Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sống chung Covid-19, bảng đỏ cách ly còn cần thiết?

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bằng cách khoanh vùng người nhiễm, hạn chế phong tỏa đến mức tối đa cho phép, chúng ta đang duy trì tình trạng bình thường mới – chống dịch trong khi tiếp tục ở mức có thể sản xuất kinh doanh và sinh hoạt bình thường của người dân. Tuy nhiên, người viết tin rằng hiện nay vẫn tồn tại một số quy định cần sửa đổi theo tinh thần sống chung với dịch Covid-19 như Chính phủ đã chủ trương cũng như đang theo đuổi một cách bền bỉ.

Hôm qua, ngày cuối cùng của tháng 2 năm nay, đánh dấu số ca nhiễm mới tại Việt Nam tiệm cận mốc 100.000 ca/ngày, cao nhất từ trước đến nay. Báo chí dẫn lời giới chức y tế cho biết con số này còn có thể tăng cao hơn nữa trước khi giảm xuống. Chúng ta vẫn đang cố gắng làm những gì có thể để tránh đóng cửa kinh tế một lần nữa.

Cuối năm ngoái khi số ca nhiễm tăng lên, Hà Nội ra văn bản quy định cách ly tại nhà đối với người nhiễm Covid-19. Văn bản ghi rõ: “Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: ‘Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19’”(1). Thực ra, đây không phải lệ riêng của Hà Nội mà các địa phương khác cũng thực hiện tương tự. Có lẽ quy định này nhằm mục đích cảnh báo người xung quanh tránh xa nơi cách ly để giảm nguy cơ lây lan, cũng như kêu gọi, nhắc nhở giám sát việc tuân thủ cách ly của người nhiễm.

Cũng ngày hôm qua, báo mạng vnexpress.net thực hiện phỏng vấn Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà về khả năng ứng phó của thành phố này trước diễn biến dịch Covid-19. Trong cuộc phỏng vấn, bà Hà cho biết như sau: “Theo tôi, giai đoạn này đánh giá mức độ nguy cơ cần thông qua tỷ lệ bệnh nhân vào viện, chuyển nặng, tử vong; khả năng đáp ứng của hệ thống y tế ở các tuyến, chứ không phải số ca nhiễm mỗi ngày”(2).

Căn cứ trên lời phát biểu của bà Hà và xét tình hình hiện nay, ý nghĩa thực tiễn của “quy định treo bảng đỏ” trước nơi người nhiễm cư ngụ đã không như ban đầu. Sự tồn tại của quy định này chủ yếu chỉ còn là một liệu pháp tinh thần trấn an chính người ra quy định, nếu xét đến sự thay đổi quan điểm và phương pháp chống dịch ở Việt Nam. Chúng ta đã không còn theo đuổi chiến lược “zero Covid” (cố gắng thực hiện bằng mọi giá các chính sách nhằm loại bỏ hoàn toàn ca nhiễm trong cộng đồng). Đã xuất hiện nhiều đề nghị cho rằng không cần thống kê các ca nhiễm mới, thay vào đó chú trọng vào số ca nhập viện và trở nặng nhiều nước đang làm như bà Hà vừa nêu.

Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, sự tồn tại của một tấm bảng đỏ như vậy nhằm đánh dấu một gia đình có người bị nhiễm đang là một gánh nặng tâm lý không hề nhỏ đối với toàn bộ các thành viên trong gia đình đó. Trên thực tế, thay vì nhận được sự thông cảm, quan tâm hay giúp đỡ, không ít trường hợp người bị nhiễm và người thân của họ không hề bị nhiễm đã phải gánh chịu thái độ phân biệt đối xử, thậm chí kỳ thị, từ những người xung quanh chỉ vì chiếc bảng đỏ này. Cho nên, hiện nay vẫn treo bảng đỏ – theo người viết – là lợi bất cập hại vì chẳng còn bao nhiêu ý nghĩa thực tiễn.

Còn nhớ cách đây nhiều thập niên khi đất nước vừa mới thống nhất, một số hộ gia đình bắt đầu được phép nhận được kiều hối hay quà tặng từ thân nhân ở nước ngoài. Sau đó, trên hộ khẩu của những gia đình như vậy đóng một dấu đỏ với ký hiệu chữ T-H in hoa. Không rõ ràng như bảng đỏ cách ly Covid-19 hiện nay, dường như chưa bao giờ có một giải thích chính thức T-H là gì và vì sao phải đóng ký hiệu này. Có người bảo T-H là “tiền – hàng”, không biết có đúng không. Nhưng trên thực tế, khi ấy, nhiều người với tấm hộ khẩu có dấu T-H không khỏi cảm thấy bối rối trước hàng xóm với tấm hộ khẩu “sạch”. Dần dà, trước những lợi ích thực sự do kiều hối và quà tặng mang lại cho đất nước, ký hiệu T-H lặng lẽ biến mất. “Sự phân biệt âm thầm” bằng con dấu đỏ đó chắc chẳng bao giờ trở lại.

Thời kỳ ấy đã qua. Còn hiện nay, bảng đỏ cách ly Covid-19 không nên tồn tại như là một dấu hiệu phân biệt những người Việt Nam bình đẳng với nhau, dù họ có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không.

Đó là chưa kể, chỉ cách đây mấy ngày, tại một buổi tọa đàm với chủ đề hàng không Việt Nam mở cửa toàn diện từ 15-3 sắp tới, có người nhắc rằng chúng ta cần làm việc này để có thể thu về 1 tỉ đô la Mỹ sau mỗi hai tuần như trước đây. Khi ấy, nếu khách quốc tế vào Việt Nam thắc mắc về những tấm bảng đỏ báo hiệu cách ly đó, không biết chúng ta phải giải thích ra sao. Ở nước họ, không ai làm chuyện này cả!

————-

(1)https://thanhnien.vn/ha-noi-treo-bien-do-truoc-nha-f0-dieu-tri-tai-nha-post1407792.html

(2)https://vnexpress.net/giam-doc-so-y-te-ha-noi-can-tranh-tam-ly-ai-cung-se-la-f0-4432932.html

2 BÌNH LUẬN

  1. Hà Nội: 8 ca/ngày thì nhốt dân như 2.000 ca/ngày.
    2.000 ca/ngày thì quan tâm chữa cho dân như 8 ca/ngày.
    Đòi cách ly, đòi treo bảng người từ tp HCM về, sao giờ không bắt người HN vào tp HCM cách ly và treo biển đi?

  2. Những ngày đại dịch bùng nổ, hệ thống y tế công bị quá tải nặng nề, trong khi y tế tư nhân rảnh rỗi. Bây giờ thì ngược lại, y tế tư làm không hết việc, y tế công có phần vắng lặng. Điều này có nghĩa là, người dân trong bối cảnh “tự xử” họ phải tìm đến nơi đáp ứng nhu cầu linh hoạt, nhanh nhẹn nhất, cho dù phải mất thêm tiền, vì sức khỏe là trên hết, không thể đợi chờ các loại thủ tục hành chính phát sinh. Thời điểm này chính là lúc đòi hỏi sự phản ứng nhanh nhẹn nhất của toàn bộ hệ thống y tế/ bảo hiểm xã hội để cho dân đỡ bớt khó khăn, nếu không buộc họ phải đi tìm lựa chọn khác tốt hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới