Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sôi động làng trầm cảnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sôi động làng trầm cảnh

Huỳnh Văn Mỹ

Một xưởng làm trầm cảnh ở Trung Phước. Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ.

(TBKTSG) – Hòa với không khí ồn ào, sôi động của ngôi chợ mang tên làng, ngay từ sáng sớm, một bộ phận cư dân làng Trung Phước (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã tất bật bên những đống gỗ dó cao ngất, kẻ tỉa, đục bằng tay, người khoan, cắt bằng máy. Ngôi chợ lớn nhất huyện chưa đến xế chiều đã tan nhưng công việc của những thợ trầm thì kéo dài mãi đến chiều tối, có khi họ phải làm thâu đêm để kịp giao sản phẩm…

Cơ duyên làng nghề

Tự mày mò, chỉ mới hơn mười năm, những thợ săn trầm và lái trầm ở “chợ trầm” Trung Phước đã sản xuất được loại trầm mỹ nghệ – gọi là trầm cảnh. Từ nghề săn tìm, mua bán trầm với những câu chuyện tựa như huyền thoại, cư dân của ngôi làng nằm kề bến giang đầu của dòng Thu Bồn cuộn nước giáp với Trường Sơn hun hút này đã tạo nên làng mỹ nghệ trầm hương đầu tiên và lớn nhất nước…

“Sau Tết, thợ mới vừa vô việc lại mà bạn hàng cứ gọi điện kêu lo hàng để kịp cho họ lấy. Hàng đang bán chạy, mình phải ráng làm để không mất mối nhưng không biết có làm kịp không”, ông Thái Thu – chủ xưởng – nói.

Bên cạnh việc làm hàng cảnh từ trầm ròng, xưởng trầm của ông Thu còn sản xuất những sản phẩm từ phần giác trắng của cây dó – tên gọi phổ biến của cây trầm hương – nhờ kỹ thuật nấu nhuộm và tẩm ướp tinh trầm.

“Hồi còn lên núi đốn cây dó để tìm trầm tuy cực nhưng dễ làm, cứ đục tỉa để lọc lấy phần trầm ròng là xong. Chừ làm trầm cảnh đòi hỏi phải có nhiều sáng kiến”, ông Thu nói trong khi đang nấu hàng bên cạnh những người thợ trẻ lo việc tỉa, chạm những phiến trầm cảnh loại lớn.

Dù nằm ở giữa vùng núi heo hút có đoạn sông Thu Bồn thường hay dâng lũ nhưng Trung Phước từ lâu đã trở thành một ngôi chợ lớn của vùng Nông Sơn, được xem là một “chợ trầm” thịnh đạt ở miền Trung.

“Trước đây tụi tui đã trải nhiều phen lạc giữa rừng già, có khi hoa mắt trước những cây dó ngập trầm gùi về không hết. Nhưng cũng có khi bị kẻ xấu trấn lột hết trầm, cả chuyến đi không mang về được một chút trầm”, những thợ trầm ở Trung Phước kể lại.

Cực khổ là thế nhưng họ vẫn đeo đuổi, gắn kết với trầm hương như một đam mê ngay cả khi cây dó tưởng đã vĩnh viễn không còn. “Nghề săn trầm khiến tụi tui quen tiêu pha, quen bước phiêu lưu nơi rừng rậm núi cao. Bởi vậy nên đến khi cây dó không còn thì tụi tui buồn khổ lắm. Cụt nghề lại thấy nhớ nghề, khoảng năm 1995 mới rủ nhau lên rừng tìm đào mấy gốc dó về đục tỉa để tạo thành những gốc cây có hình thù lạ mắt mang vô TPHCM bán thử. Thấy gốc dó có hình dạng đẹp, khách mua ngay. Rồi họ đặt hàng, vẽ kiểu cho mình làm theo…”, ông Thu kể về quá trình làm nghề mà ông và dăm ba thợ trầm Trung Phước đã khai mở.

Ông Lê Hải Hùng – một chủ xưởng chuyên làm hàng cảnh từ trầm ròng, cho biết nghề làm trầm mỹ nghệ của Trung Phước chỉ phát triển khi có được kỹ thuật xử lý tạo trầm cho cây dó trồng trong vườn nhà của một số nông dân trong tỉnh. Do thấy những đoạn trầm qua xử lý có hình dáng lồi lõm rất đẹp, khối trầm lại được kéo dài liên tục với kích cỡ lớn, thay vì tỉa rời thành những miếng trầm nhỏ, những người lái trầm đã cho thợ giữ nguyên một đoạn với các kích cỡ khác nhau, rồi tỉa tót, tạo hình để chào bán.

“Đúng như mình nghĩ, khách nước ngoài chuộng ngay. Họ nói chưa khi nào thấy trầm kết theo khối lớn, có hình dạng đẹp thế này. Vậy là từ đó mình đã rộng đường nghề…”, ông Hùng nói.

Có kỹ thuật chế tác tinh xảo, lại nắm được thị trường, những xưởng trầm Trung Phước trở thành nơi thu gom trầm cảnh cho một số xưởng trầm rải rác ở các địa phương khác của tỉnh Quảng Nam. “Hàng của những xưởng trầm các nơi là hàng thô, mình mua về phải gia công chế tác lại mới bán được. Nhưng cũng hay, họ giúp mình và mình cũng giúp họ…”, ông Hùng nói.

Bước nhảy vọt

Mấy năm nay chợ Trung Phước sôi động hẳn lên một phần cũng nhờ nghề trầm cảnh. Từ con đường trục bên chợ cho đến những hẻm làng, đâu cũng nghe tiếng môtơ, tiếng đục chạm của thợ trầm. “Gần vài chục căn nhà lầu mới mọc lên đều là của mấy chủ xưởng trầm”, ông Thu cho biết.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Quế Trung, ông Ngô Đình Long, Trung Phước hiện có trên 20 xưởng trầm lớn, trong đó nhiều xưởng do doanh nghiệp đầu tư, còn một số khác thì làm “vệ tinh” cho những xưởng lớn này. Thợ trầm có tay nghề cao đều là người ngoại tỉnh, số còn lại là người trong làng, trong xã.

“Tui sống với nghề trầm cảnh đã hơn tám năm. Lương mỗi tháng chừng 2 triệu đồng, dựa thêm vào ruộng đất sống cũng được…”, ông Cao Tâm, 57 tuổi, làm thợ tỉa, nói. Còn anh Huỳnh Văn Hải, 20 tuổi, thì tỏ ra phấn chấn với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng bởi “có việc làm quanh năm và khi cần cũng có thể giúp gia đình làm ruộng vào ngày mùa”.

Các chủ xưởng cho biết làng nghề mới nổi này tiến nhanh đến mức chính họ cũng không ngờ. Hàng mỹ nghệ dó trầm Trung Phước khá phong phú, đa dạng, từ những sản phẩm có giá cả trăm triệu đồng cho đến những món đồ nhỏ như chuỗi hạt, tượng nhỏ giá chỉ trăm ngàn đồng được làm từ giác trắng. Để có những mặt hàng cỡ lớn toàn bằng trầm ròng, những người thợ trầm phải dán ghép rất công phu. Và công sức của họ được đền đáp thỏa đáng, bởi nhiều khi khách mua không tính theo lượng trầm mà theo cái đẹp, cái độc đáo của sản phẩm.

Bước phát triển đáng kể của làng trầm Trung Phước là việc một số người đã mang hàng đi bán trực tiếp ở nước ngoài. Ông Lê Hải Hùng, một trong những chủ xưởng đã ra nước ngoài bán hàng, cho biết: “Bán hàng qua trung gian các đại lý ở TPHCM, Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh bị ép giá, xót bụng lắm. Biết hàng trầm cảnh của mình cuối cùng được bán sang Trung Quốc, Đài Loan nên tui cố công lần tìm đường đi nước bước. Khổ nhọc lắm, nhưng mình quyết tâm làm là được thôi…”.

Tìm đến các hội chợ quốc tế ở Trung Quốc, Đài Loan, Singapore… qua các thông tin trên mạng, một số người mang hàng ra Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn thuê người thông dịch rồi cùng nhau đến xứ người, thuê mặt bằng và bày hàng chào bán. Từ các hội chợ, họ lại lần ra đường đi mới, mối quan hệ mới. Và không đợi đến khi có hội chợ, hễ có hàng là họ tự mang đi bán.

Ông Ngô Đình Long, Phó chủ tịch UBND xã Quế Trung, cho biết hiện chính quyền xã và các cơ quan liên quan của huyện Nông Sơn đang tiến hành làm thủ tục đăng ký thương hiệu cho sản phẩm trầm mỹ nghệ Trung Phước. Nhiều lái trầm từ Trung Phước hiện đã vào định cư tại TPHCM, tiếp tục với nghề kinh doanh trầm, đã tác động tốt đến hoạt động chế biến, kinh doanh trầm tại quê nhà Trung Phước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới