian thực hiện đăng ký kinh doanh trên 63 tỉnh thành bình quân thực hiện chưa hết 3 ngày như quy định.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã cho biết thông tin như trên trong chuyên mục "Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời" ở mục Thời sự Việt Nam tối nay 30-8 liên quan đến vấn đề Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư vừa có hiệu lực từ đầu tháng 7 vừa qua.

Sự gia tăng mạnh số lượng doanh nghiệp mới thành lập này, theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có hai nguyên nhân quan trọng, đó là kinh tế trong nước đang từng bước phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định hơn và một điều đáng chú ý là thủ tục thành lập doanh nghiệp tham gia thị trường đơn giản và minh bạch, doanh nghiệp cảm thấy ít rủi ro hơn nên tham gia thị trường.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật doanh nghiệp thì một số đơn vị cho biết họ bị quá tải về thủ tục. Bộ trưởng Vinh giải thích rằng sự quá tải diễn ra tại cơ quan đăng ký kinh doanh nhà nước ở Sở kế hoạch-Đầu tư hay ở phòng đăng ký kinh doanh. Có hai lí do: trước đây họ không phải làm những công việc như bây giờ, nghĩa là chuyển những công việc của doanh nghiệp sang cho họ làm, thứ hai là công việc của các cơ quan khác cũng chuyển về cho họ. Chẳng hạn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện cũng do phòng này thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên ông Vinh cho rằng, "họ chỉ kêu trong những ngày đầu thôi, đó là cơ quan đăng ký kinh doanh ở Hà Nội và TPHCM là những thành phố lớn."

Khi luật có hiệu lực, thì trong mấy ngày đầu thực hiện, riêng ở Hà Nội trước đây một ngày chỉ có khoảng 400-500 doanh nghiệp đến đăng kỳ thì nay có tới 1.500-1.600 doanh nghiệp đến cộng với việc mà phòng phải nhận thêm để giải quyết thì khối lượng quá tải, vì vậy doanh nghiệp phải chờ đợi.

"Tuy nhiên qua cuộc điều tra toàn bộ 63 tỉnh thành trên cả nước, bình quân đăng ký kinh doanh chỉ mất có 2,6 ngày, chưa đến 3 ngày và đúng quy định, chỗ nào đông thì có thể dài hơn một chút thôi," ông Vinh nói.

Bộ trưởng Vinh cũng giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc đăng ký kinh doanh và thành lập doanh nghiệp mới mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải, như vấn đề con dấu doanh nghiệp, áp mã ngành nghề…

Thời gian qua, một số doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh gặp vướng mắc về trả dấu cũ, khắc dấu và đăng ký dấu mới, Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp tự quyết số lượng con dấu, câu hỏi đặt ra là liệu doanh nghiệp không dùng con dấu nữa như một số nước có được không?

Theo Bộ trưởng Vinh, hiện nay trong luật vẫn quy định chúng ta cần có con dấu, chuyện không cần thì phải đợi các bước tiếp theo, vì hiện đang có nhiều văn bản ngoài luật doanh nghiệp vẫn yêu cầu sử dụng con dấu trong các chứng thực, văn bản pháp lý. "Vì vậy chúng ta phải dần dần điều chỉnh các văn bản đó, đồng thời cũng cần thời gian các doanh nghiệp làm quen với các văn bản mới vì bản thân các doanh nghiệp bạn hàng, các cơ quan Nhà nước khi không có dấu đóng thì cảm thấy không có tính pháp lý," bộ trưởng cho biết.

Về mã ngành nghề kinh doanh, nhiều doanh nghiệp thắc mắc: Luật cho phép doanh nghiệp được kinh doanh những gì mà luật không cấm thì tại sao họ vẫn phải kê khai mã ngành kinh doanh trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp?

Trả lời câu hỏi này, ông Vinh cho biết, trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp phải ghi rõ nhân thân chủ doanh nghiệp, cũng như ngành nghề dự kiến kinh doanh ban đầu (mã ngành nghề) để theo dõi quản lý, rồi xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô, cung cấp thông tin cho các loại hình doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp. Đấy là điều kiện ban đầu, còn giấy phép kinh doanh và hoạt động kinh doanh không phải ghi, như vậy không có vướng mắc.

Một vấn đề khác liên quan đến Luật Đầu tư sửa đổi là liệu luật có đi ngược với định hướng cắt giảm thủ tục hành chính, vì quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước giờ lại cần hai giấy tách biệt là Giấy phép đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay vì một giấy phép đầu tư như trước đây.

Về vấn đề này, ông Vinh cho rằng trước đây giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy đăng ký doanh nghiệp là ghép với nhau nhưng do hai cơ quan xem xét. Giấy đăng ký doanh nghiệp rất đơn giản do phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch Đầu tư cấp, trong khi giấy phép đầu tư có thể do các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thậm chí Chủ tịch UBND tỉnh ký cấp phép cho các dự án lớn, và thậm chí các dự án lớn hơn còn phải do Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội quyết nữa.

Vì vậy nếu để chung với nhau sẽ có hai bất cập: nếu điều chỉnh một nội dung ở bên nào thì phải chờ lâu, cho nên bây giờ phải tách ra giấy đăng ký kinh doanh luật quy định chỉ có 3 ngày, giấy chứng nhận đầu tư trước quy định 45 ngày bây giờ chỉ còn tối đa không 15 ngày. Như vậy, nếu làm cả hai thủ tục chỉ có 18 ngày tối đa.

Dự kiến trong tháng 9 sẽ có Nghị định hướng dẫn Luật

Dù Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới rất mở nhưng thực tế việc triển khai đăng ký kinh doanh vẫn còn bị vướng do chưa có Nghị định hướng dẫn cụ thể.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng có nhiều lý do khiến Nghị định hướng dẫn hai luật này bị chậm ban hành, nhưng theo ông hai luật mới là một sự đột phá khá lớn. "Chúng ta đã chọn phương pháp chọn bỏ, nghĩa là cái gì nhà nước cấm thì nhà nước công bố và cái gì nhà nước không cấm thì nghĩa là doanh nghiệp được tự do kinh doanh. Cho nên các bộ ngành và cơ quan soạn thảo đã lọc ra bao nhiêu ngành nghề cấm và có điều kiện, còn lại là tự do kinh doanh là một công cuộc rà soát khổng lồ," ông Vinh nói.

"Do đó chúng tôi đã làm việc với 16 bộ ngành trung ương để mọi thứ khớp lại là một quá trình làm việc căng thẳng. Cách đây ba tháng chúng tôi đã trình Nghị định này rồi. Tất nhiên còn nhiều nghị định sẽ trình chậm hơn vì rất khó khăn như vậy," ông Vinh nói và cho biết thêm: "Tôi nghĩ dự kiến tháng 9 Chính phủ sẽ ban hành Nghị định này."

Mặt khác, theo ông Vinh dù chưa ban hành Nghị định hướng dẫn nhưng trong thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn rất chi tiết cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan, đến giờ phút này về cơ bản không còn vướng mắc nhiều như ngày đầu tiên áp dụng.

 

Mời đọc thêm:

>>> Số DN thành lập theo luật mới tăng 15,7%

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới