(KTSG Online) – Công trình xanh đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện vào giữa những năm 2000. Tuy nhiên, đến nay cả nước chỉ có khoảng 233 công trình được nhận chứng chỉ xanh. Theo các chuyên gia thì đây là con số khiêm tốn so với số lượng những dự án được xây dựng trong suốt thập niên vừa qua.
- Tiềm năng từ thị trường công trình xanh ở châu Á-Thái Bình Dương
- IFC ký hợp tác với ĐH Kiến trúc Hà Nội và TPHCM triển khai khóa học về công trình xanh
Các chuyên gia cho rằng trước xu hướng chủ đạo của bất động sản toàn cầu chú trọng yếu tố xanh, bền vững, Việt Nam cần chủ động hơn trong phát triển công trình xanh để giữ sức hút và đạt mục tiêu trong cuộc đua giảm phát thải toàn cầu.
Tại hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam và nhiều quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Để có thể đạt được cam kết này, bất động sản đóng vai trò quan trọng. Theo Savills Impacts năm 2022 thì bất động sản chịu trách nhiệm cho 40% lượng khí thải carbon toàn cầu. Việc giảm lượng khí thải carbon liên quan đến ngành này là rất cần thiết để đạt mục tiêu phát thải ròng đã đưa ra.
Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Để hiện thực hóa cam kết này, nhiều chính sách đã được triển khai nhằm rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu. Tuy nhiên, riêng đối với bất động sản, số lượng những công trình xanh hiện nay được đánh giá là chưa tương xứng với những tiềm năng và yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại sự kiện Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2022, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, kéo theo áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong xây dựng. Về phát triển công trình xanh, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 233 công trình với tổng diện tích khoảng 6 triệu m2 sàn xây dựng – con số còn rất khiêm tốn so với số lượng công trình xây dựng và đưa vào hoạt động trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, hiện nay các chủ đầu tư đã bắt đầu có những động thái chủ động hơn trong việc phát triển các dự án xanh. Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, riêng tại thị trường Hà Nội, từ nay đến 2024 sẽ có thêm khoảng 6 dự án văn phòng được nhận chứng chỉ xanh. Việc sử dụng vật liệu cải tiến, thân thiện với môi trường, xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng được đánh giá là phù hợp với xu thế của thế giới.
Ngoài ra, việc áp dụng proptech, các hệ thống quản lý toà nhà thông minh hay các thiết bị năng lượng tái tạo tại các toà nhà mới xây và toà nhà đã đi vào hoạt động cũng đồng thời nâng cao tiêu chí xanh, tối ưu chi phí vận hành hàng tháng, từ đó tiết kiệm hơn cho chủ đầu tư và người sử dụng.
Thực tế cho thấy, thị trường Việt Nam có rất nhiều toà nhà văn phòng được phát triển và đi vào hoạt động từ 20 năm trước. Do đó, hệ thống quản lý và cách thức vận hành không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh mà khách thuê tìm kiếm. Đặc biệt, khi nhu cầu về sử dụng năng lượng hiệu quả trở nên ngày một cấp bách thì càng cần chủ đầu tư áp dụng công nghệ trong hệ thống quản lý tòa nhà.
Các tòa nhà được quản lý bởi công nghệ quản lý thông minh hiện nay có khả năng thu thập và nghiên cứu các dữ liệu vận hành bao gồm hiệu suất các thiết bị điều hòa không khí, mức tiêu thụ điện năng, hay mật độ khách thuê, để cải thiện công tác vận hành, hỗ trợ kiểm soát và tối ưu phát thải carbon ra môi trường. Những tòa nhà không có hệ thống quản lý tối tân sẽ không cải thiện được vấn đề này.